Với việc nối lại những chuyến bay thương mại, Iran và Ai Cập chứng minh sự kiên định nỗ lực bình thường hóa và cải thiện quan hệ song phương. Quan hệ này bị gián đoạn từ năm 1979, do Ai Cập ký hòa ước riêng rẽ với Israel, nay dần tan băng sau khi chính biến làm thay đổi chính thể ở Cairo.
Nhiều hiện tượng gộp lại thành xu thế và hiện tượng chứng minh cho bản chất. Điều này hiện có thể thấy được ở mối quan hệ đặc biệt trên ở nhiều phương diện này. Trước tiên là chuyến đi Iran của tân Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi. Sau đó là chuyến thăm Ai Cập của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Cả hai chuyến thăm đều là lần đầu từ năm 1979. Một khi quan hệ chính trị đã thông thì việc khôi phục quan hệ trên tất cả các lĩnh vực khác chỉ là vấn đề thời gian. Cả hai phía có lợi ích thiết thực ở đó và làm như thế sẽ góp phần tăng cường quan hệ chính trị. Không thể loại trừ khả năng Iran và Ai Cập tạo thành cặp bài trùng về ảnh hưởng ở khu vực và trong thế giới Hồi giáo.
Hiện nay, không ít bên ở trong lẫn ngoài khu vực và thế giới Hồi giáo lo ngại thực sự về khả năng hình thành "Trục Cairo - Tehran". Israel và các vương triều ở vùng Vịnh đứng đầu danh sách các bên ấy, tiếp đến là Mỹ và EU. Tất cả số này đều đối địch với Iran nhưng lại chẳng thể không duy trì quan hệ với Ai Cập. Vì thế, họ khó xử trong cả quan hệ với Iran lẫn Ai Cập. Cũng vì thế, sự cải thiện quan hệ Cairo - Tehran là một trong những hệ quả bất ngờ và đáng chú ý nhất của làn sóng chính biến ở khu vực này.
Thảo Nguyên
>> Israel tự tin đối phó vũ khí hóa học của Syria
>> Tên lửa Israel tấn công Syria
>> Israel xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ
>> Tổng thống Obama trình diễn tài diễn thuyết tại Israel
>> Iran dọa san bằng Israel
Bình luận (0)