Hiu hắt hầm đi bộ Hà Nội

21/03/2011 09:51 GMT+7

Được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng song nhiều năm nay, hệ thống hầm đi bộ tại Hà Nội luôn vắng người qua lại.

Khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2007, hầm đi bộ Ngã Tư Sở là một trong những nút giao thông đông nhất Thủ đô. Được đầu tư gần 3 tỷ đồng, hầm được thiết kế với hai làn đường, một làn dành cho người đi bộ và một làn dành cho người đi xe đạp. Hệ thống đèn chiếu luôn được thắp sáng, hằng ngày có nhân viên vệ sinh quét dọn.

 
Được đầu tư hàng tỷ đồng với cơ sở hạ tầng đồng bộ song hầm đường bộ Ngã Tư Sở luôn vắng khách. Ảnh: Nguyễn Hoài. 

Thế nhưng, sau 4 năm từ khi đưa vào sử dụng, hầm đi bộ Ngã Tư Sở vẫn luôn vắng người qua lại. Tất cả những người đi bộ này đều là người dân sống quanh khu vực Ngã Tư Sở đang đi thể dục buổi sáng.

Bác Nguyễn Thị Thủy (Phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) cho biết “ Đi dưới hầm thì an toàn, sạch sẽ nhưng nhiều người già như tôi ngại xuống hầm vì sâu quá (hầm sâu 8m- PV), phải qua gần 50 chục bậc thang mới xuống và lên được. Tôi đi có một lần, lên xuống cầu thang phải nghỉ ở mấy chặng nên không đi xuống đó nữa”.

Còn theo Đỗ Thị Thùy Linh (Đại học KHXH và NV Hà Nội) “Mình có xuống đó một lần nhưng bị lạc vì kết cấu của nó phức tạp quá, có đến mười mấy cửa lên, cửa xuống(12- PV), mấy chục biển chỉ dẫn, mãi mới tìm đúng chỗ lên”.

Do mới đưa vào hoạt động nên hầm đi bộ tại nút giao thông Kim Liên có thể xem là hiện đại, sạch sẽ nhất Hà Nội, tuy nhiên vào giờ cao điểm chiều ngày 18-3, hầm vẫn chỉ lác đác người đi lại. Trong khi đó, nhiều người dân đi bộ bất chấp nguy hiểm băng qua đường Lê Duẩn - Giải Phóng. Nhiều người giải thích, các cửa ra vào hầm bị lấn chiếm làm điểm đỗ xe, bày hàng quán khiến mọi người ngại xuống.

 
Dù có hầm qua đường song người đi bộ vẫn băng qua đường tại nút giao thông Kim Liên. Ảnh: Anh Trọng. 

Tình trạng hầm đi bộ trên đường vành đai 3 (đoạn đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến) có 6 hầm dành cho người đi bộ sang đường, mở cửa từ 6h đến 21 giờ hàng ngày. Thế nhưng, trừ hầm đi bộ trước siêu thị BigC, các hầm đường bộ còn lại luôn vắng vẻ.

Hà Nội hiện có 20 hầm đi bộ, tuy nhiên, phần lớn chưa phát huy tác dụng. Ông Ngô Quý Tuấn, Phó giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (chủ đầu tư dự án hầm Kim Liên) lý giải, đó là do nhận thức của người dân về giao thông còn hạn chế và chưa tuân thủ nghiêm ngặt sự phân luồng của Sở GTVT.

Ông Tuấn cho biết, khi hầm Kim Liên đi vào hoạt động, người buôn bán đã tận dụng các lối dẫn xuống hầm để kinh doanh và làm điểm đỗ xe. "Khi hầm bàn giao cho thành phố, ngoài đơn vị vận hành chính quyền địa phương ở đây phải có trách nhiệm đảm bảo trật tự. Có như vậy, hầm mới phát huy được hiệu quả", ông Tuấn nói.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.