Cách đây 3 ngày, đồng nghiệp của chúng tôi ở Thanh Hóa thông tin qua đợt tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, bar, vũ trường trong thời gian từ 15.8 - 30.9, các lực lượng chức năng ở địa phương này đã phát hiện có tới 375 cơ sở (chiếm hơn 44%) vi phạm quy định về PCCC.
Tương tự, tại TP.HCM qua kiểm tra 415 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, lực lượng chức năng đã đình chỉ và tạm đình chỉ hoạt động 22 cơ sở; xử lý 136 cơ sở với 187 hành vi vi phạm với tổng tiền phạt 737 triệu đồng.
Riêng tại Bình Dương, sau khi xảy ra vụ cháy karaoke An Phú, cơ quan chức năng tỉnh này đã tổ chức đợt cao điểm ra quân tổng kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, xử lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, qua đó phát hiện 211/486 cơ sở vi phạm PCCC, xử phạt số tiền gần 2,9 tỉ đồng. Ngoài ra, có 38 cơ sở bị tạm đình chỉ hoạt động do chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC.
Hầu hết các lỗi vi phạm của các quán karaoke là lối thoát hiểm chưa đảm bảo quy định, lắp đặt sai vị trí các thiết bị PCCC… Những vi phạm này nếu không được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời thì trong trường hợp xảy ra cháy nổ, nguy cơ rủi ro thiệt hại về người rất cao. Nó cũng cho thấy công tác kiểm tra, phòng ngừa cháy nổ ở những cơ sở nguy cơ cao còn có quá nhiều lỗ hổng.
Theo Nghị định 83/2017, trách nhiệm trong quản lý và xử lý các hành vi vi phạm PCCC thuộc lực lượng công an và UBND các cấp. Để tránh những hậu quả đau lòng, cần duy trì thường xuyên, thực chất công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, đừng chỉ làm theo “cao điểm”. Bên cạnh đó, nếu trên địa bàn do vi phạm PCCC dẫn đến cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng; hoặc cơ sở kinh doanh vẫn “ngang nhiên” hoạt động khi không đủ điều kiện PCCC, thì cũng cần nghiêm túc truy trách nhiệm quản lý của cá nhân, tổ chức để tồn tại vi phạm kéo dài.
Bình luận (0)