Hiểm họa IS 'xoay trục' về hướng đông

04/07/2016 08:50 GMT+7

IS đang vươn vòi đến Nam Á và Đông Nam Á để mở rộng địa bàn trong bối cảnh đang thất thế ở Trung Đông.

Ngày 3.7, Bangladesh bắt đầu 2 ngày quốc tang để tưởng niệm 20 người bị các tay súng Hồi giáo cực đoan sát hại tại nhà hàng Holey Artisan ở thủ đô Dhaka tối 1.7. Theo Reuters, trong số nạn nhân có tới 18 công dân nước ngoài, gồm 7 người Nhật, 9 người Ý, 1 người Mỹ và 1 người Ấn Độ. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ việc.
Chưa có thông tin công dân Việt Nam bị ảnh hưởng
Ngày 3.7, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình bảo hộ công dân Việt Nam sau vụ tấn công ở Bangladesh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Đến nay, chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi vụ việc. Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và nhân viên Văn phòng đại diện Công ty FPT tại Dhaka nằm trong khu cách nơi xảy ra vụ việc khoảng 200 m vẫn an toàn, được hướng dẫn hạn chế đi lại trong một thời gian, tránh đến nơi đông người sau 18 giờ hằng ngày”.
Ngoài ra, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện thăm hỏi và chia buồn tới Ngoại trưởng Bangladesh Abul Hassan Mahmood Ali sau vụ tấn công đẫm máu.  
 Theo TTXVN
Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh Asaduzzaman Khan cho biết 6 tay súng bị lực lượng an ninh tiêu diệt trong vụ việc là thành viên nhóm cực đoan Jamaeytul Mujahdeen Bangladesh (JMB). Trước đó, JMB đã tuyên bố trung thành với IS và là “đại diện” cho tổ chức này ở Bangladesh. Hiện nhà chức trách đang tập trung điều tra về nguồn gốc số vũ khí các thủ phạm sử dụng trong vụ tấn công cũng như liên hệ giữa lực lượng cực đoan trong nước với IS và al-Qaeda.
Theo giới quan sát, vụ tấn công Bangladesh là bằng chứng mới nhất cho thấy IS đang thi hành kế hoạch “xoay trục” về phía đông, nhất là Nam Á và Đông Nam Á trong bối cảnh tổ chức này đang dần thất thế tại Syria và Iraq. Thủ đoạn chủ yếu là liên kết với những tay súng cực đoan địa phương tiến hành tấn công khủng bố nội địa để gây bất ổn, gia tăng thanh thế trong khi ít tốn chi phí.
Tuần trước, IS lần đầu tiên tung ra đoạn phim chiếu cảnh 3 tay súng người Malaysia, Indonesia và Philippines hành quyết con tin, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Hiện nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan cộm cán trong khu vực như Abu Dujana Brigade, Abi Khabib Brigade ở Malaysia và Abu Sayyaf (Philippines) đều đã tuyên bố trung thành với IS.
Hồi cuối tháng 6, một thành viên IS người Malaysia tên Mohd Rafi Udin dọa tấn công lực lượng an ninh nước này, đồng thời kêu gọi các tay súng đến Philippines gia nhập Abu Sayyaf nếu không thể đến Syria.
Cảnh sát tại hiện trường vụ tấn công ở thủ đô Jakarta, Indonesia hồi tháng 1.2016. IS sau đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ việc này AFP
SCMP dẫn lời giới chức an ninh Malaysia lo ngại những đoạn phim và tuyên bố nói trên mang tác dụng kích động rất lớn và đang có nguy cơ tiềm tàng xảy ra tấn công trong vòng 6 tháng tới. “Những mục tiêu tiềm tàng có thể là các địa điểm đông người tụ tập về đêm, tòa nhà chính quyền, trụ sở cảnh sát và các tài sản chiến lược”, sĩ quan Ayub Khan Mydin thuộc Đơn vị chống khủng bố cảnh sát Malaysia cho hay.
Bên cạnh đó, giới phân tích kêu gọi các nước ASEAN tăng cường hợp tác chống khủng bố và những nước có nguy cơ lớn như Philippines, Malaysia và Indonesia cần xây dựng cơ sở dữ liệu tình báo chuyên nhắm vào IS để dễ theo dõi, tiến hành truy quét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.