Hình ảnh người lính bảo vệ biển đảo vào đề thi văn

02/07/2015 10:41 GMT+7

(TNO) Nhiều thí sinh cho biết đề văn năm nay có nhiều vấn đề gần gũi cuộc sống, chẳng hạn quan niệm về tầm quan trọng của kỹ năng sống, cách nhìn về bạo lực và sự vô cảm. Đặc biệt, trong phần nghị luận văn học, thí sinh được thể hiện tình cảm của mình với người lính đảo.

(TNO) Sáng nay 2.7, thí sinh cả nước bước vào ngày thi thứ hai của kỳ thi THPT quốc gia với môn văn. Nhiều thí sinh cho biết đề văn năm nay có nhiều vấn đề gần gũi cuộc sống, chẳng hạn quan niệm về tầm quan trọng của kỹ năng sống, cách nhìn về bạo lực và sự vô cảm. Đặc biệt, trong phần nghị luận văn học, thí sinh được thể hiện tình cảm của mình với người lính đảo.

* Bước ra từ Hội đồng thi ĐH Quốc gia TP.HCM, thí sinh Nguyễn Nhật Trường (học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám) cho biết hoàn thành bài thi sớm với 5 trang bài làm và hy vọng đạt 6 điểm.
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Trần Ngọc Thái Nguyên (HS Trường THPT Nguyễn Chí Thanh) cho hay, đề thi có nhiều vấn đề gần gũi cuộc sống, đặc biệt giới trẻ. Chẳng hạn quan niệm về tầm quan trọng của kỹ năng sống, cách nhìn về bạo lực và sự vô cảm. Ngay trong phần nghị luận văn học, thí sinh được thể hiện tình cảm của mình với người lính đảo. 
Tại Hội đồng thi ĐH Quốc gia TP.HCM, sau 2/3 thời gian làm bài của môn văn, nhiều thí sinh đã rời khỏi phòng thi và cho biết đề thi văn năm nay không quá khó nhưng dài với 8 câu chia làm hai phần.
Nói về tình cảm người lính đảo trong đề thi văn, thí sinh Phạm Đức Thắng (học sinh Trường THPT Thanh Bình, Đồng Nai) cho biết đã thể hiện được nhiều tình cảm riêng trong bài thi. Từ hình ảnh người nhà là lính đảo, Thắng cho biết cảm nhận rất rõ những hy sinh tuổi thanh xuân để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. "Em chỉ có thể gói gọn tình cảm mình dành cho người lính bằng 2 từ: trân trọng và yêu thương", Thắng chia sẻ. (Hà Ánh, ghi)
Thí sinh Đỗ Thị Minh Thư (ở Long Khánh, Đồng Nai): "Điểm học kỳ môn văn vừa rồi của em được 6.5. Đề văn này em làm khoảng 50-60%. Đề năm nay có 8 câu chia làm 2 phần, đề hơi dài. Phần đọc hiểu giúp chúng em dễ có điểm. Theo em nhận thấy đề văn năm nay hướng thí sinh vận dụng nhiều kiến thức xã hội".
Thí sinh Lê Tuấn Anh (60 tuổi, thi tại điểm thi Trường đại học Sự phạm Kỹ thuật TP.HCM) nhận xét: "Đề văn rất thú vị. Về hình tượng người phụ nữ trong 'Chiếc thuyền ngoài xa' gợi cho tôi về người phụ nữ lam lũ sống ở biển, đông con và có đức tính cam chịu. Người phụ nữ trong tác phẩm khiến tôi xúc động và cảm thông trước thân phận nghèo khổ, lạc hậu". "Lão nông" Tuấn Anh cho biết ông làm được khoảng 60-70% đề thi. (Hoài Nhơn - Phan Giang, ghi)

Nhiều thí sinh tại điểm thi THPT Trường Chinh, TP.HCM thuộc cụm thi do ĐH Quốc gia TP.HCM chủ trì cho rằng đề văn dễ hiểu, vừa sức. Thí sinh Nguyễn Hữu Danh, học sinh Trường THPT Thanh Đa, cho biết: “Đề hơi tuy dài ở chỗ bắt thí sinh mất thời gian đọc nhiều sau đó mới có thể làm bài, tuy nhiên phần câu hỏi thì ngắn gọn, phù hợp với sức học của em. Câu nghị luận văn học khá hay, còn nghị luận xã hội nói về tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng sống khá gần gũi và dễ làm”. 

