Indonesia lộ nhược điểm
Việc Indonesia với lợi thế sân nhà nhưng vẫn thua đậm Nhật Bản đến 0-4, cho thấy Indonesia dù có tiến bộ, dù được tăng cường rất đông cầu thủ nhập tịch từ châu Âu, nhưng không phải không có điểm yếu.
Đầu tiên, tránh việc Indonesia tạo ra bất ngờ, đội tuyển Nhật Bản phải nắm được điểm mạnh nhất của đoàn quân trong tay HLV Shin Tae-yong (người Hàn Quốc). Điểm mạnh đó là Indonesia thường gây sức ép lớn lên đối phương ở đầu trận, tận dụng sự sung mãn về mặt thể lực và thể hình cao lớn của dàn cầu thủ có gốc gác châu Âu, chơi tốc độ và thường xuyên dồn bóng bổng vào khu vực cấm địa của đối phương.
Nhật Bản chống bóng bổng và đối chọi với lối chơi không ngại va chạm, “tra tấn” về thể lực của Indonesia bằng hàng phòng ngự cũng rất cao lớn. Đội hình xuất quân của Nhật Bản tối qua (15.11) có cặp trung vệ Ko Itakura (1,88 m), Koki Machida (1,90 m), hậu vệ phải Daiki Hashioka (1,84 m). Ngay phía sau họ là thủ môn Zion Suzuki (1,90 m). Với hàng thủ như thế này, người Nhật không còn lo các pha bóng bổng của đội tuyển Indonesia nữa.
Đây là điều mà đội tuyển Việt Nam cũng có thể áp dụng, bởi trong tay HLV Kim Sang-sik có các cầu thủ phòng ngự sở hữu thể hình không đến nỗi tệ. Số này có Thanh Bình (1,83 m), Thành Chung (1,82 m). Họ không to lớn vượt trội, nhưng không quá kém trong các pha tranh chấp tay đôi và chống bóng bổng. Phía sau họ là thủ môn Nguyễn Filip (1,92 m) sẵn sàng hỗ trợ các đồng đội ngay phía trên.
Đó là trong phòng ngự, còn trong tấn công, Nhật Bản rất chịu khó khoét vào 2 biên của Indonesia. 2 bàn thắng thứ nhì và thứ 4 của Nhật Bản trước đội bóng xứ sở vạn đảo thể hiện rõ những tình huống tấn công như thế này.
Ở bàn thắng thứ nhì, bóng được đưa xuống biên trái, trước khi Mitoma chuyền cho Minamino đệm bóng vào lưới. Còn ở bàn thắng thứ 4, Yukinari Sugawara phối hợp chồng biên với đồng đội bên cánh phải, trước khi anh từ cánh này xộc thẳng vào trung lộ đội Indonesia, tung cú sút ở cự ly gần và ghi bàn.
Đội tuyển Việt Nam có thể học hỏi cách tiếp cận khung thành Indonesia
Điểm đáng chú ý tiếp theo, dù tấn công biên khá nhiều, nhưng các cầu thủ Nhật Bản rất ít thực hiện các pha tạt bóng bổng vào phía trong, để tránh hàng thủ cao lớn gốc châu Âu của Indonesia ngăn chặn. Nhật Bản sẵn sàng chuyền bóng sệt vào trung lộ hoặc các cầu thủ của họ dùng tốc độ và kỹ thuật đi bóng thẳng vào khu vực cấm địa của Indonesia, rồi xử lý các tình huống bóng tiếp theo.
Đây cũng là điều mà HLV Kim Sang-sik có thể tham khảo và áp dụng cho đội tuyển Việt Nam. Cầu thủ đá cánh của bóng đá Việt Nam cũng giàu kỹ thuật và giàu tốc độ, vấn đề còn lại là chúng ta thay đổi thói quen trong các pha tạt bóng vào phía trong, thay vì tạt bổng, có thể hướng đến những đường chuyền tầm thấp. Đồng thời, khâu phối hợp giữa cầu thủ ở biên và các tiền đạo phía trong cần tốt hơn, ăn ý hơn, để các tiền đạo khai thác được khoảng trống và nhận bóng từ những đường chuyền tầm thấp của cầu thủ đá biên. Điều này có thể cải thiện thông qua tập luyện.
Một vấn đề khác ở chỗ các cầu thủ nhập tịch của Indonesia rất dễ xuống tinh thần, nhất là khi họ bị dẫn trước, thể hiện qua pha cản phá hời hợt của trung vệ Jay Idzes ở bàn thua thứ 3: anh để cho bóng trôi qua tầm chân của mình rồi lăn vào lưới đội nhà, dù cú sút của cầu thủ Nhật Bản khá nhẹ. Đây là điều đã được nói đến đôi lần, khi Indonesia sử dụng cầu thủ nhập tịch quá nhiều.
Riêng cựu Phó chủ tịch VFF Dương Vũ Lâm từng lên tiếng: “Trong một số trường hợp, cầu thủ nhập tịch có thể trở thành điểm yếu của đội tuyển Indonesia, nhất là khi đội này rơi vào hoàn cảnh bất lợi về mặt tâm lý. Yếu tố màu cờ sắc áo của dàn cầu thủ nhập tịch trở về từ châu Âu không mạnh bằng cầu thủ chính gốc Indonesia như chúng ta từng chứng kiến trước đây”.
Đối thủ chính của đội tuyển Việt Nam đang dần được “bóc trần”, điều quan trọng còn lại là HLV Kim Sang-sik sẽ làm gì để đẩy nhanh tốc độ khai thác các điểm yếu này từ đối thủ?
Bình luận (0)