Trò chuyện với chúng tôi trong một buổi sáng mùa thu, tại sảnh khách sạn nơi Olympic Việt Nam đóng quân, HLV Hoàng Anh Tuấn vừa kể chuyện, vừa bận rộn kiểm tra công việc. Cứ mỗi 5, 10 phút, ông lại nhìn vào đồng hồ. "Đúng 11 giờ 15, các cầu thủ U.23 Việt Nam vừa trở về từ vòng loại U.23 châu Á sẽ góp mặt để kịp giờ ăn", ông Tuấn nói.
Tôi khẽ liếc vào đồng hồ. Đúng 11 giờ 15, toàn đội có mặt đầy đủ, không thiếu bất kỳ thành viên nào. Ông Tuấn dĩ nhiên không làm công tác điểm danh, cộng cộng trừ trừ theo kiểu cơ học. Nhưng biết rõ những gì đang diễn ra trước mắt mình. Và cả những thứ mà mắt ông không nhìn thấy.
Đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn vậy, chính xác và kỷ luật từng tích tắc. Đó là phong cách mà nhà cầm quân gốc Khánh Hòa đã tạo dựng cho những học trò mà ông huấn luyện. Cầu thủ có thể không phải là người giỏi nhất, nhưng phải lì lợm, bản lĩnh và thực sự gai góc.
Trải lòng với Thanh Niên, HLV Hoàng Anh Tuấn hồi tưởng lại những chông gai ngày đầu huấn luyện các đội tuyển trẻ, cùng cách đương đầu với áp lực để trở thành phiên bản tốt hơn, hoàn thiện hơn từng ngày.
- Đã gần 2 tuần sau khi U.23 Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch giải U.23 Đông Nam Á. Nhớ lại khoảnh khắc nâng cao danh hiệu, cảm xúc đọng lại bây giờ trong ông là gì?
Làm bóng đá trẻ không đơn giản. Với đặc thù ở Việt Nam, không phải gia đình nào cũng có thể tạo điều kiện tốt nhất cho con mình ở khía cạnh thể chất và dinh dưỡng để phục vụ bóng đá. Ngoài ra, không phải CLB nào cũng đủ mạnh để đầu tư cho cầu thủ ở khía cạnh này.
Làm bóng đá trẻ, tôi phải đối diện nhiều vướng mắc không chỉ trên khía cạnh chuyên môn, mà điều kiện thể chất của cầu thủ chưa đủ đáp ứng để mình áp đặt yêu cầu với tiêu chuẩn bóng đá ngày nay.
Các cầu thủ Việt Nam mới ở mức độ có kỹ năng tốt. Chúng ta hay dùng từ "tài năng", nhưng các cầu thủ mới thực sự dừng ở mức kỹ năng. Họ có kỹ năng chơi bóng tốt, song "tài năng" là khái niệm hoàn toàn khác.
Khi các cầu thủ lên đội tuyển quốc gia, ban huấn luyện rất vất vả, bởi phải sửa lại khiếm khuyết, những cái cầu thủ có chưa đủ. Chúng tôi cần rất nhiều thời gian để thay đổi cách chơi, thói quen để có thể đạt được mục tiêu. Một là giúp đội phải có thành tích, hai là phải nâng cái "chất" của cầu thủ lên. Tôi là muốn người nâng chất cầu thủ lên, không muốn đặt nặng thành tích trước mắt.
Triết lý huấn luyện này khiến tôi gặp nhiều xung đột. Người hâm mộ, truyền thông luôn thích đội trẻ Việt Nam phải thắng, phải vô địch. Nhưng quan điểm tôi không như thế. Dần dần qua thời gian, đến giải U.23 Đông Nam Á vừa qua, điều tôi hài lòng nhất là đã nhìn thấy những tín hiệu tích cực. Các cầu thủ đã dạn dày hơn, kỹ năng không thua kém đối thủ. Với tôi, chức vô địch của U.23 Việt Nam không phải đơn thuần chỉ là chiếc cúp mà ta chạm vào được bằng tay, mà là sự trưởng thành của cầu thủ - thứ mà ta cảm nhận được bằng trái tim.
