Đồng thời, giải thích thêm về cơ sở đề xuất đưa TLLN vào thí điểm quản lý, BCT cho biết Bộ đã thực hiện các nghiên cứu dựa trên công bố từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và thực tiễn kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới.
Thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử: Cấm hay quản lý?
Toàn cảnh Phiên giải trình ngày 4.5
Cũng tại phiên giải trình nêu trên, nhiều băn khoăn của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã được đưa ra cho hai bộ tham mưu chính cho Chính phủ về vấn đề kiểm soát TLLN, TLĐT là BCT và Bộ Y tế (BYT). Trong đó, vấn đề nổi bật chính là TLĐT, TLLN có phải là sản phẩm thuốc lá hay không và vì sao có sự bất tương đồng trong cách ứng xử giữa thuốc lá điếu và các sản phẩm thuốc lá mới, trong khi thuốc lá là ngành hàng kinh doanh hợp pháp và được quy định cụ thể trong Luật Đầu tư. Như vậy, nếu cấm sẽ có khả năng cần phải sửa Luật Đầu tư.
Cụ thể, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, Phó ban Công tác Dân nguyện thuộc UBTVQH cho rằng BYT cần làm rõ nguyên nhân tại sao lại có các ứng xử khác giữa TLLN và TLĐT so với thuốc lá điếu dựa trên các bằng chứng khoa học.
ĐBQH Trần Kim Yến, thành viên Ủy ban Xã hội có ý kiến rằng luật hiện hành chưa có quy định về các sản phẩm này nên có thể hiểu là không thuộc các mặt hàng cấm. Đồng thời, bà Yến đặt vấn đề về việc hiểu như thế nào về "các dạng khác" của sản phẩm thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL).
Trả lời vấn đề trên, BYT cho rằng các sản phẩm TLLN, TLĐT đều gây hại cho người sử dụng, đặc biệt tình trạng giới trẻ hút TLĐT ngày càng tăng và càng trẻ hóa. Trong khi đó, BCT nhìn nhận thực trạng buôn lậu hiện đang gia tăng chính vì khoảng trống của hành lang pháp lý đã tồn tại trong thời gian quá lâu. Điều này dẫn đến các hệ lụy xã hội đang ngày càng leo thang.
Do vậy, xét trên góc độ Hiến pháp, quyền con người, Luật Đầu tư, cấu tạo nguyên liệu của sản phẩm đối chiếu với Luật PCTHTL, sức khỏe cộng đồng cũng như tính khả thi của đề xuất, BCT kiến nghị cần quản lý các sản phẩm này. Theo đó, bước đầu BCT kiến nghị đưa TLLN vào kiểm soát dưới Luật PCTHTL theo hình thức thí điểm quản lý.
Quan điểm của WHO, FDA và các nước về thuốc lá làm nóng
Đầu năm 2024, tại cuộc họp toàn cầu giữa các quốc gia về kiểm soát thuốc lá (COP) lần thứ 10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố Báo cáo toàn diện về nghiên cứu và bằng chứng về các sản phẩm thuốc lá mới và mới nổi, cụ thể là TLLN. Theo Báo cáo, trong 195 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 69 quốc gia quy định cụ thể về TLLN dưới dạng cụ thể (thuốc lá thông thường, thuốc lá mới, thuốc lá không khói) hay các dạng khác. Có 86 quốc gia khác ngầm quản lý TLLN theo quy định về thuốc lá điếu.
Theo Báo cáo của WHO, có đến 175 quốc gia và vùng lãnh thổ không cấm kinh doanh TLLN, mà quản lý TLLN bằng nhiều hình thức như: Cấm hút TLLN tại những nơi không được phép hút thuốc, yêu cầu ghi nhãn đối với điếu TLLN, và áp dụng các yêu cầu về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ tương tự như các thuốc lá điếu.
Trong số các quốc gia trong khu vực châu Á có bối cảnh tương đồng với Việt Nam cho phép hợp pháp hóa TLLN có Philipines. Tại quốc gia này, TLLN luôn được phép sử dụng. Đến tháng 7.2022, Philippines ban hành Đạo luật Cộng hòa số 11900 (Đạo luật quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới) nhằm quy định hành lang pháp lý cho việc nhập khẩu, kinh doanh, phân phối, sử dụng và truyền thông cho các sản phẩm TLLN, TLĐT. Theo đó, Đạo luật này công nhận giảm thiểu tác hại thuốc lá (thông qua các sản phẩm mới như TLLN, TLĐT) là một chiến lược nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Tại Malaysia, TLLN đã được hợp pháp hóa từ năm 2018 theo luật kiểm soát thuốc lá hiện hành. Đến năm 2023, sản phẩm này tiếp tục được phân loại khác biệt so với thuốc lá điếu truyền thống theo quy định Kiểm soát sản phẩm thuốc lá hút tại Dự luật Y tế Công cộng năm 2023.
Trước đó, TLLN đã ra mắt tại Nhật Bản từ năm 2014, được quy định là sản phẩm thuốc lá theo Đạo luật Kinh doanh thuốc lá 1984. Tuy nhiên các điều khoản quản lý đối với TLLN ít nghiêm ngặt hơn so với thuốc lá điếu, gồm mức thuế thấp hơn, chỉ quy định nội dung cảnh báo sức khỏe bằng chữ, không sử dụng hình ảnh các bệnh do hút thuốc lá điếu, và cho phép sử dụng tại một số khu vực cấm thuốc lá điếu (như nhà hàng, quán bar, taxi…).
Ở góc độ khoa học, FDA Hoa Kỳ đã tiến hành thẩm định trên 2 triệu trang hồ sơ bằng chứng về sản phẩm TLLN và khẳng định rằng sản phẩm này "giảm đáng kể sự hình thành các chất hóa học gây hại hoặc có tiềm năng gây hại", "các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng chuyển hoàn toàn từ thuốc lá điếu sang TLLN làm giảm đáng kể sự phơi nhiễm của cơ thể đối với các chất độc hại" và "thích hợp cho mục tiêu cải thiện sức khỏe cộng đồng".
Các ý kiến tại Phiên giải trình cũng kỳ vọng trong năm 2024 sẽ thống nhất được phương án quản lý phù hợp dựa trên cơ sở pháp lý và tình hình thực tế đối với TLLN, TLĐT.
Mới đây, Công điện 47/CĐ-TTg về tăng cường quản lý TLĐT, TLLN ngày 13.5.2024 của Thủ tướng cho thấy sự quan tâm sát sao của Chính phủ đối với vấn đề này.
Bình luận (0)