Trong lúc vẫn chưa tìm được loại cây thay thế phù hợp hơn, nhiều địa phương, trong đó có Quảng Bình, vẫn tiếp tục trồng cao su với những "gợi ý" về giải pháp chống bão.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, cây cao su được đưa về trồng trên vùng đất phía tây Quảng Bình từ những năm 1960. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 đơn vị trồng cao su với tổng hơn 18.220 ha, gồm 7.935 ha cao su đại điền, 10.285 ha cao su tiểu điền, xếp thứ 2 về diện tích và sản lượng ở khu vực bắc Trung bộ (chỉ sau Quảng Trị).
Nhiều cơn bão gây thiệt hại nặng
Cao su được xem là “vàng trắng” của vùng gò đồi các tỉnh duyên hải miền Trung; hàng ngàn người có thu nhập, nhiều gia đình có tiền trang trải cuộc sống. Một gia đình có 2 - 3 ha cao su khai thác là khá yên tâm về nguồn thu nhập. Thế nhưng, khu vực này lại liên tiếp dính bão. Bão số 10 năm 2013, Quảng Bình gãy đổ 12.174 ha (bao gồm 7.680 ha cao su kinh doanh), thiệt hại trên 70%. Bão số 10 vừa qua, địa phương tiếp tục thiệt hại 7.338 ha và đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần. Không chỉ riêng Quảng Bình, người trồng cao su trong khu vực cũng thiệt hại nặng nề do bão như Quảng Trị, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, kể cả khu vực nam Trung bộ và Tây nguyên. Nhiều người ví, trồng cao su như đánh bạc với trời...
Sau bão số 10 năm 2013, có nhiều ý kiến khác nhau về chủ trương phát triển cây cao su trên đất Quảng Bình và các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, cuối cùng các địa phương vẫn chưa tìm ra loại cây phù hợp hơn để thay thế, nên các công ty và người dân vẫn quyết bám cây cao su. Theo Công ty CP Lệ Ninh, hầu hết diện tích cao su của công ty được trồng trên địa hình không thuận lợi so với loại cây trồng khác, hơn 53 năm qua công ty trồng nhiều loại cây nhưng chỉ có cao su cho hiệu quả kinh tế cao nhất.
Cần chọn giống tốt, tuân thủ kỹ thuật trồng
Thực tế, ngoài yếu tố bão gây hại, lâu nay cách trồng cao su của người dân miền Trung vẫn chưa đúng, trong đó cao su tiểu điền trong vùng chịu bão nhưng giống và kỹ thuật trồng chưa đáp ứng, khả năng chống chọi với bão thấp. Người dân một số địa phương thường "tự túc" tìm mua cây giống và hợp đồng với thương lái để cung ứng, do đó nguồn gốc không rõ ràng, không đảm bảo chất lượng.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lệ Ninh, cho rằng để phát triển cao su bền vững, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, người trồng cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, nên chọn trồng trên vùng gò đồi, các vùng đất kín gió, vùng miền núi dọc trục đường Hồ Chí Minh; sử dụng các dòng vô tính do Viện Nghiên cứu cao su VN khuyến cáo cho vùng bắc Trung bộ (RRIM 600, RRIM 712, RRIC100, RRIC121). Việc thiết kế và chọn mật độ phù hợp, thiết kế hàng phải tôn trọng nguyên tắc hướng gió chính và đường đồng mức; nếu vùng đất bằng, trống trải thì nhất thiết phải có đai rừng chắn gió 8 - 10 m vuông góc với hướng gió chính. Đặc biệt, tạo hình tạo cành là giải pháp có ý nghĩa nhất để cây cao su chống chịu với gió bão, không nhất thiết phải bấm đọt và nếu bấm thì từ khoảng cách 3 - 3,5 m. Khâu cạo mủ cũng phải đúng tuổi cây và đường vanh cho phép, không được khai thác sớm.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu cao su VN khuyến cáo cần chọn lọc hoặc lai tạo ra giống cao su có thân cây và tán lá chắc khỏe; chọn, tạo cây có bộ rễ vững chắc để làm gốc ghép, không bật gốc khi có gió mạnh. Tạo bộ tán cây cân đối gồm nhiều tầng cành, tầng dưới cùng có cành lớn, càng lên cao các tầng càng nhỏ dần. Nếu cây cao quá 4 m mà không phân cành thì nên tạo tán cho cây bằng cách khống chế sự phát triển của chồi ngọn như bấm ngọn, cắt vòng vỏ thân cây gần ngọn… Khi các chồi gần ngọn phát triển thành một chùm, cắt tỉa chỉ giữ lại 3 - 4 chồi ở các vị trí hợp lý sao cho tán cây về sau được cân đối. Đặc biệt, khi trồng cần đào hố sâu hơn tạo điều kiện cho rễ cọc phát triển, cây cao su ít bị bật gốc khi có gió mạnh.
Bình luận (0)