Hãy tham gia bình chọn bài viết “Ấn tượng nước Anh” hay nhất

19/10/2005 16:50 GMT+7

* 1 Giải nhất: Khóa học tiếng Anh tại Hội đồng Anh, trị giá tối đa 330USD * 10 Giải khuyến khích: Từ điển Longman, đĩa luyện phát âm và ba lô thời trang, trị giá mỗi giải 35USD.

 

Các bài viết tiêu biểu để bạn đọc bình chọn:

- Bài A 
- Bài B  
- Bài C  
- Bài D
- Bài E  

Bình chọn (Dựa vào mẫu Phiếu bình chọn dưới đây)

Người tham gia bình chọn, xin vui lòng điền đầy đủ thông tin vào phiếu trên và gửi về theo địa chỉ:

- Hội đồng Anh Hà Nội: 40 Cát Linh
- Hội đồng Anh tại TP Hồ Chí Minh: 25 Lê Duẩn, Quận 1

Hoặc gửi email theo địa chỉ: educationuk.hcmc@britishcouncil.org.vn

Kết quả bình chọn sẽ được đăng trên trang web www.educationuk-vietnam.orgwww.thanhnien.com từ giữa tháng 12/2005.

Dưới đây trích một số đoạn tiêu biểu trong bài của 5 thí sinh được vào chung kết xếp hạng.

Lối tư duy tôi học được ở Anh (Mã bình chọn: A)

Ngày 16/9/2000, tôi rời Hà Nội đi học thạc sĩ về đào tạo phát triển tại Trường Đại học Wolverhampton (UK). Ngày 16/9/2005 là hạn chót nộp bài dự thi "Ấn tượng nước Anh". Một sự trùng hợp ngẫu nhiên đầy thú vị! Nó cho tôi cơ hội nhìn lại quãng thời gian 5 năm qua từ khi tôi bước xuống sân bay Birmingham.

Scott Jones là một trong những người hướng dẫn tôi tại Trường Wolverhampton. Chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều, nhất là về Việt Nam. Một lần tôi nói với Scott rằng Hà Nội đang ở tiết thu, mùa thu ở Hà Nội đẹp lắm, nó mang đến một cảm giác êm đềm, một nỗi nhớ, một nỗi buồn man mác. Scott nghe rất chăm chú và rồi câu hỏi đầu tiên ngay sau đó của Scott là tại sao mùa thu ở Hà Nội lại mang lại cảm giác buồn nhè nhẹ. Câu hỏi của Scott làm tôi lúng túng.

Vì sao tôi lúng túng? Vì tôi không quen với câu hỏi Why. Trước một sự kiện, phản xạ tự nhiên của tôi là What? Who? và cũng chỉ dừng ở đó. Nhưng với người Anh thì khác. Tiếp ngay sau What? Who? sẽ là Why? Đối với họ, câu hỏi Ai? Cái gì? rất quan trọng. Nhưng câu hỏi Tại sao? còn quan trọng hơn nhiều. Câu hỏi "Tại sao" dẫn ta đến nguyên nhân, bài học mà nhờ đó lần sau ta sẽ thành công lớn hơn hay tránh được sai lầm đã mắc. Lối tư duy lấy câu hỏi Why làm trọng tâm gây một ấn tượng sâu sắc trong tôi. Tôi chợt nhận ra khi ở nhà dường như tôi đã làm ngược lại. Máy điều hòa quên tắt ư? Ai là người về sau cùng hôm qua? Lẽ ra tôi nên quan tâm hỏi xem tại sao để lần sau không xảy ra việc quên tắt máy điều hòa nữa. Robert Kovalsski là thầy hướng dẫn tôi viết luận văn nói rằng dù viết luận văn tiến sĩ hay một đoạn văn ngắn anh đều phải nói rõ lý do ngay sau khi giới thiệu chủ đề. Từ đó đến nay cái trình tự "What-Why-How-What-So What" của ông trở thành kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ của tôi.

Tôi coi nước Anh là quê hương thứ hai của mình vì nhiều lẽ. Một trong số đó là vì nước Anh đã mang đến cho tôi những suy nghĩ mới. Còn bạn, bạn thấy thế nào?