Thí sinh Huỳnh Anh đánh giá phần đọc hiểu đoạn thơ trích trong bài Hát về một hòn đảo của Trần Đăng Khoa khá đơn giản, ai cũng có thể làm được. “Đoạn văn về chứng vô cảm thì quen thuộc vì đề thi năm trước cũng có câu tương tự. Câu cảm nhận về người đàn bà làng chài giúp thí sinh thể hiện cảm thụ của riêng mình. Tuy nhiên sẽ khó biết được mình làm đầy đủ hay chưa”. (Mỹ Quyên, ghi)

* Các thí sinh (TS) dự thi tại cụm thi 27 do ĐH Đà Nẵng chủ trì rời phòng thi môn văn khá sớm (2/3 thời gian làm bài thi).

Thí sinh Nguyễn Thị Thúy Diễm, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam), cho biết em làm bài thi môn văn rất tốt. “Câu 4 điểm về tác phẩm 'Chiếc thuyền ngoài xa' của nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng xuất hiện trong đề thi thử môn văn của học sinh THPT Quảng Nam, nên khi cầm đề, em cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm. Phần 1 của đề thi thì cô giáo dạy văn của em cũng đã ôn tập rất kỹ nên em xử lý bài rất tốt”, Diễm cho hay.
“Phần câu 3 điểm về kỹ năng sống rất thực tế, với 600 chữ thì không khó để làm một bài viết thật tốt. Em nghĩ mình đã làm tốt bài thi môn văn”, thí sinh Đoàn Nguyễn Hoài Phương (học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, Đà Nẵng) cho hay. (Diệu Hiền, ghi) 
* Tại cụm thi số 26 do ĐH Huế chủ trì, nhiều thí sinh cho biết đề thi môn ngữ văn năm nay vừa sức, học sinh trung bình vẫn có thể làm tốt bài thi. 
Thí sinh Võ Thị Hải Yến (Quảng Bình), thi tại cụm thi Trường cao đẳng Y tế Huế, cho biết: “Đề thi có phần đọc hiểu khá dễ, vừa sức với học lực của em. Phần viết có câu 2 yêu cầu cảm nhận và bình luận thông qua đoạn trích, phần này không chỉ đòi hỏi kiến thức mà phải có cảm nhận tốt”.
Tương tự, thí sinh Phan Thị Hồng Loan (Quảng Trị), thi tại hội đồng thi Trường đại học Y dược Huế, nhận xét: “Đề thi vừa sức. Cả hai phần đều có câu dễ, câu khó. Phần đọc hiểu có câu 4 yêu cầu thí sinh viết cảm nhận. Nhiều thí sinh sợ mất điểm câu này vì sợ cảm nhận mình không đúng với đáp án. Phần viết có câu 2 khó vì vừa cảm nhận đoạn trích vừa đưa ra bình luận về cái nhìn của tác giả”. (Tuyết Khoa, ghi)
* Ghi nhận tại cụm thi số 28 (Bình Định), hầu hết các thí sinh tại các điểm thi ra về sớm khi vừa hết 2/3 thời gian làm bài môn văn. Các thí sinh đều nhận định đề môn văn tương đối dễ, sát thực tế, thí sinh trung bình có thể đạt 5-6 điểm. 
Tại hội đồng thi Trường ĐH Quy Nhơn, thí sinh Nguyễn Hữu Thắng (ở TP.Quy Nhơn, Bình Định), cho biết: “Em không học văn nhiều như các môn khác nhưng đề này cũng không quá khó với em. Phần đọc hiểu, em làm gần hết và rất nhanh. Đến câu 2 của phần tự luận thì hơi khó chút nhưng em làm cũng tạm”.
Thí sinh Nguyễn Thái Ngân (ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, dự thi ở điểm Trường THPT Trưng Vương, TP.Quy Nhơn) thì tự tin: “Em ra sớm, với đề văn này em làm được 70%. Đề thi không khó lắm. Từng câu trong đề có sự phân hóa rõ ràng cho học sinh trung bình, khá và giỏi”. (Tâm Ngọc, ghi)
** Giáo viên nhận xét đề thi môn văn
Thầy Lê Minh Tân, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM): 
Yêu cầu dễ, nội dung quen thuộc
Theo thầy Tân, với đề thi văn năm nay, thí sinh dễ dàng đạt điểm 6 bởi nội dung và đề tài khá quen thuộc, câu hỏi không gây khó khăn. Nội dung phần đọc hiểu và nghị luận xã hội gắn liền với cuộc sống, thực tế và đời sống của giới trẻ hiện nay.
