Chiều 3.8, Hiệp hội Dệt may VN đã họp và ra thông cáo báo chí về vấn đề mức lương tối thiểu.
Theo hiệp hội này, ngành dệt may VN đang có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm… Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) dệt may đang đối mặt với nhiều thách thức như sức ép cạnh tranh về đơn hàng, giá điện, than, phí và phụ phí cảng, tàu biển... tăng. Đặc biệt, tiền lương tối thiểu vùng chỉ tính từ 1.1.2010 đến nay đã tăng 2,2 - 2,3 lần.
“Việc tăng lương tối thiểu vùng hằng năm đi đôi với tăng tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm (BHXH từ 2010 đến 2014 cứ 2 năm tăng thêm 1%) đã ảnh hưởng rất lớn đến DN”, hiệp hội này cho biết.
Cũng theo Hiệp hội Dệt may, nhà nước cần nghiên cứu giảm tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn một cách hợp lý. Theo thống kê của VCCI, các nước trong khu vực như Malaysia đóng khoảng 13%, Philippines 10%, Indonesia 8%, Thái Lan 5%.
“Theo chúng tôi, tăng tiền lương tối thiểu vùng ở mức cao và duy trì tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn cao như hiện nay cũng là một nguyên nhân khiến nhiều DN làm ăn thua lỗ, trốn đóng, chậm đóng BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Theo số liệu của ngành thuế, hiện nay cả nước có khoảng 483.000 DN đang hoạt động, trong đó hơn 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ và gần 70% DN kinh doanh không có lãi. Đây là số liệu đáng báo động để nhà nước cân nhắc khi điều chỉnh tăng lương tối thiểu”, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may VN nêu ý kiến.
Bình luận (0)