- Lần đầu tiên cái tên Hoàng Anh Tuấn sáng rực trong làng bóng đá trẻ Việt Nam là tấm vé dự U.20 World Cup giành được sau suất đá bán kết U.19 châu Á 2016. Sau đó là 7 năm khó khăn, phải đối mặt với hoài nghi, chỉ trích. Đến giờ, ông đã có thể nhớ lại khoảng thời gian ấy bằng sự bình thản, nhẹ nhàng hơn…
Nếu tôi nói không quan tâm đến áp lực dư luận hay truyền thông, có lẽ là nói dối. Có những thời điểm tôi rất buồn, đôi lúc tiếc nuối khi thành tích đội không như ý.
Người ta nói U.19 Việt Nam có 3 lần liền bị loại ở vòng bảng giải Đông Nam Á, nhưng mỗi giải đấu có một sắc thái khác nhau. Năm 2016, U.19 Việt Nam cũng thua ở bán kết U.19 Đông Nam Á (tổ chức trên sân nhà), tại giải đấu mà chất lượng đội và kết quả không tốt. Những thất bại đó khiến chúng tôi bị chỉ trích.
Dù vậy, tôi có lập trường riêng. Nếu không có đam mê và khát vọng, tôi đã dừng lại rồi. Tôi cũng có nhiều lần cân nhắc có nên dừng lại hay không. Tôi không có những điều kiện như mong muốn, trong khi áp lực lại rất lớn. Chịu đựng nhiều tác động từ bên ngoài, nhưng tôi đã cảm thấy mình đã trưởng thành dần qua từng khoảnh khắc sóng gió và chông gai.
Một ngày mùa đông cuối năm 2012, tôi từng lên chuyến bay từ Nha Trang ra Hà Nội, đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) để chuẩn bị ký hợp đồng dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Tôi đã nói với lãnh đạo VFF rằng mình kiên nhẫn chờ đợi cơ hội, khi bền bỉ làm công việc huấn luyện của mình suốt 11 năm. Nhiều người mặc định nghĩ tôi chỉ làm bóng đá trẻ, đến năm 2015 mới dẫn dắt đội U.19 Việt Nam, nhưng họ không hiểu.
Tuy nhiên sau cùng, tôi không dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Sau này nhìn lại, tôi tin rằng đó là quyết định chính xác. Lúc đó, dù tôi là lựa chọn số 1, nhưng kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của bản thân cho vị trí ấy chưa đủ "chín". Sau những thất bại, tôi đã nhìn nhận để học hỏi và thay đổi. Đến lúc này, phương pháp huấn luyện của tôi đã khác trước đây. Ngoài câu chuyện về chuyên môn, tôi đã có khoảng thời gian suy nghĩ về định hướng tương lai cũng như thay đổi bản thân.
- HLV Henrique Calisto từng nói Việt Nam có tới 30 triệu HLV, một cách ví von để nói về áp lực lớn khi huấn luyện các cấp độ đội tuyển quốc gia. Các HLV trưởng phải đối đầu với chỉ trích, ông cũng không phải ngoại lệ. Ông đối đầu với áp lực và cân bằng cảm xúc thế nào?
Tôi cho rằng, nghề HLV bóng đá là một trong những nghề "nguy hiểm" nhất thế giới. Thời điểm này, tôi đang ngồi đây, là HLV trưởng đội tuyển quốc gia hay CLB. Nhưng 5, 10 phút sau, có thể tôi đã bị sa thải.
Trong bóng đá, HLV không chỉ phải so tài với đối thủ về mặt chiến thuật, kỹ thuật, tâm lý, mà chính HLV ấy cũng phải đối đầu với áp lực dư luận và truyền thông. Khán giả chỉ muốn đội bóng của mình thắng. Chỉ có chiến thắng mới làm họ hài lòng. Nếu mình không mang lại kết quả mà người hâm mộ mong muốn, điều đó sẽ rất tệ hại.
