Hai biểu hiện của một căn bệnh trầm kha

15/12/2005 14:03 GMT+7

Sự kiện đáng buồn xảy ra trên sân Cao Lãnh chiều 6/10/1996 – được Báo Thể thao và Văn hóa đặt tít là Một vòng chung kết đi vào lịch sử - tưởng như không dính dấp với một sự kiện bóng đá khác đã làm hao tốn rất nhiều giấy mực chung quanh Đội Tuyển Việt Nam tại Tiger Cup ở Singapore. Thật ra, đó là hai biểu hiện xuất phát từ một căn bệnh trầm kha mà bóng đá Việt Nam đã mắc phải trong hơn mười năm qua.

Vì bệnh được nuôi quá lâu ngày nên nó có thể xì ra bất cứ lúc nào, chỗ nào… Cái tít của Báo Thể thao và Văn hóa thật hết sức thấm thía: Một vòng chung kết đi vào lịch sử (lịch sử được viết trong ngoặc kép). Lịch sử này là lịch sử bê bối, nhiều xì-căng-đan của nền bóng đá Việt Nam hơn mười năm qua.

Cách đây 7 năm, tại Hà Nội, trong Đại hội bầu Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam do ông Tạ Quang Chiến, tổng cục Trưởng TCTDTT, chủ trì, với tư cách thành viên của đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh, tôi có phát biểu trên diễn đàn đại ý như sau:

- Tình hình của bộ môn bóng đá hiện nay (năm 1989) rất đáng báo động. Tiêu cực ở giải vô địch A1 mùa sau lại trầm trọng hơn mùa trước. Sự ô nhiễm của môi trường bóng đá ảnh hưởng xấu đến toàn giới thanh niên và xã hội. Các tiêu cực trong các giải nối tiếp nhau làm mất uy tín thêm nhiều cán bộ mỗi ngày, làm hư hỏng thêm nhiều cầu thủ, giết chết dần mọi tình cảm hăng hái và tốt đẹp mà quần chúng dành cho môn thể thao vua này.

… Bảy năm qua, tình hình không hề thay đổi. Và sự kiện trận chung kết trrên sân Cao Lãnh với cảnh rượt đánh trọng tài được trực tiếp truyền hình cho cả nước xem đúng là đã đi vào … lịch sử, và là đỉnh cao của tất cả những điều tệ hại xảy ra trong bóng đá Việt Nam.

Trên một cái nền bóng đá như thế, HLV Weigang có nghi ngờ cầu thủ Việt Nam bán độ trong trận hòa với Lào là điều rất tự nhiên (mặc dù chưa chắc chắn đúng). Riêng tôi, ngay trong trận Việt Nam thắng vất vả đội Campuchia trước đó (để đội Campuchia đá thủng lưới 1 bàn) tôi đã ngửi thấy sự bất thường. Chưa hết trận, tôi đã gọi điện thoại tìm sự chia xẻ với một đồng nghiệp khác. Theo tôi, người có theo dõi bóng đá Việt Nam chơi trong hai trận gặp Campuchia, Lào và Đội tuyển Việt Nam chơi các trận với Myanmar, Indonesia, Thái Lan là hai đội khác nhau. Khác nhau một cách bất thường. Còn cái bất thường ấy là gì, xin để những người có trách nhiệm trong cuộc tìm ra (nếu muốn tìm) và gọi đích danh là gì.

Tôi đã từng đau khổ và vô cùng nhục nhã ngồi chết trân trên khán đài ở Singapore khi Đội tuyển Việt Nam chơi hết sức tồi tệ trước đội Philippines ở SEA Games 17. Lúc ấy, ông Trưởng đoàn Đoàn Thao ngồi bên cạnh, cũng đau khổ và tức tối không kém. Nhưng sự tồi tệ của đội tuyển Việt Nam trước Philippines là điều có thể hiểu được, vì đó chỉ là sự sa sút hơn … một chút của một lực lượng thật sự yếu kém về nhiều mặt trước khi đến SEA Games 17.

