Theo ni trưởng Thích Nữ Lệ Phát, 3 ngôi chùa lớn trong hẻm ghép lại giống hình con rồng, nên khi cả 3 ngôi chùa xây dựng lại và cất lầu thì tất cả hộ dân trong hẻm cũng đều 'lên lầu', không còn lụp xụp như trước.
Có lần ngồi lê la cà phê, tôi được nghe một người Sài Gòn thứ thiệt nói, muốn biết thành phố phát triển thế nào thì hãy đi trên các con đường lớn ở khu trung tâm, còn muốn biết người Sài Gòn sống sao thì hãy vào các con hẻm.
Thật vậy, trái hẳn với sự ồn ào, náo nhiệt, hình ảnh xe hơi, xe máy chen chúc nhau trên con đường nhiều vạch kẻ giữa các tòa cao ốc, những con hẻm ở Sài Gòn dù lớn, dù nhỏ cũng thật yên bình và mang màu sắc riêng.
VIDEO: Một con hẻm 4 ngôi chùa, hẻm thiền yên tĩnh ở Sài Gòn
Không gian xanh mát bên trong "hẻm thiền" ở Gò Vấp Ảnh: Vũ Phượng
Các con hẻm ở Sài Gòn có thể là của những người cùng theo một tôn giáo, cùng làm một nghề, cùng một quê và cũng có những con hẻm mà người dân ở đó chẳng có một mối liên hệ nào. Vậy nhưng cửa nhà này vẫn nhìn thẳng sang nhà kia, lâu lâu nhậu chung một bữa hay nói với nhau vài ba câu thôi mà vẫn tạo nên cái tình người Sài Gòn.
Những con hẻm ở Sài Gòn cũng thật đặc biệt, có những con hẻm rộng thênh thang, người dân có thể để xe bánh mì, xe nước mía kiếm dăm ba đồng, cũng có những con hẻm chỉ một chiếc xe máy qua lọt, muốn quay đầu xe thì phải mở cửa nhà…
Bốn chùa trong hẻm
Hẻm 498 đường Lê Quang Định được nhiều người biết đến với tên gọi “hẻm thiền” vì có đến 4 ngôi chùa tọa lạc.
Vừa đặt chân đến hẻm, tôi cảm nhận được ngay không khí yên bình, thanh tịnh và mát mẻ. Hẻm rộng chừng 2 mét, sạch sẽ, các bức tường cổng của các ngôi chùa đều được sơn vàng tạo nên không gian ấm cúng nhưng cũng thoáng mát bởi màu xanh của cây cối trong chùa và trước mỗi ngôi nhà.
Ni trưởng Thích Nữ Lệ Phát, Viện chủ chùa Châu An ở chùa gần 60 năm cho biết, chùa Châu An được xây dựng từ năm 1952 và cũng là ngôi chùa đầu tiên trong con hẻm này.
'Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi', câu hát về mẹ vẫn cứ da diết. Vậy mà có những người phụ nữ phải một mình. Không chồng, con, cô độc tuổi xế chiều, những cụ bà đủ nghề như bán vé số, nhặt ve chai,… xin vào nương nhờ cửa chùa.
Ni trưởng Lệ Phát kể, ban đầu tổ thầy của bà tu ở trên núi thuộc địa phận Long Hải (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) rồi chuyển về đây. Người cũng mua lại mảnh đất này của người Ấn Độ và cất ngôi chùa nhỏ, chính điện lợp tôn, các cốc nhỏ xung quanh không có điều kiện nên lợp lá.
Chùa Châu An là ngôi chùa đầu tiên trong số 4 ngôi chùa ở hẻm Ảnh: Vũ Phượng
Khi ấy, xung quanh đây toàn bụi cây, nhà cửa còn lụp xụp và có đường ray xe lửa chạy dọc đường Lê Quang Định. Gần đường ray là nhiều bụi tre mọc um tùm, đời sống cũng khó khăn nên sư cô và sư thầy tu ở chùa phải ăn măng mọc từ các bụi tre này. Sau thời gian, nhiều tu sĩ biết đến xin vào chùa ở nên chùa có thêm nhiều đệ tử.
Con hẻm sạch sẽ, thoáng mát tạo cảm giác bình yên, thanh tịnh khi vừa đặt chân đến Ảnh: Vũ Phượng
Không gian xanh mát trong chùa Quảng Hương Già Lam Ảnh: Vũ Phượng
Thông tin trên các trang web về Phật giáo cho biết người đầu tiên tạo dựng tu viện Quảng Hương Già Lam là Hòa thượng Thích Trí Thủ.