Đó là điều đương nhiên, ở nước nào cũng thế, chẳng riêng ở Việt Nam. Mới đây, HLV Hansi Flick của đội tuyển Đức dù rất giỏi, song cũng bị sa thải chỉ sau một cuộc họp sau thất bại 1-4 trước Nhật Bản.
Đối phó với sức ép của dư luận là một trong những yếu tố phải vượt qua nếu muốn trở thành HLV giỏi.
- Phải làm việc liên tục, đối đầu với nhiều áp lực, dường như nghề HLV không chỉ áp lực, mà còn rất cô đơn.
Đó là sự thật. Là HLV, tôi phải cân bằng với lãnh đạo, ở đây là VFF. Có những thời điểm, bản thân tôi không được ủng hộ hoàn toàn bởi một số người. Tôi cũng phải uyển chuyển, cân bằng lợi ích với CLB. Đội tuyển quốc gia rất dễ tập hợp nhân sự ở các CLB, nhưng đội tuyển trẻ thì rất khó. Ngay cả U.23 Việt Nam bây giờ cũng vậy, CLB có muốn cho cầu thủ lên tuyển hay không, tôi phải linh hoạt các mối quan hệ.
Ở vòng chung kết U.23 Đông Nam Á, tôi triệu tập trên dưới 10 cầu thủ từ CLB SLNA. Sẽ có người hỏi, vậy cầu thủ từ các đội khác đâu? Do đó, tôi phải ứng xử hài hòa và cân đối giữa từng ấy mối quan hệ. Tôi từng gặp nhiều trở ngại bởi những yếu tố bên ngoài tác động vào.
Nhưng bóng đá là như vậy, muốn phát triển được thì phải bước qua khó khăn. HLV muốn giỏi hơn thì phải vượt qua áp lực thành tích, sức ép của người hâm mộ hay lãnh đạo.
- Tôi vẫn nhớ một câu nói đầy quả quyết của HLV Hoàng Anh Tuấn ở vòng bảng U.19 Đông Nam Á 2016, đó là dù chỉ có 1 người cổ vũ, U.19 Việt Nam cũng thi đấu hết mình. Đó là chất máu lửa của HLV Hoàng Anh Tuấn, sẵn sàng đương đầu với tất cả?
Khi tôi nhận chức vụ HLV trưởng U.19 Việt Nam vào năm 2015, bóng đá Việt Nam vừa mới chia tay lứa U.19 của Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh nổi đình nổi đám trước đó để đón lứa U.19 mới.
Bài toán đặt ra cho lứa cầu thủ U.19 mới là, liệu họ có chơi hay hơn các đàn anh , hoặc có thành tích tốt hơn không.
Vế đầu tiên là chơi hay hơn, tôi cho rằng bất khả thi. Lứa U.19 Việt Nam của Công Phượng, Xuân Trường đã ăn tập, gắn bó với nhau suốt 6, 7 năm, được chuyên gia ngoại rèn giũa, đi nước ngoài tập huấn, đấu giao hữu quốc tế,... Trong khi đó, U.19 Việt Nam của tôi chỉ có một vài tháng tập hợp để huấn luyện mấy chục cầu thủ đến từ nhiều đội khác nhau, nên rất khó để đá đẹp hơn đội U.19 đàn anh.
Để khỏa lấp điều đó, lứa U.19 của tôi phải có thành tích. Chỉ có mang cúp về, có danh hiệu thì mới giảm được áp lực truyền thông, rằng liệu HLV này có làm được việc không, lứa cầu thủ kia có làm những điều đàn anh từng làm được không, bóng đá Việt Nam không có Học viện HAGL sẽ thế nào,...
