HĐND TP Hà Nội: Đồng ý mở rộng thủ đô lên gấp ba

28/03/2008 00:41 GMT+7

* Hồ Tây sẽ là trung tâm mới của Hà Nội Hôm qua 27.3, 77 đại biểu dự cuộc họp bất thường Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội đã thông qua chủ trương mở rộng địa giới hành chính thủ đô lên gấp 3 lần so với hiện nay.

Sau khi sáp nhập với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn, Hòa Bình, thủ đô Hà Nội sẽ có diện tích 3324,92 km2 (gấp 3 lần so với hiện nay là 920,7 km2), dân số là 6 triệu người (gấp 2 lần so với hiện nay là 3,4 triệu người). Dự kiến đến năm 2020, dân số Hà Nội sẽ là 10 triệu người, bằng 10% dân số cả nước.

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội giải thích: việc mở rộng lên hơn 3.000 km2, là căn cứ vào quy hoạch tổ chức không gian đô thị vùng thủ đô. Trong những năm qua khi Hà Nội phát triển đã tạo ra một không gian kinh tế xã hội gắn kết với nhau. Nếu không quy hoạch vùng, để phát triển tự phát, sau này chúng ta mới quay lại quản lý thì sẽ không kịp. Theo ông Thảo, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa mà còn là trung tâm kinh tế nên rất cần thêm nhiều diện tích đất đai để phát triển đô thị vệ tinh, kéo giãn dân ra xa khu trung tâm nhằm tránh biến Hà Nội thành một "thành phố nén". Trung tâm chính trị vẫn là Ba Đình nhưng phải tạo một trung tâm hành chính quốc gia mới. Các đô thị vệ tinh được nhắc đến là Xuân Mai, Hòa Lạc, Sơn Tây, Phú Xuyên...

Đáng chú ý, ông Chủ tịch thành phố cho biết: "Ngày xưa hồ Gươm là trung tâm thủ đô, nhưng bây giờ hồ Gươm sẽ không đủ điều kiện để trở thành trung tâm nữa. Theo định hướng quy hoạch vùng thủ đô thì Hà Nội sẽ lấy hồ Tây làm trung tâm và sông Hồng là trục xanh, trục chính. Trên cơ sở đó, đô thị sẽ phát triển về phía bắc như Đông Anh, Sóc Sơn gắn với hành lang kinh tế trục đường 18. Về phía tây là phát triển về Mỹ Đình, tiếp đến là Hòa Lạc".

Ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh đến công tác cán bộ: "Mở rộng địa giới hành chính sẽ đặt ra cho công tác tổ chức bộ máy và công tác sắp xếp, bố trí cán bộ những trách nhiệm hết sức nặng nề và khẩn trương".

Tuy nhiên, trước tờ trình quá sơ sài của UBND thành phố, các đại biểu hội đồng nhân dân tỏ ra bức xúc vì không thể hình dung được bức tranh của Hà Nội sau khi mở rộng. Đại biểu Vũ Đức Tân phân tích: "Về mặt quy hoạch đô thị, chúng ta quản lý rất tồi. Đây là hậu quả buông lỏng từ những năm 90. Hà Nội vẫn là một thành phố bẩn, không xanh, sạch, đẹp như chúng ta mong muốn". Đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng, thị trường bất động sản đang rất nóng, dân số cơ học sẽ tăng lên rất cao, sẽ có hàng loạt vấn đề khó khăn về quản lý mà tờ trình chưa nêu rõ.

Mặc dù còn nhiều ý kiến thắc mắc nhưng cuối cùng cả 77 vị đại biểu HĐND vẫn bỏ phiếu thông qua chủ trương mở rộng địa giới hành chính Hà Nội.

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.