Được thành lập trong thập niên 1950, nhưng đến gần đây, báo chí Nhật mới có thể tiết lộ một số thông tin về tòa nhà C1 bên trong trụ sở Bộ Quốc phòng ở thủ đô Tokyo. Đây là nơi đặt Cơ quan Tín hiệu tình báo (DSI), tương đương Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) của Mỹ. Ngoại trừ những người thân cận với thủ tướng, đa phần quan chức Nhật không hề biết gì về hoạt động của DSI. “Với văn hóa làm việc cực kỳ bí mật, thậm chí nhiều người trong Bộ Quốc phòng cũng không biết chúng tôi đang làm gì”, cựu nhân viên DSI Miyata tiết lộ với Đài NHK. Trong tài liệu của NSA năm 2008, cơ quan này còn mô tả DSI hoạt động bí mật như thể trong thời Chiến tranh lạnh.
|
DSI có 11 đơn vị hoạt động tách biệt và hạn chế liên lạc với nhau để đảm bảo bí mật. Cựu nhân viên Miyata mô tả công việc trong giai đoạn 1987 - 2005 của ông chủ yếu tập trung vào theo dõi các nước láng giềng, chẳng hạn hoạt động quân sự ở CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, theo tài liệu mật năm 2008 do cựu nhân viên NSA Edward Snowden rò rỉ, tình báo Mỹ phối hợp với DSI theo dõi thông tin liên lạc khắp châu Á trong khuôn khổ chương trình mang tên MALLARD.
Một trong những cơ sở của DSI là căn cứ quân sự với những ăng ten khổng lồ ở thị trấn Tachiarai gần thủ đô Tokyo. Trong giai đoạn 2012 - 2013, căn cứ Tachiarai thu thập dữ liệu từ 500.000 lượt truy cập internet/giờ, tổng cộng 12 triệu lượt/ngày. Lượng dữ liệu khổng lồ đến mức DSI phải nhờ NSA hỗ trợ kỹ thuật, theo tài liệu mật. Người phát ngôn NSA Chris Augustine từ chối bình luận về thông tin này, còn Giáo sư Richard Tanter thuộc Đại học Melbourne (Úc) nhận định căn cứ Tachiarai có thể chặn đường truyền dữ liệu, theo dõi mọi thông tin từ vệ tinh của Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ và các nước châu Âu. Hơn nữa, The Intercept dẫn lời Snowden cho rằng điệp viên Nhật theo dõi người dân cùng tất cả nhà mạng điện thoại và internet. Chẳng hạn, trong chiến dịch “internet nặc danh”, DSI thu thập thông tin tất cả người dân dùng công cụ vượt tường lửa Tor, theo tài liệu mật. “Dùng hệ thống XKEYSCORE thật sự đã vi phạm hiến pháp Nhật, vốn rất chú trọng bảo vệ quyền riêng tư của người dân”, quan chức giấu tên DSI thừa nhận.
Phản ứng trước thông tin trên, Bộ Quốc phòng Nhật từ chối bình luận về DSI, nhưng khẳng định “hoạt động thu thập thông tin” là cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia, loại trừ mối đe dọa không gian mạng và được thực hiện theo đúng pháp luật, không xâm phạm quyền riêng tư.
Bình luận (0)