Ngay từ lúc đó (năm 2015), tôi đã nghĩ đến mục tiêu phải giúp U.19 Việt Nam bước đến sân chơi U.20 World Cup. Đó là ý tưởng điên rồ, mà giám đốc kỹ thuật VFF khi đó, ông Jurgen Gede là một trong những người hiếm hoi đồng tình với suy nghĩ của tôi. Ông Gede từng huấn luyện U.20 Uzbekistan dự U.20 World Cup, cộng với thời gian làm việc tại Iran, Trung Quốc, Tajikistan, Ả Rập Xê Út,... trước khi đến Việt Nam giúp ông có kinh nghiệm dày dạn. Ông Gede cũng là người Đức, mà bản chất người Đức không bao giờ nói quá những gì họ không làm được.
Khi ngồi với ông Gede, tôi đặt mục tiêu World Cup ngay từ lúc đó. Trong thâm tâm, tôi không đặt mục tiêu thành tích ở giải Đông Nam Á nữa, nhưng nếu khi đó phát biểu suy nghĩ ấy ra thì rõ ràng là không phù hợp. Họ sẽ cho rằng tôi điên rồ, mất trí, hoặc là "nổ".
Dù vậy, trong quá trình chuẩn bị cho các giải đấu, có thời điểm cầu thủ sẽ đi lên, thời điểm khác lại đi xuống. Bởi cơ thể con người giống như đồng hồ sinh học, có lúc lên lúc xuống. Khi U.19 Việt Nam đá giải U.19 Đông Nam Á 2016, các cầu thủ đang ở chu kỳ đi xuống. Song đó lại là dấu hiệu giúp tôi tự tin vô cùng, bởi sau chu kỳ đi xuống, các cầu thủ sẽ đi lên trở lại. Để rồi, U.19 Việt Nam đã đạt phong độ cao ở giải U.19 châu Á 2016, sau đó giành vé đi U.20 World Cup.
- Đó là cuộc hành trình gian khổ, nhưng cũng góp phần định hình phong cách huấn luyện và con người ông rõ nét hơn?
Sau thất bại ở giải U.19 Đông Nam Á 2016, tôi đánh giá được thực trạng của đội U.19 Việt Nam. Tôi nhìn thấy được cầu thủ nào còn duy trì được khát vọng đi World Cup sau những "cú ngã", nhưng cũng có những cầu thủ có vấn đề. Họ không tin mình có thể làm được, hoặc cũng có một số cầu thủ chỉ dự giải cho biết.
Chính những thất bại giúp tôi có cái nhìn sáng suốt hơn. Khác biệt là sau mỗi thất bại, ta tìm ra cách khắc phục để chín chắn, bản lĩnh hơn.
- Ông có nghĩ rằng mình cứng rắn và độc đoán?
Làm bóng đá trẻ, tôi cần giúp cầu thủ trẻ phát triển và tiến bộ. Muốn được như vậy, bản thân tôi cũng phải thay đổi. Cầu thủ 15 tuổi ở năm 2013 rất khác với cầu thủ 15 tuổi ở thời điểm này, về cả thể chất, điều kiện sống hay đặc trưng tâm sinh lý,... Tôi phải hoàn thiện mình để thích ứng với thay đổi của học trò.
Triết lý huấn luyện của tôi là đề cao kỷ luật. "Kỷ luật" là từ bao hàm rất nhiều yếu tố. Đó không thuần túy là ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc, mà bóng đá là môn chơi tập thể. Kỷ luật, tức là cầu thủ phải làm đúng vai trò của mình trong cả một bộ máy.
Nếu không có kỷ luật, rất khó tạo nên tập thể hoàn hảo. Tôi đề cao kỷ luật, nhưng trong thời điểm cụ thể, tôi cũng có cách làm mềm dẻo. 7 năm trước, khi huấn luyện Quang Hải, Tấn Tài, Văn Hậu, Tiến Dũng, tôi không cho học trò dùng điện thoại di động. Có những giai đoạn 1, 2 tháng liền cầu thủ không dùng điện thoại, nhưng rồi họ vẫn thành công.