Nguyễn Đức Tâm


Cầu cảng Salford, một công trình nổi tiếng ở Anh Quốc (ảnh: H.Đ.A)

Xứ sở của thân thiện, lòng mến khách và môi trường sư phạm (Mã bình chọn: B)

Tháng 9/2003. Bước xuống sân bay Manchester, muốn gọi điện thoại cho một chị bạn ra đón nhưng tôi loay hoay không biết làm thế nào với đống hành lý và trong tay lại chẳng có đồng tiền xu nào (vì điện thoại công cộng tự động chỉ chấp nhận tiền mệnh giá nhỏ). Không ngờ một anh thanh niên nhìn thấy tôi luống cuống, anh hỏi tôi có cần giúp đỡ gì không. Anh nhiệt tình dẫn tôi đến quầy điện thoại tự động và bỏ vào 1 xu 20p còn tặng tôi thêm 1 xu bảo khi nào có dấu hiệu báo hết tiền phải bỏ thêm tiền vào để tiếp tục cuộc gọi. Có thể đối với tôi sau này và có thể đối với bạn đây là số tiền quá nhỏ, nhưng đối với tôi 2 đồng xu ấy lúc bấy giờ lại quá lớn. Tôi cảm thấy an tâm hơn khi mình đã chọn một đất nước với những con người thật thân thiện.

Tháng 4/2004. Tôi và Suki - cô bạn cùng lớp người Trung Quốc đăng ký tham dự chương trình dành cho sinh viên quốc tế giao lưu với các gia đình người Anh bản xứ vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Sandra (người vợ), John (người chồng) và Patrick (người con) không khỏi làm chúng tôi xúc động trước những tình cảm nồng nhiệt. Chúng tôi có cảm giác như được trở về nhà, được sống bên cạnh người thân yêu, tưởng như mình đã quen họ từ lâu lắm rồi.

Tháng 8/2004. Đây là giai đoạn chúng tôi phải hoàn thành luận văn cuối khóa. Tôi chọn đề tài viết về Việt Nam. Giáo sư hướng dẫn tôi là một giáo sư chuyên ngành kinh tế phát triển. Ông là một người thầy rất nghiêm khắc. Khi công việc thu thập số liệu gặp nhiều khó khăn, tôi tưởng chừng như không thể tiếp tục thực hiện. Tôi đã xin thầy cho tôi được chuyển hướng đề tài khác. Thầy nghiêm nghị bảo tôi: "Em không nên đầu hàng quá sớm trước khi chưa thật sự cố gắng hết sức. Hãy tin vào những gì em đã làm là không vô ích". Chỉ đến khi tôi hoàn tất đề tài, thầy mới mỉm cười khuyến khích. Thầy đã khơi gợi hướng phấn đấu học tập không ngừng nghỉ trong tôi.

Hoàng Thị Hoa (TP.HCM)

Thư gửi bố mẹ (Mã bình chọn: C)

Bố mẹ xa nhớ,

Thời gian thấm thoát trôi nhanh quá, mới hôm nào bố mẹ tiễn con ra sân bay Nội Bài lên đường sang Anh du học. Cứ như một giấc mơ vậy. Cô bé nhút nhát, luôn bé bỏng, dại khờ trong mắt bố mẹ, cô bé đã từng rất ngạc nhiên khi nghe đứa bạn thân kể rằng nó tự đi vào Sài Gòn mà không cần ai đi cùng, cuối cùng đã tự mình đến được thành phố Newcastle tận Vương quốc Anh xa xôi, để học khóa học thạc sĩ một cách an toàn. Nói ra thì cũng ngượng, nhưng con cũng đã đi nhầm mấy lần để rồi mới chọn được đúng cửa ra cho chuyến bay của con.

Cuộc sống của con đã thay đổi rất nhiều kể từ ngày con sang Newcastle. Việc đầu tiên con phải học đó là cách đi đâu đó chỉ với chiếc bản đồ trên tay thay vì cưỡi xe máy phóng vù vù trên những đường phố quen thuộc. Con đã phải đi bộ rất nhiều, nhiều lần lạc đường hoặc đi đường vòng rất xa. Bố mẹ biết không, giờ con gái bố mẹ đi bộ nhanh lắm, người cũng khỏe ra nhiều, lại còn tăng cân nữa, không còn là "bé còm" khiến bố mẹ phải lo lắng nhiều như hồi ở nhà đâu!

Con của bố mẹ,

Bé Còm

Nguyễn Quỳnh Chi (Hà Nội)

Ấn tượng khó phai (Mã bình chọn: D)

Trước khi đến Anh, tôi cố tìm mọi tài liệu có được về đất nước này cốt để làm giàu nhanh nhất kiến thức về xứ sở mà tôi sẽ đến trước khi lên đường, để không bị cảm giác bỡ ngỡ và cũng là để "nhập gia tùy tục". Có người bảo tôi qua đấy "coi chừng bị kỳ thị" vì mình là người "da vàng mũi tẹt"; nhỏ bạn thân thì dỗ dành "cậu cứ chuẩn bị tinh thần để khỏi bị shock nếu lỡ có bị "phớt tỉnh Ănglê" nhé!". Nghe sợ thật! Khối kiến thức ky cóp được từ sách vở, mạng internet của tôi về Vương quốc Anh lúc ấy dường như bị "đè bẹp" bởi những "lời ong tiếng ve" đại loại như vậy. Nhưng ngay khi đặt chân đến phi trường Heathrow (London), một thành phố tươi đẹp đầy sức sống đang thực sự hấp dẫn, mê hoặc lòng tôi, khiến tôi quên đi bao mệt nhọc vì chuyến bay đường dài.

