Chưa bao giờ số bệnh nhân bị phỏng gas nhiều như hiện nay. Tại các cơ sở điều trị phỏng, mỗi ngày đều có hàng trăm nạn nhân đến điều trị và hầu hết đều trong tình trạng rất nặng
Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn do rò rỉ khí gas. Tang thương nhất là vụ nổ khí gas ngày 3-11 tại ngõ 22, phố Tạ Quang Bửu (Hà Nội) làm sập ngôi nhà 3 tầng khiến hai cháu bé tử nạn, còn bố mẹ hai cháu cũng bị phỏng rất nặng.
Hậu quả cực kỳ nghiêm trọng
Tiếp đó, ngày 14-11, tại TPHCM tiếp tục xảy ra vụ nổ lớn ở một căn nhà khiến hai người bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do thợ bảo trì máy lạnh đang thao tác nạp gas cục nóng máy lạnh đặt ở tầng 3 nhưng bất cẩn khiến bình gas phát nổ.
Gần đây nhất, tại Đồng Nai cũng xảy ra một vụ rò rỉ khí gas khiến cả nhà nhập viện. Người mẹ bật bếp nấu ăn nhưng không thấy lửa cháy, nghĩ là lửa yếu nên bà đã dùng bật lửa để mồi. Bất ngờ, ngọn lửa phựt ra từ dây gas bùng lên trùm cả 3 người đang đứng trong bếp. Cháu bé 2 tuổi được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cấp cứu trong tình trạng phỏng lửa ở vùng mặt, tay và chân, còn mẹ cháu bé cũng bị phỏng 2 chân từ vùng đùi trở xuống.
Không nên bật quạt “thổi” gas
Theo bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng Khoa Bỏng (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội), phỏng gas đang tăng nhanh cũng vì gas và bếp gas đã trở thành vật dụng không thể thiếu đối với nhiều gia đình. Thế nhưng, trong quá trình sử dụng, do sự bất cẩn, thiếu hiểu biết của nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng khiến khí gas rò rỉ dẫn đến nhiều vụ tai nạn rất thương tâm.
Bác sĩ Thống cho biết do nặng hơn không khí 2,07 lần nên khi bị xì ra ngoài, gas sẽ nhanh chóng lắng xuống và luẩn quẩn trong nhà nếu không có cửa thoát. Khác với xăng - khi có mồi lửa mới gây cháy - khí gas chỉ cần có nguồn lửa nhỏ như tàn thuốc lá hay các tia lửa điện từ xe máy đang nổ, thậm chí ma sát do mở cánh cửa... cũng có thể gây cháy. “Phòng càng kín, khí gas càng quẩn lâu trong nhà và len cả vào các ổ điện, công tắc quạt. Lúc này chỉ cần một động tác bật công tắc đèn để kiểm tra hoặc bật quạt để “thổi bay” khí gas ra ngoài sẽ dễ phát nổ, thậm chí bùng nổ như một quả bom. Vì thế, hầu hết các nạn nhân trong những vụ cháy nổ khí gas đều bị phỏng rất nặng, bệnh nhân rất đau đớn, thậm chí tử nạn ngay sau đó” - bác sĩ Thống cảnh báo.
Bác sĩ Nguyễn Viết Lượng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp (Viện Bỏng Quốc gia), cho biết mỗi tháng, viện tiếp nhận khoảng 10 trường hợp phỏng gas, phần lớn đều nặng và rất nặng. Những trường hợp bị phỏng đường hô hấp thì nguy cơ tử vong cao gấp nhiều lần so với những ca chỉ bị phỏng ngoài da. Bị phỏng gas rất nguy hiểm, vì thường là đa chấn thương nạn nhân dễ bị phỏng họng, suy hô hấp, nhiễm trùng đường thở do hít phải khí nóng, dẫn đến tử vong.
Ngâm, tưới nước mát lên vùng phỏng Các bác sĩ khuyến cáo: Khi ngửi thấy có mùi gas, cần mở tất cả các cửa, dùng quạt giấy quạt vùng có khí gas cho khí tản ra, tuyệt đối không dùng quạt điện hoặc bật các thiết bị điện. Trong trường hợp bị phỏng gas, không nên sơ cứu bằng nước mắm vì nước mắm có đạm, protein dễ cho vi khuẩn phát triển. Ngay cả kem đánh răng là môi trường kiềm khắc với môi trường vùng phỏng sẽ làm đau rát hơn cho bệnh nhân. Việc bôi mẻ hay các loại nhựa cây cũng không được khuyến cáo áp dụng. Xử trí phỏng gas cũng như phỏng nói chung bằng cách ngâm vùng phỏng vào nước lạnh (ở nhiệt độ 8 °C - 25 °C) khoảng 20-30 phút để giảm tổn thương và tránh ngâm nước đá vì dễ gây phỏng lạnh, sau đó lấy vải sạch phủ kín rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu được sơ cứu đúng cách sẽ giúp bệnh nhân đỡ đau rát, giảm phù nề, hạn chế tổn thương và rút ngắn thời gian, chi phí điều trị. |
Theo NLĐ
Bình luận (0)