Với U.23 Việt Nam hiện tại, tôi vẫn cho cầu thủ dùng điện thoại, nhưng phải có điều kiện. Tôi tôn trọng cầu thủ, nhưng họ phải tôn trọng ban huấn luyện. Họ được dùng điện thoại, nhưng không được dùng trong giờ ăn, đi tập hay khi họp đội. Còn lại thì tôi cho phép. Ngoài ra, cầu thủ không được đăng tải thông tin mật của đội bóng lên truyền thông. Tôi vẫn cho cầu thủ có sự riêng tư và thoải mái, khi ấy họ sẽ tập luyện rất tốt, đội bóng cũng sẽ tốt theo.
Có một số thời điểm, tôi không cho học trò dùng điện thoại 1 ngày trước trận đấu. Tôi giải thích rằng 2 cầu thủ ở cùng phòng, một ngày nói chuyện được mấy câu nếu cả hai chúi đầu vào điện thoại. Không có điện thoại, họ phải nói chuyện, tương tác với nhau. Những tương tác trong sinh hoạt mới có thể dẫn đến tương tác tốt trên sân.
Tôi sẽ thay đổi linh hoạt, nhưng nền tảng gốc rễ vẫn phải là kỷ luật.
- Làm việc với bóng đá trẻ, đồng nghĩa phải đối mặt với những cái tôi ương ngạnh ở tuổi mới lớn. Với một người "gõ đầu trẻ" như ông, đã bao giờ ông phải đưa ra hình phạt để đưa cầu thủ trẻ vào khuôn khổ?
Tôi không tiện nêu tên, nhưng có rất nhiều cầu thủ như vậy. Họ có tiềm năng, giờ đang là trụ cột ở CLB hay góp mặt ở đội tuyển quốc gia. Đã từng có những cầu thủ không được tôi cho tham gia các giải đấu lớn. Họ phản ứng với phương pháp huấn luyện hay triết lý của tôi, hay cho rằng kỷ luật tôi đặt ra quá khắt khe,...
Khi ấy, tôi phải cho họ hiểu rằng nếu không có họ, vẫn có cầu thủ khác sẵn sàng thế chỗ. Do đó nếu muốn tồn tại, tự thân họ phải thay đổi. Cá nhân cầu thủ phải thích nghi với đội bóng, chứ đội bóng không cần phải thích nghi với cá nhân.
Tôi từng nói với học trò rằng nếu họ giỏi như Ronaldo, Messi, họ có thể chơi theo cách của mình, vấn đề là phải chứng minh cho tôi thấy điều đó. Cầu thủ phải hiểu ra vấn đề để trưởng thành, còn ngược lại, họ sẽ không thành công.
Đã có những cầu thủ trở thành trụ cột CLB sau nhiều lần bị tôi kỷ luật, song cũng có những cái tên không vượt qua được chính mình và đánh mất tương lai. Tôi rất tiếc nuối, nhưng đó là bài học cho cá nhân cầu thủ đó. Bóng đá cũng như cuộc sống, chúng ta luôn phải cạnh tranh, đối đầu với chỉ trích, không vượt qua được thì sẽ thất bại.
Dù vậy, cuộc sống là sẻ chia. Tôi có cảm xúc và cầu thủ cũng vậy. Chúng ta đều là con người mà. Cầu thủ trẻ muốn được chia sẻ và vỗ về. Tôi hiểu chứ, tôi từng là cầu thủ, cũng đi qua những giai đoạn đó. Tôi đặt mình vào vị trí cầu thủ, hiểu rằng họ cũng có những sở thích riêng, muốn đi ăn, đi chơi. Có những bữa ăn tôi tự tay nấu cho cầu thủ, hoặc dẫn họ ra ngoài ăn các món các bạn ấy thích.