Đi bất cứ đâu, tôi cũng "lăm lăm" trên tay tấm bản đồ UK, để đảm bảo rằng tôi sẽ không bị "get lost". Những ngày qua, tôi đã "nghe, thấy" về nước Anh, nhưng thực sự chưa "cảm" bằng chính cảm nhận của mình về con người nước Anh. Tôi đã mạnh dạn chào hỏi, làm quen với một số người địa phương, nơi tôi ở gần trường, những nơi tôi đã đi qua, họ đều rất đỗi thân thiện, cởi mở qua những câu xã giao mở đầu câu chuyện. Nghe nói tôi từ Việt Nam đến, họ ồ ra vẻ thích thú lắm, một số người thậm chí còn hiểu rất rõ về Việt Nam, nhất là những danh lam thắng cảnh ...

Trần Thị Thanh Uyên (TP.HCM)

Ấn tượng đẹp về công dân Anh (Mã bình chọn E)

Ấn tượng khó phai nhất của tôi về nước Anh xuất phát từ một câu chuyện có thật. Ngày 4/1/2003 từ ga tàu Birmingham New Street ở trung tâm thành phố tôi đã mua vé để đưa cô bạn gái ra sân bay quốc tế Birmingham. Do đến mua vé chậm nên sau khi lấy vé, chúng tôi vội xuống hầm nhà ga và lên một đoàn tàu đang đỗ ở đường ray mà nhà ga đã thông báo khi tôi đang đứng đợi mua vé. Nhưng chúng tôi đã đi nhầm chuyến tàu vì chuyến tàu đi sân bay đã ra khỏi ga trước đó 2 phút rồi. Sau này tôi mới hiểu là các phương tiện giao thông ở Anh chạy rất đúng giờ. Sau khi tàu chạy được khoảng 30 phút tôi mới phát hoảng là mình đang đi trên chuyến tàu chạy đến Leicester. Tôi thật sự lo lắng vì không biết xử lý làm sao, đặc biệt sợ bạn tôi sẽ nhỡ chuyến bay. Tôi đã trình bày với nhân viên phục vụ trên tàu với hy vọng nhỏ nhoi về một điều thần kỳ. Thật không ngờ mọi thứ xảy ra sau đó với chúng tôi cứ như trong phim đã được đạo diễn sẵn. Trước tiên, anh phục vụ trên tàu đã hướng dẫn chúng tôi xuống ga kế tiếp rồi liên hệ với nhân viên ở đó để nhờ giúp đỡ. Trước khi chia tay chúng tôi, anh ta không quên động viên và chúc chúng tôi may mắn.

Khi chúng tôi xuống ga Nuneaton, thật bất ngờ là các nhân viên ở đó đã chờ chúng tôi và nhanh chóng tra cứu trên máy tính của nhà ga về lịch trình các đoàn tàu đi, đến và chọn cho chúng tôi một lịch trình nhanh nhất để về sân bay. Tôi nhớ mãi hình ảnh ông nhân viên già tại nhà ga Nuneaton dặn dò chúng tôi trước khi chúng tôi lên một chuyến tàu khác để chạy về Conventry. Về đến ga Conventry, các nhân viên tại ga hình như đã được thông báo trước chủ động hướng dẫn chúng tôi lên một chuyến tàu sớm nhất để về ga Birmingham International Airport. Nhờ sự giúp đỡ rất có trách nhiệm, rất tốt bụng của các nhân viên trên tàu và tại các nhà ga chúng tôi chỉ mất khoảng 40 phút để kịp chuyến máy bay của bạn tôi.

Tôi xin bật mí cho các bạn là cô bạn gái khi đó bây giờ đã là vợ tôi. Đối với vợ chồng chúng tôi câu chuyện đó mãi mãi là hình ảnh đẹp của những công dân Anh, những người mà trước khi đi du học bạn bè tôi vẫn thường cảnh báo là rất lạnh lùng theo kiểu "phớt Ănglê".

Nguyễn Khuyến Nguồn (Hà Nội)

TNO

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.