'Hiệp sĩ di tích' trong lòng bạn bè: 'Thầy lang' của Hội An

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
28/04/2022 06:40 GMT+7

Ở Di sản văn hóa thế giới Hội An (Quảng Nam), có hẳn một công viên mang tên cố KTS Ba Lan Kazik.

Ở đó có bức phù điêu bằng đá tạc chân dung ông như một sự tri ân sâu sắc người đã dành nhiều tâm sức để đưa khu phố cổ ra với thế giới…

Phải lòng phố cổ

Nhiều người từng làm việc với Kazik tại phố cổ Hội An nhớ như in hình ảnh về ông, một người đàn ông râu ria xồm xoàm, dáng người cao lớn đứng tựa vào bức vách gỗ đã mục trên đường Trần Phú để vẽ dãy phố cổ. Những nét phác thảo của ông vào một năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước đã bắt đầu cho công cuộc gìn giữ các giá trị của khu phố cổ. Để rồi nhiều năm sau đó, chính KTS Kazik là người đã miệt mài đưa hình ảnh Hội An ra với thế giới.

Để có được một Hội An thu hút du khách như hôm nay, KTS Kazik là người đã nhìn thấy và kỳ công quảng bá ra thế giới

HOÀNG SƠN

Ông Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, một người gần gũi và thường xuyên làm việc với cố KTS Kazik - kể rằng hồi tháng 7.1982, rời thung lũng Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên) hừng hực hơi nóng và đầy vắt, bom mìn sót lại sau chiến tranh, ông đến Hội An để thăm thú nhân một ngày cuối tuần. “Phố Hội nghèo, buồn, lặng lẽ. Những ngôi nhà cũ nát dọc đường Trần Phú dưới nắng trưa hè càng thêm tàn tạ, vắng vẻ… Nhưng thật lạ lùng, dưới mắt Kazik, các ngôi nhà là di tích “thật tuyệt vời”, “vô cùng giá trị”... Bắt đầu từ khoảnh khắc ấy, chính anh lại là người dẫn đường thuyết minh”, ông Minh nhớ lại.

Niềm say mê tìm hiểu, nghiên cứu của vị chuyên gia xa lạ Kazik đã truyền cảm hứng cho những người đi cùng. Còn những người dân Hội An khi thấy Kazik đã thốt lên 2 từ: “thầy lang”. “Thầy lang” là tên một bộ phim của Ba Lan được chiếu cả tháng trời tại rạp 29.3, TX.Hội An (cũ) vào năm 1981. Vì ngoại hình cao lớn, râu tóc rậm như nhân vật trong phim, người phố cổ cứ ngỡ “thầy lang” đến Hội An để chuẩn bị cho một cảnh quay nào đó. Họ tụ tập ven đường, xôn xao bàn tán.

“Anh nói với Bí thư thị xã lúc bấy giờ rằng: Các bạn đang nắm giữ trong tay mình cả một kho báu... Sự xuất hiện của anh giữa phố như một sự kiện lạ và truyền vào di tích luồng sinh khí mới”, ông Nguyễn Đức Minh kể, trở về lại Văn phòng UBND TX.Hội An, Kazik đã bày tỏ sự xúc động đặc biệt của mình về một khu phố cổ còn nguyên vẹn. Ông khẳng định quyết tâm của mình sẽ dành những ngày nghỉ cuối tuần trong công việc ở Mỹ Sơn để vẽ ghi di tích kiến trúc Hội An mà không cần bất cứ một thù lao hoặc đãi ngộ nào khác.

Người “châm ngòi” 2 sự kiện chấn động

Vẫn theo lời kể của ông Minh, khởi đầu từ cuối năm 1982 rồi liên tục trong những năm 1983 - 1984, Kazik đã cùng các KTS của Trung tâm Thiết kế tu bổ di tích T.Ư (nay là Viện Bảo tồn di tích) cặm cụi vẽ các di tích lên các loại bản đồ, sơ đồ mặt bằng khu phố cổ để hướng dẫn địa phương các loại hồ sơ trình T.Ư xếp hạng di tích quốc gia. “Sau hơn 20 lần đến sống và làm việc tại Hội An, mãi đến khi trở lại Hội An lần cuối, Kazik vẫn không cắt nghĩa nổi lòng mình. Anh chỉ có thể nói: Tôi bị Hội An mê hoặc và tôi tương tư Hội An”, ông Minh nói.

Theo lời ông Minh, để củng cố và quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa của quần thể di tích phố cổ Hội An, Kazik đã không ngừng kêu gọi và tác động các nhà khoa học, các cơ quan chức năng. “Năm 1985, bạn bè gọi đùa Kazik là “ngòi nổ” của 2 sự kiện chấn động trong, ngoài nước. Một là vào tháng 3, khu phố cổ Hội An đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Hai là, vào tháng 7, lần đầu tiên Hội An mở hội nghị khoa học cấp quốc gia quy tụ hàng trăm đại biểu, nhà khoa học. Riêng KTS Kazik có một bài tham luận khoa học đầy tâm huyết, đánh giá chuẩn xác, mẫu mực về giá trị kiến trúc cổ Hội An”, ông Minh tiếp lời.

Bí thư Thành ủy Hội An Trần Ánh (nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An) cho rằng nếu ở thánh địa Mỹ Sơn, Kazik trực tiếp làm công tác tu bổ thì ở Hội An, ông dành tâm sức cho việc ghi chép, thực hiện các bản vẽ về nhà cổ. “Kazik cho rằng phố cổ nguyên vẹn đến kỳ lạ khi đi qua các cuộc chiến tranh khốc liệt, từ đó trở thành di sản hiếm có không những trong nước mà mang giá trị tầm cỡ nhân loại. Chính ông là người phát hiện và đánh giá chính xác giá trị của quần thể di tích Hội An. Ông đã tác động Bộ Văn hóa (lúc đó) dành sự quan tâm cho phố cổ, để rồi từ đó T.Ư đã cử các đoàn chuyên gia vào nghiên cứu, kịp thời ghi lại những bản vẽ và có giải pháp gia cố, chống đỡ trước khi bị đổ sập… Công lao của Kazik là hết sức lớn lao, người dân Hội An luôn ghi nhớ điều đó”, ông Ánh đánh giá.

Hình ảnh Kazik khắc họa trong lòng người dân Hội An không chỉ như một vị “thầy lang” tốt bụng bước ra từ phim ảnh mà ông cũng là “thầy lang chẩn bệnh” cho nhà cổ.

Người Hội An soạn mâm giỗ Kazik

Bí thư Thành ủy Hội An Trần Ánh kể, năm 2007, sau 10 năm Kazik qua đời, chính ông là người đã tham mưu cấp trên thành lập công viên Kazik và đặt bức phù điêu tạc chân dung của vị cố KTS. “Chính quyền Hội An luôn trân trọng những công lao của Kazik và cố gắng thể hiện lòng biết ơn. Nhưng cao quý hơn cả là hình tượng của Kazik luôn sống trong lòng người dân Hội An. Vào ngày giỗ của ông hằng năm (19.3), người dân P.Minh An không ai bảo ai đều thành tâm tưởng nhớ và tự soạn mâm cúng Kazik. Một người phương Tây được làm giỗ như một người VN”, ông Ánh nói.

Tại công viên này, ngày 18.3.2022 vừa qua, TP.Hội An tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm ngày mất KTS Kazik, có sự tham dự của ông Wojciech Gerwel, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ba Lan tại VN.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.