Trên góc độ chuyên môn, tôi khắt khe, nhưng phải cho cầu thủ hiểu rằng tập luyện, sinh hoạt, nghỉ ngơi là những khía cạnh tách biệt. Bên ngoài cuộc sống, tôi luôn muốn lắng nghe, chia sẻ với họ. Cầu thủ phải vui vẻ, thoải mái thì mới chơi tốt được.
- Sau thất bại ở vòng bảng U.18 Đông Nam Á, rồi đến vòng chung kết U.19 châu Á 2019, người ta thấy HLV Hoàng Anh Tuấn "quy ẩn" khỏi làng bóng đá trẻ. Đó là khoảng thời gian thực sự khó khăn. Ông đã làm gì để vượt qua?
Con người là bộ máy hoàn hảo của tạo hóa, nhưng cỗ máy hoàn hảo đến đâu cũng có lúc cần bảo dưỡng.
Tôi đã tận dụng thời gian nghỉ ngơi để làm mới bản thân, trước tiên là với cơ thể mình, sau đó là với chuyên môn, rằng thời gian qua mình làm được và chưa làm được gì, rồi nhìn lại quá trình đã đi qua, rằng mình còn phải học hỏi những gì,...
Từ đó, tôi mới có thể nghĩ về tương lai. Đó là khoảng lặng ý nghĩa, kéo dài từ vài tháng tới 1, 2 năm, song cần thiết để HLV có thể suy nghĩ kỹ và làm mới mình hoàn toàn.
- Năm 2016, khi cùng U.19 Việt Nam giành vé đến World Cup, HLV Hoàng Anh Tuấn gọi về cho mẹ với giọng nghèn nghẹn: "Mẹ thắp cho ba nén nhang giúp con. Mẹ nói với ba, thằng Tuấn đã đưa đội U.19 Việt Nam đoạt vé đến World Cup rồi" rồi bật khóc. Phía sau hình ảnh một HLV Hoàng Anh Tuấn cứng rắn, cũng có những lúc yếu mềm khi nhớ về gia đình?
Tôi luôn nhìn nhận mọi thứ theo hướng tối giản nhất. Xét cho cùng, bạn đi làm để làm gì? Trước tiên là làm cho bản thân mình, sau đó là cho gia đình, vợ chồng mình, con cái, bố mẹ, người thân mình. Phía sau lưng chúng ta luôn có gia đình, đó là điều cốt lõi.
Gia đình là nền tảng để chúng ta yên tâm nỗ lực phấn đấu. Với tôi, gia đình đóng vai trò điểm tựa để tôi tiếp tục cống hiến, đóng góp một phần nhỏ bé cho xã hội.
Sau những ngày vất vả, tôi trở về nghỉ ngơi cùng gia đình, có cơ hội chia sẻ vui buồn với mẹ. Bố tôi mất ở thời gian cuối năm 2015, ông rất mê bóng đá. Tôi chỉ tiếc rằng ông đã không kịp chứng kiến giây phút tôi cùng U.19 Việt Nam giành vé dự World Cup.
Nhưng may mắn là tôi vẫn còn mẹ. Mẹ luôn ủng hộ tôi chẳng kể ngày đêm. Về nhà rồi, hai mẹ con suốt ngày nói chuyện, chia sẻ mọi thứ. Mẹ tôi đọc báo, xem TV nên nắm thông tin rất chắc. Hai mẹ con cứ thế chia sẻ, rồi mẹ cho tôi lời khuyên. Mái nhà của tôi có mẹ và các con, đó là lúc tôi cảm thấy bình yên nhất. Sóng gió ở ngoài cửa, còn trong mái nhà chỉ còn yêu thương đong đầy. Về nhà, tôi cũng hay nấu ăn cho cả nhà. Mọi người quây quần với nhau, những phút bình yên như vậy đã tiếp thêm dũng khí cho tôi vượt qua khó khăn để có ngày hôm nay.
