Hình ảnh loài vật trong văn học Việt bị bỏ quên?

02/06/2009 10:12 GMT+7

Có vẻ như các nhà văn và những cây bút trẻ hôm nay chỉ chuyên tâm khai thác đời sống và tâm tư đa chiều của giới trẻ hơn là một lần thử sức tìm hiểu và mang hình ảnh của loài vật vào trong tác phẩm của mình.

Loài vật xuất hiện trong các tác phẩm văn học luôn tạo ấn tượng đẹp với người đọc. Chọn loài vật làm nhân vật chính đôi khi mang đến giá trị biểu đạt ẩn dụ nội dung to lớn. Thế nhưng, văn học Việt cho thiếu nhi đã thiếu lại càng vắng hơn tác phẩm khai thác về thế giới loài vật.

Văn học nước ngoài: Đa dạng

Không khó tìm các tác phẩm khai thác về loài vật ở văn học nước ngoài. Những “nhân vật đặc biệt” này được các nhà văn thế giới khai thác ở nhiều góc độ, với những cuộc phiêu lưu kỳ thú, lạ lẫm và hấp dẫn.

Sự xuất hiện mới đây của tác phẩm Kiến (Bernard Werber, vừa được Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành) đã mang đến nhiều bất ngờ cho độc giả. Tác giả khai thác thế giới loài kiến khá chi tiết và sống động. Kiến vừa là tiểu thuyết giả tưởng vừa giống như một công trình nghiên cứu khoa học. Tác phẩm đủ sức khơi dậy sự tò mò muốn tìm hiểu của độc giả và được dẫn dắt một cách thu hút bằng các câu chuyện song song về thế giới loài người. Đợt ra mắt sách dịp hè của Nhã Nam còn có thêm nhiều tác phẩm về loài vật như Cá sấu Ghena và các bạn của nhà văn Nga Eduard Uspenski, Chuyện con mèo dạy hải âu bay của nhà văn Luis Sepúlveda.

Xây dựng hình ảnh loài vật là không dễ

Nhà văn Trần Quốc Toàn ưu tư: “Tôi thấy cũng có vài ba tác phẩm khai thác hình ảnh loài vật ra đời trước đó. Nhưng có thể là chưa nhận được quan tâm đúng mực chăng? Bản thân tôi cũng đang chủ định thực hiện một cuốn sách về con cua đinh theo thể loại truyện kết hợp với hình ảnh. Theo tôi, viết về loài vật không quá khó, vì đôi lúc cũng không cần phải nắm bắt được hết những đặc tính của loài vật mới có thể chuyển tải trong tác phẩm. Dù sao thì hình ảnh loài vật cũng là một cách để người viết dẫn dắt đến những vấn đề của con người”.

Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng: “Viết cho thiếu nhi không dễ. Người viết phải thật sự toàn tâm toàn ý và không nghĩ gì đến sự thành bại thì mới đạt được”.

Được khai thác nhiều nhất - nhưng chưa bao giờ gây nhàm chán cho người đọc - là chó, loài vật gần gũi và trung thành nhất với con người. Từ Chó hoang Đin-gô của nhà văn Nga R. Phar Er Man, Tiếng gọi nơi hoang dã, Nanh trắng của Jack London đến Chú chó Shiloh của Phyllis Reynolds Naylor hay Con Bim trắng tai đen của G. Trôiepônxki... mỗi tác phẩm đều để lại những ấn tượng thật sâu trong lòng người đọc. Bởi không chỉ là những miêu tả về thế giới của loài vật trung thành này, mà tác phẩm nào cũng lồng ghép vào đó số phận bi thương và những cung bậc cảm xúc mang chất - người cho các nhân vật đặc biệt.

Còn tác giả người Mỹ Stuart Avery Gold lại chọn hình ảnh con ếch để làm bật lên khát vọng mãnh liệt muốn vươn ra ngoài biển lớn. Ước vọng tưởng chừng như xa vời này của chú ếch Ping (trong tác phẩm Ping - Vượt khỏi ao tù và Ping – Hành trình ra biển lớn) đã làm thổn thức hàng triệu trái tim độc giả khắp thế giới. Hay như chú ong Buzz với hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống trong Tồn tại hay không tồn tại (Jonh Penberthy) cũng hàm chứa nhiều bài học sâu xa. Riêng Đồi thỏ của nhà văn Anh Richard Adams lại được so sánh như một thiên sử thi hào hùng về hành trình di cư vĩ đại của loài thỏ cùng cuộc đấu tranh sinh tồn khốc liệt với thiên nhiên và cả con người. Đồi thỏ đã vinh dự được bầu chọn là một trong những tác phẩm văn học hay nhất mọi thời đại.

Thiếu vắng trong văn học Việt Nam 

Trong đợt phát hành sách mới nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 vừa qua, NXB Kim Đồng và Công ty Sách Thương Huyền cho ra mắt tác phẩm Ngàn dặm xa của tác giả Nguyễn Đình Chính. Đây là câu chuyện dễ thương về cuộc phiêu lưu của nhân vật kiến nâu, được khai thác với nhiều chi tiết mang chất huyền thoại cùng với trí tưởng tượng phong phú và thông minh của người viết. Có thể nói, Ngàn dặm xa là một tác phẩm văn học chọn hình ảnh loài vật làm nhân vật chính hiếm hoi của văn học Việt hiện nay.

Kể từ sau Dế mèn phiêu lưu ký – tác phẩm xây dựng hình ảnh dế mèn tuyệt vời của nhà văn Tô Hoài, chinh phục bao thế hệ độc giả; hay với tác phẩm xúc động Chó Bi, đời lưu lạc của nhà văn Ma Văn Kháng thì văn học Việt gần như vắng hẳn những tác phẩm văn học lấy loài vật làm nhân vật trung tâm. Gần đây, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bắt đầu làm sống lại nhân vật loài vật trong tác phẩm văn học bằng Tôi là Bêtô; trước đó là Xin lỗi mày, Tai To – 1 tập trong bộ truyện Kính vạn hoa. Nhà văn Lý Lan cũng thử sức với tác phẩm Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen, khai thác nhân vật là những vật dụng trong nhà hay những loài vật gần gũi. Nhà văn Lưu Thị Lương cũng khẽ chạm vào thế giới loài vật với nhân vật con cá trong tác phẩm Con cá mày ở trong nhà hay nhà văn Trần Quốc Toàn với 12 con giáp...

Viết về loài vật sẽ khó, nếu không có sự quan sát và thiếu độ cảm nhận sâu sắc về thế giới đầy hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức này. Nhưng có vẻ như các nhà văn và những cây bút trẻ hôm nay chỉ chuyên tâm khai thác sâu những lát cắt của đời sống và tâm tư đa chiều của giới trẻ hơn là một lần thử sức tìm hiểu và mang hình ảnh của loài vật vào trong tác phẩm của mình.

Theo Tiểu Quyên / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.