Người dân ở hẻm 23/2 đường Đinh Tiên Hoàng (P.3, Q.Bình Thạnh) khổ sở suốt 2 tháng qua vì cứ mở mắt ra là thấy ngập đường. Nước ngập đen sì, bay mùi thối như nước cống khiến những người già trong hẻm phải cố thủ luôn trong những căn nhà chật hẹp.
Người dân trong hẻm cho rằng, từ khi có quán lẩu gà về kinh doanh tới nay mới xảy ra tình trạng này, còn trước đó phải mưa thật to hẻm mới bị ngập.
Sống chung nước hôi, mang ủng vẫn bị ngứa
Chiều 20.8, khi đoàn khảo sát của UBND P.3 và Q.Bình Thạnh xuống để tìm nguyên nhân ngập, anh Lê Thanh Cường (27 tuổi, người dân trong hẻm) bức xúc: “Đó, anh chị nhìn xem, nước ngập vậy, bay mùi thối vậy mà suốt 2 tháng xem chịu nổi không”.
Anh Cường khẳng định nước ngập bay mùi hôi ngoài đường không phải rò rỉ từ nước thải sinh hoạt của người dân vì mỗi nhà đều có cống riêng. Chỉ từ khi có quán lẩu gà ớt hiểm về đây kinh doanh mới xảy ra tình trạng này.
|
Ẵm con nhỏ trên tay, chị Lê Thị Cẩm Thúy (32 tuổi) cũng than thở: “Xóm có 7 nhà mà hết 3 người bị sốt xuất huyết rồi. Tôi cũng bị và phải nhập viện khi con chưa tròn 3 tháng nữa, mất sữa cho con tới nay luôn. Cứ ngập như thế này mãi thì không biết còn bao nhiêu người phải vô viện, chưa kể bất tiện đủ thứ”.
Ông Nguyễn Thanh Quang (54 tuổi) khẳng định, khu vực hẻm thấp nhưng ngày trước chỉ mưa thật to mới bị ngập. Còn 2 tháng qua, dù nắng chói chang nhưng đường vẫn ngập và có mùi hôi.
|
|
Chủ quán lẩu gà nói gì?
Ông Trần Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Tam Hợp (chủ quán Lẩu gà ớt hiểm) cho biết, quán của ông cũng bị thiệt hại rất nhiều vì sự quá khích của người dân trong hẻm.
|
Ông Thịnh nói: “Dù ngay từ đầu khi người dân phản ánh, công ty đều hợp tác với phường để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục trước mắt. Mỗi lần người dân nói nước ngập, tôi lại gọi xe đến hút nước và thay cả hệ thống thoát nước của quán. Tôi cũng mời cả công ty dịch vụ công ích của quận khảo sát để làm cống cho hẻm được báo giá là 109 triệu, tôi nói sẽ hỗ trợ 30 triệu đồng nhưng người dân không chịu đóng tiền. Chúng tôi không trốn tránh nhưng chưa biết nguyên nhân từ đâu có phải do quán tôi không”.
UBND phường cũng đau đầu tìm nguyên nhân
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bà Tống Mỹ Linh, Phó chủ tịch UBND P.3 cho biết, phường liên tục xử lý từ khi người dân có đơn phản ánh cho tới nay. Nhưng hiện tại vẫn chưa xác định được nước ngập này là từ đâu.
|
|
Theo bà Linh, đây là khu vực trũng thấp. Khu vực này đất trũng nên nước dồn về đây. Khi quán lẩu gà nâng lên cao thì nước không có chỗ để thoát, đó có thể là một trong những nguyên nhân ngập. Cũng không loại trừ khả năng mương thoát nước của người dân đổ ra rạch bị nghẹt vì rác, nước thải sinh hoạt của người dân hoặc rò rỉ hệ thống thoát nước của quán. Nhưng hệ thống thoát nước của quán lẩu gà cũng được cấp phép của đơn vị quản lý rồi.
Bà Linh nói: “UBND phường cũng khảo sát cải tạo hệ thống thoát nước, nhưng các hộ dân nói không có nhu cầu cải tạo. Người dân cũng không đồng ý nâng cấp đường cũng như nâng công suất của máy bơm thoát nước trong hẻm lên”.
Do đó, trong chiều 20.8, UBND phường đã mời các bên liên quan tổ chức họp tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng trên để cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường
Ngày 28.8, ông Trần Quốc Thịnh cho biết, theo chỉ đạo của UBND phường, quán lẩu gà đã đóng cửa nghỉ 3 ngày (từ 21 - 23.8). Theo kết quả, trước khi quán đóng cửa đã cho xe tới hút sạch nước ngập. Nhưng trong 3 ngày quán không hoạt động, nước ngập trong hẻm vẫn ngập.
"Phường đã cho người vào nạo vét vớt rác trong cống, được mười mấy bao. Tôi cũng trao đổi với phường, giờ đôi co hoài thì thiệt cũng về bên tôi vì bên tôi làm ăn kinh doanh. Công ty tôi sẽ đầu tư một máy bơm chìm và đặt chế độ bơm tự động, nếu nước lên thì máy bơm sẽ tự chạy", ông Thịnh thông tin.
Cũng theo ông Thịnh, trong ngày 28.8, đoàn khảo sát của UBND quận sẽ xuống khảo sát để có giải pháp giải quyết triệt để cho người dân trong hẻm.
Bình luận (0)