- Có một thứ khiến không chỉ tôi mà có lẽ cũng rất nhiều khán giả tò mò. HLV Hoàng Anh Tuấn khi yêu sẽ như thế nào? Đã bao giờ ông yêu ai đó với cả bầu nhiệt huyết chân thành cùng chất "lửa" như cái cách ông yêu bóng đá chưa?
Bóng đá là xã hội thu nhỏ. Tôi là cá nhân nhỏ bé ở trong vòng xoáy ấy thôi. Bản chất của tôi trong cuộc sống cũng như lúc làm bóng đá thôi. Luôn cống hiến hết mình, có khát vọng, chấp nhận hy sinh vì những người mình yêu, vì mái ấm mà tôi luôn hết lòng bảo vệ.
Cầu thủ nói rằng tôi có hai đời sống. Trên sân, tôi khắt khe vô cùng, còn trong sinh hoạt lại rất khác. Trên sân, tôi nghiêm khắc để cầu thủ tiến bộ. Trong cuộc sống, tôi cũng luôn mong muốn những người xung quanh mình, đó là bạn đời của mình, hay người thân mình tốt hơn mỗi ngày. Tuy nhiên, cuộc sống hoàn toàn khác công việc. Tôi khát khao, chấp nhận hy sinh bằng tất cả những gì mình có cho những người bên cạnh mình. Đó là lựa chọn của tôi, làm hết sức, yêu hết lòng, dành những gì tốt nhất cho người mình yêu thương.
- HLV Hoàng Anh Tuấn đã trải qua những năm tháng "gà trống nuôi con" sau cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Đằng sau thành công ông có được trên sân cỏ, đã có những điều chưa thực sự trọn vẹn?
Người ta hay nói rằng mọi thứ đều có cái giá của nó. Trên góc nhìn của người phương Đông, luôn có thứ gọi là số phận. Tôi không mê tín nhưng tôi có tin vào số phận.
Bạn có tưởng tượng cảnh làm việc hàng tháng trời mà không có bố mẹ, bạn đời hay con cái bên cạnh sẽ thế nào?
Trước khi dự vòng chung kết U.20 World Cup, U.20 Việt Nam có tập huấn tại Nha Trang trong 12 ngày. Suốt khoảng thời gian đó, tôi không về nhà. Tôi dành hết thời gian cho cầu thủ, trong đầu chỉ nghĩ đến U.20 World Cup. Có lúc rảnh rỗi, tôi đưa ban huấn luyện về nhà chơi, nhưng tuyệt đối không ngủ lại.
Trước hôm lên đường, tôi cũng không ngủ ở nhà. Ban huấn luyện nói tôi về nhà ngủ một tối, nhưng tôi nói không.
Gia đình tôi chịu rất nhiều thiệt thòi. Ở góc độ cá nhân, tôi đã không thể chu toàn cho gia đình. Có khoảng thời gian dài, khó ai chấp nhận một người mà lúc nào đầu óc cũng nghĩ tới bóng đá. Về nhà ăn cơm, ngủ nghỉ mà đầu tôi lúc nào cũng để ở trên sân, đó không phải chuyện ngày một ngày hai, mà đã kéo dài rất lâu rồi. Đó là lý do mà tôi chưa có gia đình thực sự hoàn hảo.
- Ông yêu thương, chăm sóc con cái thế nào để bù đắp những thiếu hụt ấy, trong những bữa cơm gia đình mà những người con không được gần gũi cả bố lẫn mẹ?
Bây giờ, phương tiện truyền thông phát triển. Khi nhớ con, tôi có thể gọi video. Rồi khi về nhà, tôi có thể gặp con, gặp mẹ, đưa cả nhà đi ăn để giãi bày, chia sẻ. Tôi có 2 con, 1 cháu đã theo tôi ra Hà Nội, cháu còn lại ở với bà. Tôi đã có những khoảng thời gian quý báu ở bên gia đình, có những câu chuyện phải gặp nhau mới nói được, chẳng thể nói qua điện thoại. Sự gắn kết của tôi với gia đình lớn lắm, mỗi lần gặp nhau, tôi cảm thấy ấm áp, hạnh phúc vô cùng. Tôi luôn cố gắng bù đắp những thiếu thốn của mẹ, của các con trong thời gian mình cầm quân xa nhà như vậy,... Mọi thứ tôi làm cũng chỉ vì hạnh phúc của những người tôi yêu thương.