Còn sự khác biệt giữa Đội tuyển Việt Nam gặp Campuchia, Lào và Đội tuyển Việt Nam gặp Myanmar, Indonesia, Thái Lan là sự khác biệt giữa đen và trắng. Cho nên nếu ông Weigang có phản ứng như đã phản ứng thì đó là một phản ứng rất gần gũi với tất cả những người Việt Nam biết quá nhiều về đứa con cưng nhưng rất hư hỏng của mình (bóng đá Việt Nam).

Chỉ đạo viên một đội bóng đá than với nhà báo: “Tôi đã có đủ chứng cớ(bán độ, mua độ…), nếu đưa ra thì cả đám đi tù… Nhưng thôi”. Oâng nói về mùa bóng mà ông không trực tiếp cầm quân. Huấn luyện viên của một đội khác, hơn một lần than vãn: “Tôi nhất quyết không chịu dàn xếp nhưng lãnh đạo quyết, tôi đành bất lực”. Người HLV nói những lời lẽ này là người có tư cách đàng hoàng cho nên nghe anh nói mới tội nghiệp làm sao, vì rằng sự làm thinh với điều xấu với tội lỗi là coi như đã… đồng lõa, và liệu chỉ mình anh có thể còn đàng hoàng mãi được không khi chính mình luôn phải thỏa hiệp, thực thi những điều bê bối, tệ hại, chẳng những cho bóng đá mà còn cả thanh niên và xã hội!

Tôi đã chứng kiến một tài năng trẻ bóng đá đã bỏ nghề rất sớm (Phan Hữu Phát) thổ lộ những chuyện làm nhục nhã của mình: bán độ và lấy tiền để làm gì. Anh chảy nước mắt nhưng hình như không hề hối hận,vì trong lập luận của anh, anh đã tìm ra những địa chỉ khác để… chia sẻ. Những địa chỉ ấy nằm ngay trong… tình hình quản lý yếu kém và bê bối của nền bóng đá Việt Nam!

Một cầu thủ trước của đội Công Nghiệp Thực Phẩm bây giờ lái xe taxi Airport nói với tôi: “Ở đội CNTP, tuyến nào cũng bán, có khi trong một trận mỗi tuyến bán cho một đầu mối khác nhau”. Và anh nói, cầu thủ duy nhất đàng hoàng ở đội CNTP lúc đó là Hoàng cá lóc tức Đinh Công Hoàng. Nhưng chỉ một người tốt lọt giữa một đội mà cả 3 tuyến và thủ môn đều.. bán thì cái tốt ấy liệu có thể … làm gì? (Và làm sao có thể tồn tại !)

Một người khác nữa hiểu biết từ bên trong bóng đá A1 trước kia bóng đá đội mạnh hiện nay nói: “Nếu các cầu thủ đồng loạt chịu “tiết lộ” thì 80% đến 90% cán bộ có trách nhiệm trong bóng A1 trước kia và đội mạnh hiện nay coi như đều có dính líu đến các vụ mua bán độ, ngoéo tay dàn xếp tỉ số, mua chuộc trọng tài, mua chuộc giám sát, cán bộ LĐBĐVN…”.

Chính cái tình trạng bị nhiễm trùng cơ thể của bóng đá Việt Nam khiến cho sự  đổi mới nửa vời, và rất từ từ trở thành không bao giờ có thể thực hiện. Thí dụ nếu kỷ luật đến nơi đến chốn thì ai đứng ra làm khi gần như chẳng còn ai là không dính líu vào một vụ việc nào đó, tại một địa phương nào đó hay trong một trận nào đó …

Cho nên, để đổi mới làng bóng đá Việt Nam, lập lại một trật tự mới, một nền đạo đức mới (vâng, bóng đá Việt Nam rất cần một nền đạo đức mới!) thì phải thay đổi từ khâu lãnh đạo LĐBĐVN, thay đổi Ban chấp hành LĐBĐVN, từ đó gạch một lằn ngang dứt khoát với quá khứ có quá nhiều tì vết trước đây. Từ lãnh đạo của Tổng cục TDTT đến lãnh đạo của LĐBĐVN phải có những con người đủ uy tín để phục hồi lại uy tín của bộ môn, phải có một Ban chấp hành không còn bị cái quá khứ lem nhem, bê bối, có thể tiếp tục làm săng – ta, hù dọa khiến có muốn ngay ngắn cũng không ngay ngắn được, cứ bị tiêu cực của quá khứ bắt làm tù binh.