Câu hỏi nghị luận xã hội có một chút đổi mới. Trước đây, đề thi thường đề cập đến tư tưởng đạo lý thì nay buộc thí sinh viết về sự cần thiết của kỹ năng sống. (Bích Thanh, ghi)
Thạc sĩ Hồ Hoài Khanh, giáo viên ngữ văn Trường THPT Nhân Việt:
Đề nhẹ nhưng không thể học vẹt
Đề thi môn văn có bố cục chặt chẽ, hợp lý, đánh giá được khả năng và phân loại học sinh. Đề thi theo ma trận không khác nhiều so với đề thi mẫu mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó. Tuy nhiên, đề thi quá dài có thể gây hoang mang cho thí sinh ngay từ lúc nhận đề thi.
Những câu hỏi ở phần đọc hiểu không quá khó, nhưng chú trọng khá nhiều kỹ năng dựng đoạn và phát triển ý của học sinh.
Phần nghị luận xã hội vấn đề đặt ra vô cùng tiệm cận với học sinh phổ thông và dễ làm hơn so với những năm trước bởi lẽ vấn đề kỹ năng sống là những khái niệm không còn quá xa lạ với học sinh.
Nhìn chung, đề thi văn năm nay khá nhẹ nhàng, nhưng hoàn toàn tránh được hiện tượng học tủ, học vẹt. Nếu không nắm chắc tư tưởng, thông điệp cốt lõi của tác phẩm thì không bàn luận được cách nhìn con người và cuộc sống trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Học sinh không cẩn trọng dễ dàng phân tích “dàn trải" về nhân vật người đàn bà hàng chài của toàn bộ tác phẩm, trong khi đề chỉ yêu cầu tập trung vào một đoạn trích. (Hà Ánh, ghi)
*** Đồng hành cùng các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, bên cạnh các bài gợi ý giải đề thi, Thanh Niên Online còn cập nhật những nhận xét nhanh về đề thi ngay sau khi môn thi kết thúc của các giáo viên giàu kinh nghiệm (những nhận xét này chỉ có tính chất tham khảo).
Sau khi kết thúc môn thi cuối của kỳ thi THPT quốc gia 2015, Thanh Niên Online sẽ cập nhật đáp án các môn thi của Bộ GD-ĐT.
Đón xem gợi ý giải và nhận xét đề thi THPT quốc gia 2015
Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc,Thanh Niên Online sẽ cập nhật liên tục gợi ý giải đề thi, nhận xét đề thi và các thông tin liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Ngoài ra, từ ngày 2 - 5.7, BáoThanh Niên (báo in) sẽ tăng thêm 4 trang phụ trương giải đề thi các môn kỳ thi THPT quốc gia tặng bạn đọc. Sau mỗi ngày thi diễn ra, các trang phụ trương sẽ đăng tải chi tiết bài giải gợi ý từng môn thi cụ thể. Bên cạnh đó, chuyên gia đến từ các trường ĐH và THPT sẽ có những nhận xét, đánh giá xung quanh đề thi trước khi dự đoán điểm chuẩn.
Mời bạn đọc đón xem phụ trương giải đề thi theo lịch đăng cụ thể như sau:
Ngày 2.7: Bài giải gợi ý các môn toán, ngoại ngữ
Ngày 3.7: Bài giải gợi ý các môn ngữ văn, vật lý
Ngày 4.7: Bài giải các môn địa lý, hóa học
Ngày 5.7: Dự kiến đáp án chính thức các môn thi của Bộ GD-ĐT.
Lịch thi THPT quốc gia 2015

Ngày

Buổi

Môn thi

Thời gian làm bài

Giờ làm bài

30.6
8 giờ
Thí sinh làm thủ tục dự thi: Nhận thẻ dự thi và chỉnh sửa các sai sót (nếu có)
1.7
Sáng
Toán
180 phút
8 giờ - 11 giờ
Chiều
Ngoại ngữ
90 phút
14 giờ 30 - 16 giờ
2.7
Sáng
Ngữ văn
180 phút
8 giờ - 11 giờ
Chiều
Vật lý
90 phút
14 giờ 30 - 16 giờ
3.7
Sáng
Địa lý
180 phút
8 giờ - 11 giờ
Chiều
Hóa học
90 phút
14 giờ 30 - 16 giờ
4.7
Sáng
Lịch sử
180 phút
8 giờ - 11 giờ
Chiều
Sinh học
90 phút
14 giờ 30 - 16 giờ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.