Hiểm họa sóng thần ám ảnh thế giới

26/12/2014 08:01 GMT+7

Hình ảnh sóng thần tàn phá bờ biển Ấn Độ Dương, cướp đi gần 230.000 sinh mạng, vào ngày này cách đây 1 thập niên vẫn là nỗi ám ảnh rất thực tế.

Hình ảnh sóng thần tàn phá bờ biển Ấn Độ Dương, cướp đi gần 230.000 sinh mạng, vào ngày này cách đây 1 thập niên vẫn là nỗi ám ảnh rất thực tế.

Aceh đã được tái thiết phần nào sau thảm họa nhưng nỗi ám ảnh vẫn còn trên gương mặt người sống sót
Aceh đã được tái thiết phần nào sau thảm họa nhưng nỗi ám ảnh vẫn còn trên gương mặt người sống sót - Ảnh: AFP
Sáng nay 26.12, đại diện 34 tổ chức phi chính phủ quốc tế, 35 đại sứ các nước tại thủ đô Jakarta cùng Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ có mặt tại TP.Banda Aceh trên đảo Sumatra để tưởng niệm 10 năm ngày xảy ra một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử hiện đại.
Các chuyên gia địa chấn gọi trận động đất 9,1 độ Richter cách bờ biển Sumatra 160 km về phía tây, gây ra những cơn sóng cao đến 30 m đập vào bờ biển 13 quốc gia ven Ấn Độ Dương ngày 26.12.2004, là sự kiện làm thay đổi ngành khoa học về sóng thần. Sóng thần (tsunami) là một từ tiếng Nhật Bản, dường như chỉ được người ngoài ngành trên toàn thế giới biết đến kể từ sự kiện này.
Từ Indonesia, Thái Lan, Sri Lanka... ở châu Á sang Madagascar, Somalia, Nam Phi, cơn địa chấn đã giết chết hơn 226.000 người và khiến hơn 1,7 triệu người mất nhà cửa.
Tỉnh Aceh của Indonesia là nơi gánh chịu hậu quả tàn khốc nhất với gần 127.000 người chết, hơn 95.000 người mất tích, 500.000 người mất nhà cửa cùng 750.000 người rơi vào tình trạng thất nghiệp, hoảng loạn và trầm cảm, theo con số của Cơ quan Tái thiết vùng Aceh và Nias (BRR).
Sống sót thần kỳ trong cơn sóng dữ, Fitrianti Ikwanti, nay 22 tuổi ở thủ phủ Banda Aceh, vẫn nức nở khi kể lại với cộng tác viên Thanh Niên về ký ức kinh hoàng cách đây 10 năm: “Bất chợt nhìn thấy những cột nước cao bằng nhiều ngôi nhà chồng lên ập đến, tôi chỉ kịp túm thằng em quẳng lên chiếc ghe rồi lôi đi. Khi mọi thứ qua đi, chị em tôi quay về và không còn thấy nhà mình đâu nữa. Những người sống sót trong làng khóc lóc, kêu cứu thảm thiết. Một người chị họ nói với tôi rằng nhà tôi, cha mẹ tôi, anh trai và các em tôi đã bị sóng cuốn đi hết”.
Sau 10 năm tái thiết với 7,2 tỉ USD từ ngân sách nhà nước và viện trợ quốc tế, tại nhiều làng xã, Aceh đã không còn tang thương nhưng không khí mất mát vẫn lẩn khuất trong ánh mắt những người sống sót.
Trong khi đó, đời sống vật chất, sinh hoạt của người dân còn quá khó khăn khi đất đai bị bỏ hoang, nước uống nhiễm mặn, sinh kế chưa phục hồi. “Tôi buồn lắm. Chúng tôi đã xây lại cơ sở hạ tầng. Nhưng các tàu hàng đến đây chỉ quay về không vì chẳng có gì để họ mang đi”, Giám đốc BRR Kuntoro nói với các phóng viên.
Quả bom địa chấn
Trong những ngày tiến đến tưởng niệm 10 năm thảm họa này, Giám đốc Cơ quan Giảm thiểu nguy cơ thảm họa của LHQ Margareta Wahlstrom cảnh báo: “Hãy chuẩn bị cho biến cố chưa từng thấy. Không có chỗ cho chúng ta lơ là đâu”. Các chuyên gia gần đây cũng cho rằng “quả bom địa chấn đang chực nổ tại Indonesia” và thành phố Padang trên đảo Sumatra “nằm ngay trên tâm chấn”.
Nhà địa chất học Kerry Sieh, Giám đốc Trung tâm quan sát trái đất của Singapore, cho hay hình thái địa lý đáy biển vùng này như san hô, các lớp trầm tích cho thấy đang có sự tích tụ năng lượng lớn chưa từng thấy ở đây và khả năng bùng nổ là điều không tránh khỏi. Tiến sĩ John McCloskey thuộc ĐH Ulster (Anh) chuyên nghiên cứu về động đất ở Sumatra, cũng cho rằng sự tích tụ năng lượng ở nơi này hiện như một cánh cung bị kéo căng.
Sau thảm họa 2004, thế giới cũng chứng kiến một loạt vụ tương tự ở khắp nơi trên thế giới, mà gây chấn động không kém là vụ động đất 9,2 độ Richter kéo theo sóng thần ở Nhật Bản ngày 11.3.2011 làm 15.889 người chết, 6.152 người bị thương và 2.601 người mất tích.
Chưa hết, thảm họa cũng dẫn tới sự cố nhà máy điện hạt nhân gây hệ lụy kinh tế và sức khỏe lâu dài cho quốc gia này. Mới đây, tờ Yomiuri Shimbun dẫn dữ liệu từ Trung tâm nghiên cứu động đất của Nhật Bản cho hay “không có vùng nào ở quốc gia không có nguy cơ bị động đất” với cường độ từ 6 độ Richter trở lên.
Tuy nhiên, nếu xảy ra sự cố tương tự ngày 26.12.2004, các chuyên gia tin rằng với sự hiểu biết nhiều hơn về sóng thần, ý thức và cơ hội tiếp cận thông tin của người dân cùng các trung tâm cảnh báo sớm được thiết lập khắp nơi trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, khả năng cứu được đến 90% con người trong vùng bị ảnh hưởng, thay vì chỉ 10% như năm 2004.
Chiều tối 25.12, khoảng 7.000 người tập trung tại đại thánh đường Hồi giáo Baiturrahman ở Banda Aceh để cầu nguyện cho các nạn nhân thảm họa sóng thần, theo AFP. Tham dự lễ có những người sống sót, nhân viên các tổ chức cứu trợ và khoảng vài trăm người từ Malaysia. Tại đại thánh đường, Tỉnh trưởng tỉnh Aceh Zaini Abdullah phát biểu cám ơn toàn bộ người dân cả nước và cộng đồng quốc tế đã chung sức giúp Aceh đứng dậy sau tai họa quá lớn.
Trọng Kha
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.