Nên có ngay một chiến dịch với nhiều biện pháp được Chính phủ hỗ trợ tích cực làm sạch lại môi trường bóng đá, trong đó chính sách cán bộ, nhân sự đúng đắn là yếu tố quyết định (nên chấm dứt tình trạng chọn cán bộ trước nhất vì là phe ta, cán bộ dễ nắm, và dứt khoát không chọn những  nhân vật làm kiểng). Từ khởi điểm mới ấy, chúng ta mới phục hồi lại nền đạo đức cho bóng đá, những huấn luyện viên đàng hoàng mới dám phản ứng, từ chức (vì có nơi khác đón nhận) trước những người lãnh đạo đội bê bối; cầu thủ tốt và cầu thủ xấu được phân biệt rõ ràng, tạo được môi trường khuyến khích tinh thần cống hiến (vốn rất hồn nhiên ở tuổi trẻ). Kể cả khi muốn đầu tư đời mình cho nghề nghiệp bóng đá, cầu thủ cũng thấy có thể làm việc đó một cách nghiêm túc. Ban chấp hành mới của LĐBĐVN phải có khả năng làm cho mọi cầu thủ khác hiểu rằng bóng đá đỉnh cao không có chỗ dành cho những phần tử gian trá, thiếu văn hóa, trước hết bằng tấm gương của chính các thành viên trong Ban chấp hành LĐBĐVN và bằng một cơ chế điều hành chặt chẽ, có kỷ luật mà các liên đoàn thế giới đã từng làm và sẵn sàng cung cấp cho chúng ta những mô hình cụ thể.

Đừng quên, dù bóng đá Việt Nam phải dựa vào kinh tế thị trường và con đường chuyên nghiệp hóa như các nước tư bản để đi lên nhưng đó chỉ là biện pháp. Bóng đá Việt Nam vẫn nằm trong bối cảnh một nước Việt Nam đang xây dựng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, việc đào tạo người thanh niên có phẩm chất XHCN vẫn là mục tiêu không hề thay đổi của chúng ta. Cầu thủ giỏi, cầu thủ ngôi sao phải đồng thời là những tấm gương đẹp về chuyên môn lẫn tính cách cho tuổi trẻ.

Một điển hình đáng lý hết sức đẹp cho tuổi trẻ Việt nam như Lê Huỳnh Đức, cớ gì lại hành động sai trái như thế trên sân Cao Lãnh? Trước đó có ai  giáo dục đầy đủ cho Đức biết vai trò hết sức quan trọng và rất đáng tự hào mà anh đã giành được bằng tài năng và bao nhiêu hy sinh của cá nhân mà lẽ ra, anh phải giữ gìn và phát huy vì cả lớp trẻ đang ngưỡng mộ và yêu mến?

Riêng trong lòng tôi, niềm vui của chiếc huy chương đồng tại Tiger Cup không bù đắp được nỗi buồn và sự hụt hẫng do hành động thiếu suy nghĩ của Lê Huỳnh Đức gây ra trên sân Cao Lãnh. Có nên hiểu thêm cái hành động thiếu suy nghĩ của Đức là sự nối dài tất yếu của bao nhiêu hành động sai trái trước đó đã kéo dài lê thê hàng chục năm qua với nhiều biểu hiện khác nhau?

Tôi nghĩ đã đến lúc các vấn đề xảy ra trong bóng đá, trong thể thao không còn dành riêng cho các nhà chuyên môn giải quyết một mình như trước đây. Chính phủ và Quốc hội nên lắng nghe trực tiếp thêm từ nhiều giới và có ý kiến chỉ đạo về những biện pháp đưa bóng đá Việt Nam ra khỏi cuộc khủng hoảng, đồng thời xây dựng lại một chiến lược phù hợp hơn để vừa phát triển phong trào thể thao quần chúng, vừa đưa thể thao đỉnh cao Việt Nam lên ngang tầm với Đông Nam Á rồi châu Á…

Chánh Trinh (Nhà báo)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.