Theo trang điện tử Giáo Hội Phật giáo Việt Nam: để giúp đỡ số Tăng sinh này có nơi ăn ở đi học mà vẫn giữ được nếp sinh hoạt thiền môn, năm 1960 Ban Quản Trị của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam ủy cho Hòa thượng Thích Trí Thủ (lúc đó là Ủy viên Giáo dục) vào Sài Gòn mua một sở đất (nay ở đường Lê Quang Định) tại xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp, xây dựng tu viện Quảng Hương Già Lam. Nơi đây cũng là trú sở của Hòa thượng Thích Trí Thủ sau năm 1963 cho tới ngày viên tịch.
Vị trú trì đầu tiên của Già Lam là Đại đức Thích Phước Chương, vị thứ hai là Đại đức Thích Huyền Giác, vị thứ ba là Đại Đức Thích Đức Nhơn.
Chuyện lạ trong ‘hẻm thiền’
Cũng theo ni trưởng Lệ Phát, nhiều nhà nghiên cứu phong thủy nói vùng đất có long mạch tốt, có hình con rồng. Trong đó, chùa Châu An là đầu rồng, tịnh xá Ngọc Phương là bụng rồng và chùa Già Lam là đuôi rồng.
Những buổi chiều, ngồi nhâm nhi ly cà phê, nghe tiếng tụng kinh, gõ mõ mà lòng tôi cảm thấy thanh thản và cảm giác như trút hết đi những muộn phiền của cuộc đời...
Ông Lê Thành Sơn
Theo thời gian, chùa Già Lam và tịnh xá Ngọc Phương xuống cấp một số hạng mục nên được xây dựng lại khang trang hơn. Riêng chùa Châu An đến năm 1995 mới bắt đầu trùng tu. Khi chùa Châu An hoàn thành thì nhiều hộ dân trong hẻm cũng cất lầu, đời sống khấm khá hơn.
Ông Lê Thành Sơn (61 tuổi, người dân trong hẻm) bày tỏ, ông đã từng đi nhiều con hẻm khác ở Sài Gòn nhưng “hẻm thiền” vẫn có những nét đặc sắc. Ông Sơn nói: “Những buổi chiều, ngồi nhâm nhi ly cà phê, nghe tiếng tụng kinh, gõ mõ mà lòng tôi cảm thấy thanh thản và cảm giác như trút hết đi những muộn phiền của cuộc đời”.
Cứ đến khoảng 4 giờ chiều, con hẻm mới có một vài xe qua lại đan xen với màu áo lam của những phật tử đến lễ chùa. Riêng mùng Một và ngày Rằm hàng tháng, hẻm trở nên tấp nập nhất là vào buổi trưa và tối.
Ông Tường, chủ quán cà phê đầu hẻm chia sẻ khu vực này còn được gọi là vùng đất Phật vì trong phạm vi 5km có đến hơn 10 ngôi chùa lớn, nhỏ. Do vậy, nhiều tiệm cơm chay, nhà hàng chay cũng mọc lên quanh khu vực như ở đường: Hoàng Hoa Thám, Trần Quý Cáp,…(quận Bình Thạnh).
Các bạn trẻ có mặt ở chùa Quảng Hương Già Lam vào dịp cuối tuần Ảnh: Vũ Phượng
Theo ông Tường, người dân trong hẻm chủ yếu làm công việc nhà nước, sáng đi tối về. Sở dĩ con hẻm sạch sẽ là do ý thức của mọi người, khi thấy rác vương vãi là không ai bảo ai tự động nhặt để vào thùng rác nhà mình.
136 em khuyết tật bẩm sinh và 69 em lành lặn bị cha mẹ bỏ rơi đều được sư thầy Thích Thiện Chiếu (trụ trì chùa Kỳ Quang 2, quận Gò Vấp, TP.HCM) nuôi dưỡng với tình yêu thương vô bờ bến.
“Hẻm thiền” quen thuộc với nhiều người Sài Gòn còn được những bệnh nhân ở Bệnh viện Ung Bướu gọi là hẻm “tình thương” vì đều đặn 1 tháng 3 ngày 15, 16, 17 âm lịch, chùa Châu An sẽ đến bệnh viện đón khoảng 200 bệnh nhân về chùa để nói chuyện, niệm Phật và tặng quà cho tinh thần thoải mái, thêm niềm tin để vượt qua bạo bệnh.
Bình luận (0)