Trong buổi lễ mừng sinh nhật ngày 8-1 với sự tham gia của các nhà thiên văn học hàng đầu thế giới, giáo sư (GS) Stephen Hawking đã không xuất hiện vì sức khỏe quá yếu. Nhưng thông điệp ông gửi đến lại mang đầy sự lạc quan, khát khao khám phá và không kém hóm hỉnh.
|
Tại Đại học Cambridge có tổng cộng bốn lễ mừng sinh nhật lần thứ 70 kết hợp hội thảo được tổ chức dành cho GS Stephen Hawking, nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới hiện nay. Đó là một điều kỳ diệu bởi những người bị chứng bệnh thần kinh Lou Gehrig như ông thường sống không quá vài năm. Trước đây, các bác sĩ cũng dự báo ông không sống quá tuổi 40. Với sức sống bền bỉ, GS Hawking đã trở thành biểu tượng của sức mạnh ý chí vượt qua nghịch cảnh.
Đừng bao giờ bỏ cuộc
Trong thư gửi tới lễ mừng sinh nhật, ông kể bạn học của ông từng cá với nhau với phần thắng là một gói kẹo rằng ông sẽ chẳng làm được trò trống gì trong cuộc đời. Ông chưa bao giờ nằm trong nửa nhóm học giỏi nhất lớp. Khả năng viết lách của ông khiến thầy cô giáo bi quan. “Nhưng tụi bạn học gọi tôi là Einstein, chắc hẳn họ cũng thấy vài tín hiệu khấm khá nào đó ở tôi. Tôi không biết trò cá cược của bạn tôi đã giải quyết xong chưa và phe nào thắng” – ông hỏm hỉnh viết.
Hơn nửa thế kỷ làm việc, GS Hawking là nhân vật nổi tiếng nhất trong lĩnh vực nghiên cứu các lỗ đen và vũ trụ lượng tử. Thế giới ngưỡng mộ và kính phục ông khi nhìn thấy sự đối lập giữa một cơ thể yếu đuối, không cử động được, gắn chặt với xe lăn từ những năm 20 tuổi, chỉ có thể “nói” thông qua máy tính với tốc độ 1 từ/phút…với một vũ trụ vô tận mà ông nghiên cứu. Cuốn sách đầu tiên của ông Lược sử thời gian đã bán được hơn 10 triệu bản trên thế giới.
Thông điệp chính gửi tới bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu quý ông nhân sinh nhật lần thứ 70 của ông là “cần phải luôn tò mò” và không bao giờ lùi bước dù khó khăn tới đâu. “Hãy nhớ là phải ngước nhìn lên bầu trời chứ đừng nhìn xuống bàn chân” – ông nhắn nhủ. Bởi sự vô tận của không gian mở rộng trí tưởng tượng, thúc đẩy khát khao tìm kiếm. “Hãy tìm kiếm ý nghĩa của những gì bạn thấy, và những gì khiến vũ trụ tồn tại. Dù cuộc đời có khó khăn đến đâu, luôn luôn có gì đó để bạn có thể làm. Vấn đề là đừng bao giờ bỏ cuộc”.
Cần tiếp tục khám phá vũ trụ
Ông hoàng vật lý lý thuyết của thế giới tiết lộ ông không biết đọc cho tới khi lên tám tuổi. Stephen Hawking đã từng vô cùng bi quan, chán nản, nghĩ rằng ông không thể lấy bằng tiến sĩ khi phát hiện bị bệnh năm 21 tuổi. Rồi tất cả đã thay đổi khi ông gặp người vợ tương lai Jane Wilde trong một bữa tiệc. “Đính hôn đã vực dậy tinh thần tôi, và khi tôi nhận thấy mình sắp có gia đình riêng thì tôi phải có việc, phải hoàn thành luận án tiến sĩ”. Từ đó ông bắt đầu miệt mài công việc và cảm thấy hạnh phúc.
Ông ca ngợi cuộc đời được sống và cống hiến của mình trong lĩnh vực vật lý lý thuyết. “Sự hiểu biết của chúng ta về vũ trụ đã thay đổi lớn trong 40 năm qua, và tôi hạnh phúc khi được cống hiến một phần nhỏ. Với nhân loại, chúng ta chỉ là những tập hợp của những hạt cơ bản tự nhiên và sự hiểu biết đến mức này về các luật lệ quy định đời sống và vũ trụ đã là một chiến thắng vĩ đại cho loài người”. GS Hawking cũng khích lệ con người tiếp tục khám phá vũ trụ “vì tương lai của nhân loại”.
Còn sống đến ngày nay đã là một kỳ tích về y học với GS Hawking. Nhưng những di sản và kiến thức ông phát hiện, chia sẻ với nhân loại mới chính là điều khiến ông trở thành tài sản quý giá cho loài người. Theo báo Guardian, ngày 20-1 Bảo tàng khoa học London sẽ khai mạc triển lãm mới về những thành tựu của GS Hawking trong sự nghiệp của mình. Câu chuyện của một trong những nhân vật vĩ đại nhất của thế kỷ 20 sẽ còn tiếp diễn trong thế kỷ 21 và tiếp tục truyền cảm hứng sống, lao động và cống hiến cho nhân loại.
Giữ tiếng nói cho giáo sư Hawking Do tuổi tác, giáo sư Hawking ngày càng có nguy cơ bị mất giọng do ông không thể điều khiển được cơ trên má. Theo BBC, một nhóm chuyên gia từ Tập đoàn Intel, hãng phát triển nhiều công nghệ hỗ trợ cuộc sống của giáo sư Hawking, sẽ tới Cambridge để giữ tiếng nói của ông. Nhóm nghiên cứu xem xét những khả năng mới để giáo sư Hawking tiếp tục liên lạc, như sử dụng phân tích sóng não và các máy quay nhận diện khuôn mặt 3D. Tuy nhiên, bất kỳ công nghệ mới nào cũng cần nhà khoa học nổi tiếng “ngang bướng” đồng ý. Ông vẫn không muốn một hệ thống mới “vướng víu” nào cả, mà chỉ muốn duy trì giọng nói điện tử nổi tiếng của mình. |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)