Phương thức tập hợp thanh niên trên không gian mạng
Trong những ngày tháng cam go nhất của đại dịch Covid-19, cổng thông tin Kết nối tình nguyện TP.HCM - Go Volunteer do Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM thành lập đã hiệu triệu được hàng chục ngàn thanh niên, tình nguyện viên cùng quên mình tham gia hỗ trợ chống dịch.
Đến nay, Cổng thông tin Kết nối tình nguyện TP.HCM tiếp tục phát huy vai trò là kênh thông tin, kết nối các bạn trẻ có mong muốn làm tình nguyện vì cộng đồng. Từ khoảng 100 tình nguyện viên ban đầu, đến nay nhóm đã có hơn 73.000 tình nguyện viên, với đa dạng về thành phần. Sự hiệu quả không chỉ thấy được ở những chương trình, chiến dịch tình nguyện trọng điểm của Đoàn, Hội mà trong những tình huống, sự cố bất ngờ xảy ra, Cổng thông tin Kết nối tình nguyện TP.HCM đã phát huy được tối ưu những lợi thế hiệu triệu và kết nối thanh niên. Như trong thời gian bão Yagi tàn phá miền Bắc, cũng ngay lập tức đội hình thanh niên tình nguyện của TP.HCM được hiệu triệu trên không gian mạng, kịp thời tham gia hỗ trợ nhân dân các tỉnh phía bắc khắc phục hậu quả cơn bão gây ra…
Anh Ngô Minh Hải, Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM, cho biết năm 2021 trong thời điểm cam go của đại dịch Covid-19, Cổng thông tin Kết nối tình nguyện TP.HCM ra đời là một trong các giải pháp trọng điểm của Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM, Hội Sinh viên TP.HCM để triển khai các hoạt động tình nguyện hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
"Với hoàn cảnh hết sức đặc biệt, tính chất hoạt động có nhiều thay đổi, yêu cầu nhiệm vụ mang tính đặc thù, nhất là khi thành phố thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ, đòi hỏi phải có một phương thức tập hợp mới, phù hợp để đoàn kết thanh niên tham gia chống dịch Covid-19. Đối diện với nhiều thách thức và khó khăn về tình hình tại thời điểm này, đòi hỏi tổ chức Đoàn, Hội của thành phố phải nhanh chóng hình thành một phương thức, cách làm mới để làm sao vừa lan tỏa, có tính hiệu triệu cao, vừa thu hút được sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt nhất là phải vượt qua những rào cản về mặt địa lý, không gian. Và Cổng thông tin Kết nối tình nguyện TP.HCM ra đời", anh Ngô Minh Hải nhìn nhận.
Trong thời điểm của đại dịch, Go Volunteer đã tập hợp được hơn 71.000 tình nguyện viên tham gia nhóm; kết nối và triển khai hơn 105.000 lượt tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống dịch. Từ lực lượng tình nguyện viên tập hợp được qua mạng xã hội đã triển khai 27 đội hình phản ứng nhanh cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh.
Anh Ngô Minh Hải cho biết việc triển khai tập hợp các đội hình tình nguyện và tình nguyện viên phòng, chống dịch qua nhóm Go Volunteer mang tính tạo mẫu cao, được các cơ sở Đoàn trực thuộc và ngoài thành phố học tập, triển khai. Đã tập hợp được hơn 231 đội, nhóm, hội tình nguyện bên ngoài tham gia cùng các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó tập hợp được rất nhiều thành phần mà trước nay chưa tham gia…
Trong 3 năm từ năm 2022 đến nay, Cổng thông tin Kết nối tình nguyện TP.HCM đã tập hợp được 73.000 thành viên, tiếp tục là kênh hiệu triệu lực lượng thanh niên hiệu quả của Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM.
Tại ngày hội Tình nguyện quốc gia năm 2023, từ Go Volunteer đã tuyển chọn được 5.000 tình nguyện viên tham gia đồng diễn vũ điệu tình nguyện và các hoạt động trong khuôn khổ ngày hội. Tuyển chọn gần 1.000.000 thanh niên tham gia đăng ký các chương trình, chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện và ra quân thực hiện các nhiệm vụ trong các đợt cao điểm... Có thể nói Go Volunteer là một sự đổi mới rất hiệu quả trong phương thức tập hợp thanh niên, phù hợp với tình hình, nhu cầu của thanh niên ngày nay; là một kênh hiệu quả trong việc hiệu triệu, kết nối người trẻ cùng cống hiến, chung tay vì cộng đồng.
