Người dân Bến Lức kể về tai nạn thảm khốc: “Chưa vụ nào khủng khiếp đến vậy”
|
Tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến xe ô tô đầu tiên trên thế giới là vào năm 1896 ở Anh, khi một chiếc ô tô chạy thử sau khi xuất xưởng đã cán chết 2 người. Ba năm sau, ở Mỹ cũng có một người chết do ô tô gây ra. Với những tiến bộ trong chế tạo động cơ đốt trong, ô tô ngày càng trở nên phổ biến kéo theo hệ lụy là những cái chết do ô tô gây ra cũng ngày càng nhiều hơn.
Theo phân tích của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phần lớn các vụ tai nạn giao thông chết người là do xe ô tô các loại gây ra và 35% nguyên nhân là do người lái xe có sử dụng rượu bia hay chất ma túy.
|
Luật pháp các nước Âu Mỹ thường dùng cụm từ “lái xe trong tình trạng bị ảnh hưởng” (DUI - Driving Under the Influence), tức là lái xe dưới sự ảnh hưởng như khi say rượu, hoặc sau khi dùng những chất như thuốc ngủ, thuốc tê, ma túy, thuốc lắc... làm cho người lái xe mất phương hướng không thể tự chủ và điều khiển phương tiện một cách an toàn. Còn riêng đối với lái xe khi say xỉn thì giới truyền thông Anh ngữ gọi ngắn gọn là “drunk driving”.
Gây tai nạn khi say rượu là hành vi sát nhân
Hiện trường kinh hoàng vụ tai nạn thảm khốc ở Bến Lức, Long An
|
Luật pháp nhiều nước cũng xếp người gây tai nạn khi trong tình trạng say rượu, say ma túy là có hành vi sát nhân, chứ không phải gây tai nạn do bất cẩn.
Riêng ở Mỹ, 31% trên tổng số các tai nạn giao thông là do lái xe khi say rượu và mỗi ngày có 29 người thiệt
mạng vì nguyên nhân này. Dù con số nạn nhân đã giảm 70% so với 30 năm trước nhờ những quy định giao thông gắt gao hơn, nhưng vẫn lên đến con số 10.000 người/năm. Tính ra, mỗi năm nước Mỹ thiệt hại đến 44 tỉ USD vì các hậu quả trực tiếp và gián tiếp do tai nạn giao thông gây ra bởi say rượu hay dùng các chất kích thích thần kinh.
|
Luật pháp các nước xem hành vi gây tai nạn do lái xe khi say rượu, say thuốc là rất nghiêm trọng và xử phạt rất nặng.
Ở các nước Âu Mỹ, người phạm lỗi lần đầu có thể bị tống giam từ vài ngày đến vài tháng (nếu tai nạn không nghiêm trọng), nhưng hình phạt sẽ tăng nặng hơn tùy theo nồng độ cồn trong máu người lái xe lúc gây tai nạn. Đồng thời, người phạm lỗi sẽ phải nộp phạt từ 500 - 2.000 USD.
Nếu người lái xe tái phạm lần thứ 3 trở lên, hoặc gây thương tích hoặc làm chết người thì có thể ngồi tù vài năm. Ngoài ra, người phạm lỗi sẽ bị treo bằng lái xe 90 ngày nếu vi phạm lần đầu tiên, 1 năm cho lần phạm lỗi thứ hai và 3 năm cho lần thứ ba. Nếu lại tái phạm, bằng lái có thể bị thu hồi vĩnh viễn.
Người lái vẫn bị treo bằng lái nếu từ chối các yêu cầu của cơ quan chức năng như thổi túi hơi kiểm tra nồng độ cồn, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu. Sau đó, cho dù kết quả thử nghiệm có thế nào (dương tính hay không với rượu, chất kích thích), bằng lái vẫn bị thu hồi và họ phải đóng thêm một khoản tiền phạt bổ sung.
Phải tự kiểm tra nồng độ cồn trước khi khởi động xe
Một số bang ở Mỹ còn áp dụng những biện pháp nghiêm khắc hơn với những kẻ tái phạm, như tịch thu ô tô tạm thời hay vĩnh viễn, hủy biển số đăng ký xe. Sau khi người phạm lỗi hết thời hạn “treo giò”, họ phải chấp hành biện pháp kiểm soát trạng thái tỉnh táo trước khi điều khiển xe. Cụ thể, trước mỗi lần mở công tắc khởi động máy xe, họ phải thổi vào bộ cảm ứng dò nồng độ cồn gắn gần tay lái. Nếu nồng độ cồn vượt quá ngưỡng 0,02% thì thiết bị cảm ứng sẽ khóa, không cho máy xe khởi động.
|
Ngoài ra, người vi phạm còn bị bắt buộc dự các khóa học về tác hại của rượu hoặc phải đi kiểm tra xem có bị nghiện rượu nặng và cai nghiện (nếu có). Họ cũng phải dành ra một số thời gian theo quy định của tòa án để tham gia các hoạt động công ích xã hội.
Một hậu quả khác là có thể bị công ty bảo hiểm hủy ngang hợp đồng bảo hiểm xe cộ, hoặc điều chỉnh tăng mức phí bảo hiểm phải đóng lên mức cao nhất. Hồ sơ pháp lý của những người lái xe đã phạm lỗi sẽ được lưu trữ nhiều năm, do đó, dù họ có chuyển đi đâu, các hãng bảo hiểm vẫn biết và sẽ áp dụng mức phí cực cao đối với người có tiền sự.
Theo Báo cáo về tình hình an toàn giao thông thế giới năm 2018 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên toàn cầu có khoảng 1,35 triệu người thiệt mạng do tai nạn giao thông đường bộ, thiệt hại kinh tế lên đến 500 tỉ USD.
Tính chung cả thế giới, số tử vong do tai nạn giao thông là 18,2 người chết trên 100.000 dân. Các nước thuộc nhóm đang phát triển dẫn đầu với 27,5 người chết/100.000 người mỗi năm và phần lớn ở các nước châu Phi (26,6 người) và Đông Nam Á (20,7 người). Tình hình tử vong do tai nạn giao thông thì ít hơn ở những nước công nghiệp thuộc Bắc Mỹ (15,6 nạn nhân) và châu Âu (9,3 nạn nhân) mỗi năm.
WHO cũng xếp hạng 10 nước có số người chết do tai nạn giao thông cao nhất thế giới. Libya (Bắc Phi) là nước dẫn đầu về số nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với 73 người trên 100.000 người dân, Thái Lan (Đông Nam Á) xếp thứ hai với 36 người và quốc gia nhỏ bé Malawi (Đông Phi) xếp thứ ba với 35 nạn nhân.
|
Bình luận (0)