- Mẹ của ông, bà Hoàng Thị Chúc luôn mong mỏi ông kết hôn để có một mái ấm trọn vẹn. Đến giờ, khi "tiền tuyến" (sự nghiệp huấn luyện) đã chắc chắn, ông có muốn củng cố "hậu phương"?
Tôi cũng như bao người khác, có những cảm xúc buồn, vui, yêu thương, giận dỗi. Đã là con người, có ai là không muốn được quan tâm và chia sẻ?
Mỗi thời điểm, mỗi con người lại có quan điểm khác nhau. Tôi của bây giờ chẳng thể yêu đương như năm 20 tuổi được. Tôi cũng có, cũng muốn một tình yêu, một người bạn bên cạnh. Bạn ấy giúp đỡ tôi rất nhiều, chia sẻ, biết nhìn nhận vấn đề, hỗ trợ cho tôi những thứ tôi chẳng thể tự tay làm được.
Người khác có gia đình hạnh phúc. Còn với tôi, đến lúc này tôi nghĩ rằng có một người bạn đời sẽ tốt hơn là một người vợ. Tôi không còn thời gian để yêu đương như nhiều năm trước đây nữa.
- Bây giờ, nếu có những niềm vui muốn giãi bày, những nỗi lòng cần chia sẻ, ông sẽ lại gọi điện cho gia đình, "cởi bỏ" vẻ ngoài rắn rỏi để lại được trở về với những cảm xúc thuần khiết, trong lành ở tuổi 55 chứ?
Tôi bây giờ đã rất khác tôi của 7 năm trước. Mọi người đã hiểu công việc của mình, nên họ đón nhận thành công và thất bại theo cách rất bình thản.
Nếu có thành công, tôi nhất định sẽ gọi cho mẹ. Chẳng thể dùng một vài từ để nói về mẹ, nhưng mái ấm có mẹ là nơi bình yên nhất, an toàn nhất, chia sẻ với mình nhiều nhất và hy sinh vì mình mà chẳng cần điều kiện. Tôi muốn đền đáp yêu thương của gia đình bằng những gì mình có được.
Đằng sau thành công, tôi đã được hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều. Hôm nay, tôi đã viết lá thư cảm ơn đến đồng nghiệp, truyền thông, lãnh đạo VFF, người hâm mộ. Lời cảm ơn từ gia đình, tôi không đưa vào trong thư, mà muốn viết nó bằng trái tim, từ sâu trong đáy lòng.
Thử thách trước mắt không dễ dàng, nhưng lâu nay, tôi đã vượt qua nhiều khó khăn rồi. Tôi đã lăn lộn với trái bóng đủ lâu để cảm nhận được tất cả bằng bản lĩnh và tấm lòng biết ơn. Đây là cái nghiệp, chứ không phải cái nghề nữa. Cái nghề còn có thể thay đổi, còn cái nghiệp thì không. Tôi còn nguyên đam mê, khát vọng vươn đến những đỉnh cao mới. Tôi luôn ước mơ sẽ giúp bóng đá Việt Nam tốt hơn nữa. Tôi đã từng trải lòng, tôi không phải là người có tất cả nhưng tôi làm bóng đá với tất cả những gì tôi có.
- Ông đến ASIAD 19 với tâm thế nào, mong thành tích hay mong sự trưởng thành của cầu thủ?
Tôi cùng cộng sự và học trò mang trí tuệ, trách nhiệm, tình yêu, hoài bão và khát vọng đến với mọi giải đấu, mọi chặng đường mà chúng tôi đi qua. Và mong đón về tay những điều mà tim tôi muốn.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Bình luận (0)