Hãy khóc đi ba!

18/06/2009 14:45 GMT+7

(TNO) Có biết bao nhiêu điều con muốn thổ lộ với ba nhưng ba biết đấy, con đâu biết viết. Đành nhờ mẹ viết hộ vậy!

Ngày con chào đời, bà ngoại thốt lên: “Chưa thấy ai bế con mà vếch cái mặt lên như thằng Thành”. Gần 20 năm làm nữ hộ sinh, có 6 đứa con và 1 đàn cháu, bà ngoại chưa bao giờ nhìn thấy một người cha nào rạng rỡ vì niềm vui có con như ba.

Ba biết không, con đã sung sướng biết nhường nào khi ba cứ ôm con hàng giờ trong vòng tay rắn chắc, áp má con vào gương mặt ram rám của ba mà tận hưởng tình phụ tử, mặc cho mẹ cằn nhằn là ba đang tập hư cho con. Mà mẹ đúng thật, con suốt ngày đòi ba bế, không chịu nằm nôi. Ba thì tự hào về điều đó lắm, bảo rằng con ba mới lọt lòng đã yêu ba hơn bất kỳ ai.

Con từng ngày lớn lên trong niềm háo hức, trong nỗi say mê của ba. Nhưng hình như có cái gì đó không ổn. Con lật chậm, ngồi chậm, đứng chậm hơn so với các em bé khác. Trong số hơn một chục vị bác sĩ thuộc đủ các lĩnh vực mà ba đã chạy ngược chạy xuôi đưa con tới, một vị bảo có thể con bị chậm phát triển vận động. Mẹ ôm đầu gục vào tường, vật vã theo từng tiếng khóc thét của con bởi những bài tập vật lý trị liệu vừa làm con đau đớn vừa làm con sợ hãi. Ba cứng rắn vực mẹ dậy: “Con mình nhìn lành lặn thế kia, chắc chẳng có vấn đề gì, tập cũng chỉ như uống thuốc bổ vậy thôi, có thừa cũng không sao, còn hơn là thiếu”.

Sau mấy năm trời, những cơ bắp nhão nhoẹt của con đã săn chắc lên đôi chút và cuối cùng, cái ngày con đứng dậy bước liêu xiêu những bước đầu tiên đã đến. Ba nhảy cẫng lên như một đứa trẻ. Nhưng rồi ba chỉ nhảy được một lần mà thôi.

Càng ngày, những biểu hiện bất thường về mặt nhận thức của con càng rõ. Con không phân biệt được người lạ người quen, con không biết trên cơ thể mình đâu là tay, là chân, là miệng, là mắt… Kèm theo đó là cả bất thường về tâm thần nữa. Con thường ngồi bất động 2 - 3 giờ liền, mắt nhìn vô hồn vào cõi xa xăm. Và những cơn bùng nổ của con kéo đến như một hậu quả tất yếu của việc con không thể nào hiểu được tại sao mọi người lại áp đặt con phải mặc áo quần, tại sao con phải tắm rửa, tại sao con phải đi vệ sinh trong toilet… Mỗi lần con la hét, cắn xé, cào cấu, mẹ vật vã, hoảng loạn theo con, làm cơn giận dữ của con càng bùng nổ. Ba thì luôn ôm chặt con vào lòng, giữ 2 tay con để con không thể tự cắn mình, dịu dàng trấn an: “Ba đây con. Ba ở bên con đây”. Chỉ mình ba mới có thể làm con bình tâm trở lại.

Và cứ sau mỗi cơn bùng nổ kéo dài có khi đến cả tiếng đồng hồ ấy, 2 bờ vai và gương mặt ba đầy những vết bầm tím, rướm máu vì bị con cắn, con cấu. Càng lớn, con cắn càng đau, con cấu càng mạnh. Mẹ đã nhiều lần thét lên vì đau, càng làm cho con thêm sợ hãi, còn ba chưa một lần mảy may phản ứng, cứ như là con đang gục đầu ngủ ngoan trên vai ba vậy…

oOo

Nhiều lần, ba ngồi bất động nhìn con chìm vào giấc ngủ. Ba ao ước con có thể nói cho ba biết con đau ở chỗ nào, con khó chịu ra sao, con sợ hãi điều gì. Ba mong con nhận lời xin lỗi của ba vì ba đã không hiểu hết con, không đoán trước được hết những diễn biến trong nội tâm con, mới khiến con bùng nổ liên tục như thế. Mắt ba cay xè. Ba bảo với mẹ rằng vì ba buồn ngủ quá.

Có hôm ba ngẩn người trước bộ đồng phục học sinh tiểu học bày bán trong siêu thị, bộ đồ mà có lẽ suốt cả cuộc đời này con không bao giờ đủ khả năng mặc nó. Bắt gặp ánh nhìn của mẹ, ba cười xòa, bình phẩm rằng đồng phục học sinh gì mà xấu thế.

Ba ơi, con biết rằng ba đang cố đè nén mọi sự đau khổ vào trong lòng, lúc nào ba cũng tỏ ra vững tin, bình tĩnh để xoa dịu mẹ, để trấn an con. Nhưng ba ơi, sức chịu đựng của ai cũng chỉ có hạn, ba cứ như thế, sẽ có ngày vỡ tung ra mất. Ba hãy một lần ôm con mà khóc, một lần rên rỉ với mẹ để nhẹ bớt lòng. Con biết ba đau khổ hơn ai hết vì ba yêu con hơn ai hết mà.

oOo

Con là một đứa trẻ chậm phát triển, nhưng trong cái mớ nhận thức lộn xộn, u mê trong đầu con, một khái niệm được hình thành rất rõ ràng: ba là người ba vĩ đại nhất trên thế gian này, bởi tình yêu của ba đang giành giựt lại từng tí, dù chỉ là từng tí một thôi, những giây phút sống bình thường cho con - điều còn khó hơn gấp vạn lần việc nuôi dạy những em bé giỏi giang khác trở thành nhà khoa học hay phi hành gia.

Nguyễn Thị Nhung
(TP.HCM)

 

>> XEM THỂ LỆ CUỘC THI

>> XEM TẤT CẢ BÀI VIẾT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.