"Nếu Bernard là khu vườn thì đội ngũ bác sĩ đa chuyên khoa cùng tập thể anh chị em chính là những người làm vườn thiện nghệ, cần mẫn vun trồng để khu vườn Bernard xanh mát an lành, thêm tỏa sắc hương cho đời…".
Ngày 27.2 năm nay, Hệ thống Y khoa chuyên sâu Quốc tế Bernard (Bernard Healthcare) tròn 3 tuổi. Cũng là 3 năm những người thầy thuốc trên khắp thế giới vất vả chống đại dịch và các loại bệnh mới phát sinh. Trong hoàn cảnh đó, Bernard Healthcare đã may mắn là lựa chọn chốn về của nhiều thầy thuốc giỏi, già dặn kinh nghiệm.
Nhận trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn y khoa, BS Cao cấp - BS.CKII Trần Đoàn Đạo định hướng Bernard Healthcare ngay từ ngày đầu phải giữ đúng cam kết đưa khách hàng “đi tới nơi về tới chốn”. Đây cũng là “mệnh lệnh” để không người bệnh nào phải chuyển tới chuyển lui mà vẫn không hết bệnh.
Khởi đầu sự nghiệp ở khoa ngoại và sau đó là khoa phỏng của bệnh viện Chợ Rẫy, hàng ngày hàng giờ sống với nỗi đau của người bệnh, nhất là những trường hợp bị vết thương mãn tính, khó lành, BS Đạo tâm sự ông chỉ có một ước mơ đơn giản là “muốn xoa dịu những nỗi đau thể xác của người bệnh” mà miệt mài lao vào học tập, nghiên cứu.
Hơn 30 năm kinh nghiệm, tu nghiệp chuyên sâu về phỏng, tạo hình, chăm sóc và điều trị vết thương tại Mỹ, châu Âu, Úc… Nhiều năm giữ chức vụ Trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình của Bệnh viện Chợ Rẫy, là giảng viên của nhiều trường đại học, nhưng ở người Trí thức tiêu biểu của Tổng hội Y học Việt Nam này luôn là nét bình dị, gần gũi bệnh nhân và đặc biệt rất quan tâm dìu dắt thế hệ trẻ.
Tại buổi sinh hoạt khoa học định kỳ chủ đề chăm sóc vết thương cho bộ phận điều dưỡng do Ban Khoa học và Đào tạo Bernard Healthcare tổ chức mới đây, ông giải thích vì sao môi trường ẩm là yếu tố thuận lợi cho quá trình lành thương, phân tích cặn kẽ các nguyên tắc, phương pháp trong chăm sóc vết thương…
Năm 2021, khi đã là Giám đốc Y khoa Bernard Healthcare kiêm Giám đốc Trung tâm Ningen Dock Bernard, BS Hồ Thị Hồng được Bệnh viện Chợ Rẫy mời về nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những thành tích mà bà đã đạt được, với tư cách là Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, trước lúc nghỉ hưu. Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế, đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến và triển khai nhiều dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế. Suốt hơn 30 năm gắn bó với nơi này, BS Hồng luôn được cấp trên tin tưởng, bổ nhiệm nhiều vị trí quan trọng.
Từng tu nghiệp chuyên sâu tại Pháp, Nhật và một số nước về lĩnh vực hồi sức cấp cứu, nội khoa và ung thư học, khi nhận “nhiệm vụ mới” ở tuổi hưu trí tại Bernard Healthcare, BS Hồng vẫn tiếp tục xông pha với tinh thần của người trẻ. Vào thời kỳ đại dịch Covid-19 căng thẳng, dù bị xếp ở nhóm tuổi “nguy cơ cao”, bà vẫn đăng ký tham gia chống dịch ngay tuyến đầu. Là giám đốc y khoa nhưng ai nhìn bà cũng nghĩ “chiến binh thực chiến” vì bà khám và điều trị ở mảng “nóng” là tầm soát ung thư, đột quỵ.
Khi xu hướng y tế thế giới chuyển đổi từ y học điều trị sang y học dự phòng, bà cũng là một trong những BS trăn trở đầu tiên trước các con số thống kê tình trạng tuổi thọ trung bình và sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam. Bà đánh giá mấu chốt vấn đề ở khâu “tầm soát sớm”. Bà thường nói, phải tầm soát sức khỏe sớm thay vì “đi khám bệnh”.
