'Hiệp sĩ' ở Hoàng Sa

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
20/06/2023 09:09 GMT+7

Can trường bám biển Hoàng Sa suốt mấy chục năm qua, ngư dân Lê Văn Ninh không chỉ gan lì trong bám ngư trường đánh bắt mà còn ra tay vớt những thi thể trôi dạt, mang về đất liền chôn cất tử tế.

Hoàng Sa là nhà

Mất vài lần hẹn cộng thêm nhiều ngày chờ đợi, cuối cùng tôi cũng gặp được ngư dân Lê Văn Ninh (58 tuổi, trú tại P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) ở cảng cá Thọ Quang. Ông vừa trở về sau chuyến biển kéo dài hơn nửa tháng. Nghỉ ngơi vài ngày để 6 anh em đi bạn (thuyền viên) thăm gia đình, tàu cá ĐNa 90072 (công suất 480 CV, do ông Ninh làm chủ) sẽ lại trực chỉ ngư trường truyền thống Hoàng Sa để hành nghề lưới chuồn.

"Từ đầu năm đến nay, mỗi chuyến biển, anh em đi bạn đều thu về trên 10 triệu đồng. Bối cảnh biển giã ngày càng khó khăn, có được thu nhập cho anh em vậy là mừng lắm", vừa sửa lại tấm lưới, ông Ninh vừa kể.

'Hiệp sĩ' ở Hoàng Sa - Ảnh 1.

Ngư dân Lê Văn Ninh chuẩn bị lưới cho chuyến biển mới

Đi bạn cho các tàu từ lúc 16 tuổi, ông Ninh hiểu được rằng để tàu cá có thể thường xuyên hiện diện, góp phần bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa thì trước hết phải giữ được chân thuyền viên. Với kinh nghiệm của mình, con tàu do ông lèo lái luôn kịp thời thích nghi với nhiều nghề biển khác nhau. Có thời điểm, chỉ trong vài năm, ông chuyển từ nghề câu mực qua lưới vây rồi sang lới chuồn để tranh thủ đánh bắt nguồn hải sản phong phú ở Hoàng Sa. Bởi vậy, trong khi nhiều tàu bạn bó gối nằm bờ vì thiếu lao động thì tàu ông lúc nào cũng đủ người để vươn khơi.

"Tui sinh ra trong một gia đình ngư dân quê gốc tại P.Xuân Hà (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng). Nhờ chăm chỉ và có năng khiếu đi biển mà năm 24 tuổi tui đã là một tài công được nhiều chủ tàu mời gọi. Nhưng nhà nghèo, mãi đến năm 2008 tui mới tích cóp đủ tiền để hạ thủy con tàu ĐNa 90072. Suốt 15 năm qua, tàu này cùng tui rong ruổi khắp ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt hải sản. Nó là bạn, còn Hoàng Sa là nhà…", ông Ninh chia sẻ.

42 năm ở ngư trường Hoàng Sa đầy bất trắc, ông chưa bao giờ có ý định bỏ biển. Năm 2001, khi tái định cư về P.Hòa Minh, nhiều người hỏi ông "sao không đổi nghề khác cho gần nhà?". Ông thật lòng bảo, về nhà thăm vợ con vài ngày thì được, chứ nghỉ dài ngày hơn là lòng đã bồn chồn, nhớ biển không yên.

Treo lại lá cờ Tổ quốc ở mũi tàu chuẩn bị cho chuyến biển mới, ông Ninh nói ở ngư trường, tàu của phía Trung Quốc (TQ) luôn đe dọa và có hành vi gây hấn thô bạo. Năm 2020, khi đang cho tàu đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, tàu ông bị tàu hải cảnh của TQ lao đến, kéo còi uy hiếp. Ông Ninh trấn an anh em thuyền viên, kiên quyết không chịu cho tàu đi nơi khác. Thấy vậy, tàu hải cảnh TQ tiếp tục áp sát, dọa đâm vào đuôi tàu cá. Thấy không làm gì được, phía tàu TQ đã thả ca nô xuống và lấy đi mấy chục tấm lưới cùng phao định dạng, gây thiệt hại hàng chục triệu đồng.

"Trước quyết tâm của bọn tui không rời vùng biển chủ quyền, sau 15 phút quần thảo, tàu TQ đã bỏ đi… Tết năm 2021, khi vừa từ đất liền ra Hoàng Sa hành nghề lưới chuồn, tàu tui tiếp tục bị tàu TQ kéo còi xua đuổi. Thấy hù dọa không được gì, phía TQ đã uy hiếp và thu của tui 50 tấm lưới, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Tui động viên anh em không nao núng, tiếp tục bám vị trí để đánh bắt. Hoàng Sa là nhà của mình, không ai đuổi chủ ra khỏi nhà được", ông Ninh nhớ lại.