Rừng phòng hộ do thanh niên quản lý
Một trong những vấn đề được cả xã hội quan tâm hiện nay là bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Trong suốt thời gian qua, thanh niên cả nước luôn tiên phong với những mô hình hay, cách làm sáng tạo để chung tay thực hiện hiệu quả các giải pháp cho vấn đề này.
Trong đó, thanh niên xứ dừa Bến Tre đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao nhận thức và năng lực để xây dựng "Bến Tre xanh" giai đoạn 2021 - 2026. Và một trong những công trình tiêu biểu của đề án được triển khai từ năm 2022 là công trình "Rừng phòng hộ do thanh niên quản lý" tại Cồn Đất (cù lao Đất), thuộc địa phận ấp An Bình, xã An Hiệp, H.Ba Tri.
Để thực hiện được công trình này, đó là thành quả của sự dấn thân, không quản ngại khó khăn của thanh niên Bến Tre; là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng vô cùng ý nghĩa.
"Chúng tôi cùng nhau vượt qua những vất vả, thức đêm canh con nước ròng, lội bùn lầy vào lúc 3 giờ sáng để trồng những cây bần chua; hay dầm mình dưới mưa, nắng gắt để trồng những cây giữ đất. Những cánh tay mỏi nhừ, mồ hôi ướt đẫm, nhưng cái cảm giác nhìn thấy cây xanh được vun trồng, bảo vệ cho môi trường thật khó tả. Công trình không chỉ giúp cải thiện hệ sinh thái mà còn thể hiện tinh thần cống hiến của thanh niên trong bảo vệ thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu", anh Phan Thanh Trẻ, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bến Tre kể về những ngày tháng vất vả nhưng vô cùng ý nghĩa khi thực hiện công trình.
Công trình được chia thành 7 giai đoạn để thực hiện từ năm 2022 đến 2027 và tầm nhìn đến năm 2035. Tại giai đoạn 1 và 2, đoàn viên, thanh niên và người dân tại địa phương đã trồng thí điểm 9.270 cây bần chua. Mục tiêu hướng đến của công trình là trồng (dự kiến 30.000 cây xanh) và đẩy mạnh phủ xanh cồn cát, xây dựng thành công mô hình "Rừng phòng hộ do thanh niên quản lý" trên địa bàn H.Ba Tri, đồng thời nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh.
Trong suốt giai đoạn triển khai thực hiện công trình, tổ chức Đoàn, Hội các cấp đã phát huy vai trò, tính xung kích, tiên phong trong vận động xã hội hóa kinh phí thực hiện; chủ động ươm tạo nguồn cây giống tại địa phương để bổ sung vào nguồn cây thực hiện công trình; đồng thời, phát động các đợt ra quân trồng, chăm sóc cây tại rừng nhân các dịp cao điểm như: Tháng Thanh niên, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Ngày Môi trường thế giới...
Anh Phan Thanh Trẻ cho biết công trình đã giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư và nhất là lực lượng đoàn viên, thanh niên đối với công tác phát triển rừng và trồng cây xanh gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, phát triển du lịch xanh và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Tiên phong trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và tạo động lực phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp luôn tiên phong đi đầu ứng dụng chuyển đổi số trong công tác Hội và phong trào thanh niên.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Thái Nguyên tích cực triển khai công trình thanh niên "Chuyển đổi số trong tuyên truyền, quảng bá điểm du lịch, địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa" đem lại hiệu quả tích cực.
Chị Phạm Thị Thu Hiền, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, cho biết toàn tỉnh có 39 công trình "Chuyển đổi số trong tuyên truyền, quảng bá điểm du lịch, địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa". Việc số hóa, tích hợp thông tin, hình ảnh về điểm di tích trên nền tảng QR mang đến trải nghiệm sinh động cho người dùng, cho phép người sử dụng nhanh chóng tiếp cận thông tin về các địa điểm, đồng thời xem toàn cảnh của địa điểm một cách trực quan, sinh động nhất.
"Việc triển khai mô hình đã thể hiện tính xung kích, sáng tạo và tiên phong ứng dụng chuyển đổi số của thanh niên trong công tác tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống và góp phần quảng bá du lịch, thúc đẩy du lịch thông minh. Việc triển khai mô hình đã mang lại nhiều lợi ích trong nâng cao công tác tuyên truyền, tiết kiệm chi phí và lan tỏa sâu rộng trong xã hội", chị Thu Hiền nhìn nhận.
Trong thời gian tới, chị Thu Hiền cho biết Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và chỉ đạo các cấp bộ Hội trong toàn tỉnh đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong các hoạt động của Hội, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng các công trình số hóa di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh.
Bình luận (0)