Hôm ấy là một ngày cuối tuần, BS Từ Thị Mỹ Trang có lịch hẹn 9 giờ sáng nhưng mãi hơn 16 giờ 30 chiều bà mới kết thúc tư vấn cho bệnh nhân cuối cùng và dành thời gian cho khách hẹn. Bà nói bà không thích đi làm ngày thứ bảy, vì thường ngày đó có các hội nghị khoa học, bà không được đi nghe…
Nhưng hôm ấy bà đã cứu một người. Đó là một người đàn ông lớn tuổi, có vợ đi cùng. Quá trình tầm soát sức khỏe đến khâu quan trọng thì người này muốn bỏ qua. Những lời dặn dò nhằm chuẩn bị cho khâu này ông ấy đều không thực hiện vì nghĩ mình khỏe. Nhưng người vợ rất kiên quyết nên cuối cùng người đàn ông đó cũng chịu tiếp tục. Kết quả đã phát hiện bệnh ung thư.
Thực ra, với hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội tổng quát và các bệnh lý về nội thần kinh, đột quỵ; từng giữ các vị trí Trưởng khoa Dịch vụ quốc tế và Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu tại Bệnh viện Chợ Rẫy; từng trực tiếp điều trị bệnh cho những lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các cán bộ lão thành; vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, vị nữ chuyên gia Trung tâm Ningen Dock Bernard ngày nay vẫn liên tục học hỏi, tiếp nhận kiến thức mới thì việc “tầm soát lọt bệnh” có lẽ cũng không dễ.
“Chính xác, tỉ mỉ đến từng chi tiết” là điểm đặc biệt mà mọi người thường nghĩ đến BS Trang. Vì vậy, với mô hình tầm soát sớm, toàn diện, chi tiết, chuyên sâu tại Bernard Healthcare thì không thể thiếu những người như bà.
Kênh thông tin của Khoa Điều trị rối loạn nhịp - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết tối 24.9.2020, lãnh đạo bệnh viện đã chủ trì tiệc liên hoan chia tay Tiến sĩ - BS Phạm Thị Lệ Xuân - Trưởng khoa Gây mê phẫu thuật tim “sau nhiều năm miệt mài cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nói chung và công tác phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng…”.
Sau cuộc chia tay đó, BS Xuân không nghỉ hưu mà trở thành chuyên gia cao cấp gây mê - hồi sức Bernard. Thế nhưng, nhắc lại câu chuyện cứu sống kịp thời thai phụ bị vỡ quai động mạch chủ xôn xao trên báo chí năm 2017, phải mất một lúc lâu BS Xuân mới nhớ. Vào thời điểm đó, bà là phó trưởng khoa. Nữ thai phụ 20 tuổi từ Bình Dương chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy và được phát hiện túi phình động mạch chủ bị vỡ, chèn ép khí quản khiến suy hô hấp cấp, khó thở. Để thay đoạn động mạch bị vỡ, các BS phải tiến hành ngưng tim, phổi, chạy máy tuần hoàn bên ngoài cơ thể bệnh nhân, đồng thời hạ sâu thân nhiệt. Ca phẫu thuật kéo dài suốt 8 giờ đã cứu sống được người mẹ và thai nhi. BS Xuân cho rằng, thành công lúc đó là nhờ trí tuệ tập thể. Còn đối với bà, ngành gây mê không có gì đáng nói, sinh viên y những năm đầu còn có câu “Chuột chạy cùng sào mới vào gây mê”.
Và ngay cả bây giờ, nữ chuyên gia cao cấp từng tu nghiệp chuyên sâu tại các nước tiên tiến, từng là thành viên quan trọng trong hầu hết các ê kíp đại phẫu như ghép gan, ghép tim, ghép tụy, thận… ở Bệnh viện Chợ Rẫy, từng được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế… vẫn đề cao trí tuệ tập thể, và nghĩ mình nhỏ bé.
Cảm hứng lớn nhất để bà gác lại tuổi hưu, tiếp tục giúp người bệnh và chia sẻ kinh nghiệm cùng đồng nghiệp trẻ cũng là vì tại Bernard Healthcare có ê kíp giỏi, thiện nghệ, phát huy được trí tuệ tập thể.
Nguồn: Bernard Healthcare
Bình luận (0)