Tiếng vỗ tay lại rộn rã dẫn dắt tiếng hát trong gian phòng bệnh vốn lạnh lẽo, yên ắng. Đó là một trong những khung cảnh đáng nhớ với tập thể nghệ sĩ, tình nguyện viên, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vừa qua.
Lần thứ 31 tổ chức, chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” đầu năm nay chọn Bệnh viện Nguyễn Tri Phương làm điểm đến. Cái nắng gắt bỏng của Sài Gòn sau tết hắt từ sân bệnh viện như dịu lại, ngọt ngào khi sắc hồng tình nguyện của chương trình len lỏi vào từng phòng bệnh, mang lời ca tiếng hát đến bệnh nhân.
“Hãy yêu nhau đi bên đời nguy khốn. Hãy yêu nhau đi bù đắp cho trăm năm. Hãy yêu nhau đi cho ngày quên tháng...”, ông Vương Công Huệ (69 tuổi) rơm rớm nước mắt nhìn từng gương mặt xa lạ đang ngân nga câu hát quanh mình.
|
“Bác Huệ vào đây hai tuần rồi, bệnh tình khá nặng. Đây là gian bệnh nặng nên cũng hạn chế người lui tới. Cả ngày bác chỉ nằm yên trên giường bệnh, trở mình, buồn lắm...”, chị Đỗ Thị Hồng Nhung, y tá khoa nội tim mạch, cho biết. Chỉ tay vào màn hình đo điện tâm đồ của ông, chị Nhung giải thích: “Hôm nay đột ngột có người đến thăm, hát cho nghe, bác xúc động nên nhịp tim tăng nhẹ. Bình thường chúng tôi cũng hạn chế làm bác xúc động vì sợ ảnh hưởng đến tim. Nhưng hôm nay phá lệ một chút. Bác vui thì cũng như có liều thuốc tinh thần, biết đâu bệnh tình thuyên giảm”. Ông Huệ đôi mắt vẫn ngân ngấn nước, bàn tay nhăn nheo nắm chặt tay ca sĩ trẻ Chí Thiện.
Giữa những bức tường sơn xanh, máy lạnh ủ ê chạy rì rì, không khí lặng lẽ, cô độc của những buồng bệnh dường như tan đi khi lần lượt những bài hát đẫm tính nhân sinh của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong trẻo cất lên. Các bệnh nhân nằm xa khu vực đoàn người đứng hát cũng khẽ cựa mình, nhịp từng ngón tay yếu ớt theo giai điệu dập dìu dù quanh người chằng chịt những ống dẫn, dây truyền. Mấp máy đôi môi khô, âm thanh phát ra tiếng được tiếng mất, một bệnh nhân nữ thì thầm vào tai Đại Nghĩa: “Cảm ơn mọi người đã nhớ tới bệnh nhân, bỏ thời gian vào đây hát cho tụi tui nghe...”.
“Chúng tôi không biểu diễn. Chúng tôi mang âm nhạc đến bệnh viện để đổi lấy những nụ cười hiếm hoi nơi này” cũng là thông điệp chung của chương trình. Do Đoàn TNCS Bộ Y tế, Hội nghệ sĩ, MC trẻ Hà Nội, Công ty NSN Media, Vietsea.asia... phối hợp tổ chức. Cuối ngày, “Mang âm nhạc đến bệnh viện” đã quyên góp được 26 triệu đồng cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Việt Đức (40 Tràng Thi, Hà Nội) và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Chia cho từng trường hợp, số tiền không đủ giúp chấm dứt cơn đau về thể xác, nhưng tiếng hát được nghệ sĩ, tình nguyện viên gửi gắm bên giường bệnh có lẽ phần nào chia bớt sự quạnh quẽ trong lòng người bệnh. Với đội ngũ y bác sĩ, tiếng hát hiếm hoi cất lên trong bệnh viện cũng là món ăn tinh thần quý giá. “Làm ngành y thì cả ngày lẫn đêm đều cặm cụi với bệnh án, thuốc men, y bác sĩ tụi chị hầu như không có thời gian xem tivi, nghe ca nhạc... nên có nghệ sĩ đến hát cho nghe, ai cũng háo hức lắm. Đây cũng là lần đầu chị biết mặt, biết tên các nghệ sĩ nên nhìn ai cũng... lạ hoắc. Trước giờ ít xem nên có biết ai đâu” - chị Lê Thanh Hiền, điều dưỡng khoa tim mạch, nhoẻn miệng cười.
“Nhiều bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nặng không nói được nhưng đôi mắt họ vẫn truyền cảm. Đọc được cảm xúc trong những đôi mắt ấy là khoảnh khắc tôi sẽ nhớ mãi sau chuyến đi này” - nhạc sĩ Nguyễn Hà tâm sự. Năm nay “Mang âm nhạc đến bệnh viện” khu vực phía Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng bệnh nhân qua 11 số tiếp nối (mỗi tháng một số) từ bây giờ đến cuối năm tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Theo Hải Thi / Tuổi Trẻ
>> Phải bảo vệ phóng viên tác nghiệp chính đáng
>> Phóng viên BBC đình công
>> Phóng viên Báo Thanh Niên được trao giải Hội nhà văn VN 2012
>> Phóng viên bị giật máy quay phim khi đang tác nghiệp
>> Cựu bộ trưởng kinh tế Đức bị tố “quấy rối” nữ phóng viên
Bình luận (0)