Tác phẩm Những con chữ ngoài trang sách của tác giả Trần Đình Ba, kể câu chuyện về công tác xuất bản vào nửa cuối thế kỷ 19 đến tháng 8 năm 1945, với những chủ đề gần gũi, từ việc "điểm phấn tô son" làm bìa, vẽ tranh nội dung, viết lời tựa cho đến sửa chữ sai, lời đề tặng sách của tác giả... giúp độc giả nhìn một thời của lịch sử hoạt động xuất bản nước nhà.
Hậu trường nghề xuất bản sách ở Việt Nam trước tháng 8.1945
Ở phần 1 Phía sau trang sách trong tác phẩm Những con chữ ngoài trang sách của tác giả Trần Đình Ba, nội dung tập trung về nghề xuất bản ở Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ 19 khi máy móc in ấn của phương Tây được người Pháp đưa sang Việt Nam. Việc ra đời các nhà in nhà nước từ thập niên 1860 đã tạo nền cho xuất bản hiện đại.
Sang đầu thế kỷ 20, xuất bản dần chuyển sang các nhà xuất bản công và tư, trong đó hai trung tâm xuất bản lớn ở Sài Gòn và Hà Nội. Những đơn vị xuất bản lớn được đề cập đến có Nhà xuất bản (NXB) Tân Dân, NXB Mai Lĩnh ở Hà Nội, Tín Đức thư xã ở Sài Gòn. Trung Kỳ cũng góp tiếng nói với Nhà in Tiếng Dân, Nhà in Đắc Lập, Nhà in Qui Nhơn…
Hoạt động phát hành sách qua hệ thống nhà sách, mối quan hệ tác giả - nhà xuất bản, dịch thuật các danh tác thế giới cũng được đề cập tới. Những con người, công việc góp phần làm nên sự hấp dẫn cho tác phẩm cũng được giới thiệu từ việc "điểm phấn tô son" làm bìa, vẽ tranh nội dung, viết lời tựa cho đến sửa chữ sai, lời đề tặng sách của tác giả…
Ví dụ như việc vẽ bìa trong bài Điểm phấn tô son, có đoạn viết về bìa sách Khi chiếc yếm rơi xuống của Trương Tửu như sau: "Có những bìa sách, được thực hiện một cách táo bạo, vượt thoát lên cả quy chuẩn xã hội thời đó. Lấy bìa sách tiểu thuyết Khi chiếc yếm rơi xuống của Trương Tửu làm ví dụ. Tác phẩm này được Nguyệt Hồ, có tên thật là Vũ Tiến Đa vẽ minh họa, do NXB Minh Phương tại Hà Nội ấn hành năm 1940. Bìa sách đẹp, gợi cảm nhưng không dung tục với hình ảnh một thiếu nữ Việt đội khăn mỏ quạ, khuôn mặt đẹp cân đối mặc yếm nhưng là yếm buông lơi khi một dây dải yếm bị rơi, để lộ bầu ngực căng tròn đầy sức sống mà không hề gượng ép, thẹn thùng".
Tiếp phần 2 với Vui buồn giấy mực, tác giả giới thiệu nhiều hoạt động liên quan đến xuất bản. Nhiều nhà văn, tác giả, dịch giả tham gia xuất bản nhưng "giữa đường đứt gánh" vì không biết kinh doanh hoặc ít vốn.
Trong số họ có những tên tuổi quen thuộc Tản Đà, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đức Chính, Phạm Cao Củng… Những "con mọt chữ" cũng được điểm danh như Lê Văn Trương, Vũ Bằng, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Vương Hồng Sển… Phần này cũng điểm qua những dòng sách thịnh hành thời đó, trào lưu làm sách tết được khởi phát từ năm 1928 với sự tiên phong của Tân Dân thư quán, và cuộc triển lãm sách báo đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức tại Sài Gòn năm 1942…
Phần 3 Cảo thơm lần giở là dịp nhìn lại nhiều tấm gương yêu sách, đọc sách và cả quan điểm của họ về vai trò của sách vở trong đời sống. Vua Lê Thánh Tông cho rằng đọc sách giúp cho kẻ sĩ hiểu nghĩa lý, biết giữ mình; vua Minh Mạng thì xem trọng sách vở, cầu sách trong nhân gian không kém gì cầu hiền tài. Những tên tuổi của làng bút mực: Thạch Lam, Thiếu Sơn cũng có những quan điểm hữu ích về cách đọc, sự đọc…
Với dung lượng gần 400 trang, tác phẩm Những con chữ ngoài trang sách còn là một tài liệu hữu ích giúp chúng ta hồi cố về lĩnh vực xuất bản với những hoạt động cơ bản in ấn, xuất bản, phát hành của ngành xuất bản trong gần 100 năm. Với cách trình bày theo dạng bài viết nhỏ, chia thành những chủ đề liên quan cùng lối viết - kể chuyện duyên dáng, gây tò mò của tác giả Trần Đình Ba, Những con chữ ngoài trang sách là "nơi" độc giả gặp lại nhiều tác giả, tác phẩm mình từng được đọc, cũng như biết thêm nhiều câu chuyện thú vị liên quan đến họ.
Một số tác phẩm đã xuất bản của tác giả Trần Đình Ba: Nhà Lê sơ (1428-1527) với công cuộc chống nạn "sâu dân, mọt nước"; Việt án lần theo trang sử cũ; Đằng sau mặt báo (Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945).
Bình luận (0)