|
Thay đổi cách sản xuất
Theo một cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, mô hình CĐMD ở H.Giồng Trôm hiện là mô hình độc nhất trên cả nước về quy mô lẫn số hộ dân tham gia.
Ông Huỳnh Thanh Hùng, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, người khởi xướng và rất tâm huyết với mô hình này, cho biết vào tháng 7.2012, mô hình CĐMD được triển khai trên địa bàn xã Châu Bình với quy mô gần 1.200 ha với gần 1.800 hộ dân tham gia. Mô hình này đã giúp nông dân liên kết, hỗ trợ lẫn nhau theo quy trình sản xuất tiến bộ, góp phần thay đổi tập quán canh tác truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Anh Trần Văn Công, một nhà vườn ở xã Châu Bình, nói: “Ngoài việc được hỗ trợ các yếu tố đầu vào như cây giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật… nông dân tham gia mô hình còn bán dừa với giá cao hơn thị trường. Phấn khởi nhất là đầu ra của trái dừa đều được các doanh nghiệp bao tiêu”. Đa phần các hộ dân tham gia mô hình đều tỏ ra hết sức tâm đắc bởi về lâu dài, vườn dừa của người dân được cải tạo một cách bài bản, tươi tốt và cho năng suất cao hơn.
Cũng theo ông Hùng, mô hình CĐMD đã tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” với nhau. Theo đó, mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp; giữa nông dân với doanh nghiệp thu mua sản phẩm dừa; nông dân và nhà khoa học qua việc thành lập tổ hướng dẫn kỹ thuật hỗ trợ quy trình sản xuất tiên tiến; nông dân với Nhà nước đã giúp người trồng dừa tổ chức lại sản xuất, vay vốn đầu tư, vận động doanh nghiệp tham gia mô hình…
Nhân rộng mô hình
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Nam, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, cho biết: “Qua gần 2 năm triển khai, mô hình CĐMD nhận được sự đồng tình rất lớn của bà con. Để mô hình này đem lại hiệu quả cao nhất, chúng tôi đang triển khai thí điểm mô hình trồng mẫu, qua đó giúp bà con nông dân quan sát, học tập, truyền đạt kinh nghiệm, trao đổi về mật độ và diện tích trồng dừa”.
Ngoài lợi nhuận từ cây dừa, mô hình trên còn giúp người dân địa phương kiếm thêm từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng bằng cách tham gia sơ chế dừa trái tại các điểm thu mua.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, trong quá trình thực hiện mô hình, ngành nông nghiệp tỉnh còn định hướng cho nhà vườn thực hiện một số mô hình nuôi trồng xen canh trong vườn dừa như: trồng cây ca cao, chanh, bưởi; nuôi ong lấy mật… để tăng thêm thu nhập. Song song đó, ngoài các công ty đã liên kết, ngành nông nghiệp địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp khác tham gia vào mô hình. Theo đó, những công ty này sẽ phối hợp với nhà khoa học tổ chức các lớp hội thảo, tập huấn; cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm cho người dân... “Mô hình CĐMD là loại hình kinh tế hợp tác có tính chất bền vững, giúp người dân cùng nhau liên kết làm ăn, không lo về đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Ngoài việc mở rộng thực hiện CĐMD ở các địa phương có diện tích trồng dừa lớn, trong thời gian tới, tỉnh đang có kế hoạch thực hiện dự án cải tạo hàng ngàn héc ta dừa kém hiệu quả”, ông Nam cho biết thêm.
Nguyễn Đức
>> Trồng dừa sáp thu nhập cao
>> Trên 50 tỉ đồng hỗ trợ người trồng dừa
>> Tôn vinh người trồng dừa Bến Tre
Bình luận (0)