Mua đất chôn cất người dưng

Gan lì bám biển Hoàng Sa để đánh bắt, ngư dân Lê Văn Ninh khiến nhiều người nể phục. Còn nghĩa cử mua đất để chôn cất những người trôi dạt trên biển của ông được mọi người trân trọng gọi đó là "hành động của một hiệp sĩ". Số là, trong những chuyến biển của mình quanh ngư trường truyền thống, ông gặp các thi thể trôi dạt. Trong khi các thi thể biến dạng khiến nhiều người sợ hãi mà lờ đi, ông lại sẵn sàng bỏ luôn chuyến biển để mang họ về bờ. Ông bỏ tiền mua đất, lo hậu sự rồi chôn cất, thờ phụng những người xấu số cứ như người thân của mình.

Cách đây 15 năm, tàu ông Ninh đang câu mực thì từ thuyền thúng của một ngư dân, ông nhận được tin báo có một thi thể không còn nguyên vẹn đang nổi lên. Lúc này, các ngư dân phần vừa sợ, phần vừa lo phải bỏ chuyến biển chỉ mới bắt đầu có vài ngày, nên khuyên ông Ninh cân nhắc việc vớt xác hay không. "Tui không cần suy nghĩ mà kêu anh em gom thúng lại nơi phát hiện thi thể rồi cùng nhau vớt lên. Xong xuôi, tui cho tàu chạy một mạch về bờ, vừa đi vừa liên hệ chính quyền địa phương, lực lượng chức năng để làm các thủ tục cần thiết. Sau 48 giờ, tàu cập bờ, pháp y làm thủ tục xong thì tui xin được đem đi chôn cất", ông Ninh kể.

Hồi đó, dù gia đình chẳng khá giả gì nhưng ông đã bàn và được vợ đồng ý bỏ ra 10 triệu đồng mua thửa đất rộng chừng 20 m2 làm nơi chôn cất. Thi thể vô danh được ông lấy họ Lê của mình và khắc lên bia mộ tên Lê Văn Được. Ông lại bỏ thêm tiền xây mộ để người đã khuất có nơi nằm lại tử tế. Ông bảo, người xấu số trôi dạt tìm đến ông như một cái duyên, nên chưa nói đến chuyện tâm linh của một người đi biển thì lương tâm của một người dân bình thường không cho phép ông bỏ họ lại giữa lạnh lẽo đại dương. Và lần nữa, năm 2015, trong khi hành nghề lưới vây ở vùng biển Hoàng Sa, tàu cá của ông Ninh lại gặp một thi thể đang trong tình trạng phân hủy.

'Hiệp sĩ' ở Hoàng Sa - Ảnh 2.

Thay lại cờ Tổ quốc sau mỗi chuyến biển

"Tôi nhận được tin báo liền cho anh em vớt lên tàu. Mọi công việc trên tàu đều dừng lại để chạy về bờ trong suốt 12 tiếng. Người dân kéo đến đông lắm, rồi chung tay hỗ trợ mỗi người một ít để lo hậu sự. Tôi đặt tên cho thi thể là Lê Văn Lượm và đem an táng bên cạnh anh Được đã chôn cất trước đó", ông Ninh kể. Để vong linh người xấu số không quạnh quẽ, tết năm nào vợ chồng ông Ninh cũng đến nơi chôn cất để quét vôi, thắp nhang và cúng vái y như người thân của mình. Ông còn thỉnh bát nhang về thờ trong nhà. Đến năm 2015, khi phát hiện thi thể thứ hai, ông Ninh mới thỉnh cả 2 bát nhang lên chùa để được nhang khói cho ấm cúng hơn.

Giúp người xấu số có nơi an nghỉ khiến tâm can cảm thấy nhẹ nhõm thì giúp những tàu cá bị nạn làm ông Ninh thấy đời đi biển của mình ý nghĩa hơn. Nhiều người vẫn còn nhắc câu chuyện, nếu không được tàu của ông Ninh cứu kịp thời thì có lẽ 7 người trên tàu của ông Trần Văn Út (trú tại P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi. Đó là mùa mưa năm 2012, tàu của ông Út bị hỏng máy, điện báo cấp cứu về đất liền. Giữa lúc sóng to gió lớn, tàu cứu hộ đang kéo tàu bị nạn về đất liền thì bất ngờ bị đứt dây. Tàu cá bị chìm, cả 7 ngư dân trên tàu rơi xuống biển. Nhận được tin báo, ông Ninh đang đánh bắt gần đó đã cho tàu đến cứu vớt các ngư dân lên tàu, chăm sóc và đưa vào bờ an toàn.

"Cứu tàu và giúp những ngư dân khác là việc phải làm của đời ngư phủ. Còn vớt thi thể xấu số về chôn cất thì không ai "ép" mình phải làm. Còn tui, tui chỉ làm theo những gì lương tâm mình mách bảo. Không chỉ khiến lòng được thanh thản mà tui cũng thấy mình được các vong linh phò trợ, gặp may mắn trong những chuyến biển", ông Ninh trải lòng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.