Thời điểm ra mắt bóng đá Việt Nam trên cương vị HLV trưởng đội tuyển quốc gia, HLV Philippe Troussier khẳng định ông không coi đội tuyển Việt Nam và U.22 Việt Nam là hai đội bóng hoàn toàn riêng biệt, mà mỗi đội đều là một phần trong chiến lược hướng tới World Cup 2026.
Quan điểm của chiến lược gia người Pháp là U.22 Việt Nam không thuần túy là một đội trẻ được tập hợp để đấu giải trẻ, mà đây là đội dự phòng để luyện quân, đào tạo tài năng trẻ cho đội tuyển Việt Nam. Hay nói cách khác, U.22 Việt Nam là đội B, còn đội tuyển Việt Nam là đội A giống mô hình ở những đội bóng hàng đầu thế giới. Những cầu thủ thể hiện tốt ở đội B có thể giành suất lên đội A.
Dưới thời HLV Park Hang-seo, nòng cốt đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019 và vòng loại thứ ba World Cup 2022 đã được huấn luyện và phát triển từ lứa U.23 Việt Nam về nhì ở giải U.23 châu Á 2018. Ông Park đã tận dụng gốc rễ cầu thủ trẻ rất vững chãi để tái cơ cấu đội tuyển, thay đổi tới 80% nhân sự và sau đó thiết lập một chu kỳ thành công kéo dài tới 3, 4 năm.
HLV Troussier được chờ đợi tiếp tục trẻ hóa và thay đổi đội tuyển theo hướng này. Xuất phát điểm của ông gần giống người tiền nhiệm, đó là tiếp cận bóng đá Việt Nam tuần tự từ lứa trẻ, huấn luyện cầu thủ trẻ tham gia một số giải đấu rồi mới nắm quyền ở đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có những khác biệt cơ bản. Trong khi lứa U.23 năm 2018 của ông Park đã thi đấu thường xuyên ở V-League ít nhất 1 đến 2 mùa giải, có thành tích nổi trội ở các giải trẻ (vào chung kết U.23 châu Á, dự U.20 World Cup), tức là có đủ thời gian chứng minh bản thân đủ khả năng thay thế đàn anh, thì lứa U.22 hiện tại của ông Troussier chưa thể hiện được nhiều như thế.
Tấm HCĐ SEA Games 32 chưa phải thành quả như mong đợi, dẫu biết với lứa cầu thủ mà phần đông phải ngồi dự bị, thiếu trải nghiệm thi đấu thì đá như vậy đã là rất cố gắng. Ở V-League, số cầu thủ trẻ đã có chỗ đứng ở CLB chủ quản chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực ra, việc cầu thủ trẻ ít ra sân tại CLB có thể là lý do thôi thúc HLV Troussier đôn học trò lên đội tuyển quốc gia, bởi tập luyện cùng các đàn anh là cách để những tài năng trẻ vỡ vạc ra nhiều điều, bù đắp lại khoảng trống ở đội bóng chủ quản. Đôn một số tài năng U.22 lên đội tuyển Việt Nam, cũng là phần thưởng khích lệ để các cầu thủ khác cố gắng hơn.
Tuy nhiên, đưa bao nhiêu cầu thủ trẻ lên đội tuyển Việt Nam là vấn đề phải tính toán. Thứ nhất, việc huấn luyện cầu thủ trẻ luôn cần lộ trình bài bản, thay vì để cầu thủ bị "chín ép". Khi còn làm việc tại Nhật Bản, ông Troussier cũng khởi đầu từ đội U.20, rồi lên đến đội Olympic và đội tuyển quốc gia. Sau khi đưa U.20 Nhật Bản về nhì ở U.20 World Cup 1999, HLV Troussier chỉ đôn 6 cầu thủ U.20 lên đội Olympic. Sau đó Olympic Nhật Bản tiếp tục chơi tốt khi vào tứ kết Olympic 2000, ông Troussier cũng chỉ đôn 5 cầu thủ của đội này lên đội tuyển Nhật Bản. Tức là HLV người Pháp có chiến lược đưa cầu thủ trẻ "vượt cấp", nhưng thực hiện rất dè dặt và cẩn trọng.
Với đội tuyển Việt Nam, quá trình trẻ hóa sẽ diễn ra từ từ. Trước mắt, một số cái tên được đá thường xuyên như Lê Văn Đô, Phan Tuấn Tài, Lương Duy Cương hay Nguyễn Văn Tùng "sáng cửa" nhất.
Ngoài ra, lứa trụ cột của đội tuyển Việt Nam chủ yếu ở độ tuổi từ 25 đến 30, tức là vẫn đủ khả năng chinh chiến thêm ít nhất 2 đến 3 năm nữa. Đây là thời gian diễn ra vòng loại World Cup 2026. Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, các trụ cột dưới thời ông Park rất có thể vẫn là chủ công của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2026, còn thế hệ trẻ sẽ được chăm bẵm và ươm mầm để từ từ thế vai đàn anh tại vòng loại World Cup 2030. Việc đôn lứa U.22 Việt Nam lên tuyển sẽ được tính toán rất kỹ lưỡng, để đảm bảo chiến lược dài hạn nhưng cũng không ảnh hưởng đến thành tích trước mắt.
"HLV Troussier và VFF cần ngồi lại để đánh giá lực lượng hiện tại, chuẩn bị cho mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Với mục tiêu trước mắt, nòng cốt đá vòng loại World Cup 2026 và Asian Cup 2023 vẫn là lực lượng hiện nay của đội tuyển, có thể kết hợp với một số cầu thủ U.22. Sau Asian Cup 2023, chúng ta sẽ biết đội tuyển Việt Nam đang đứng ở đâu. Còn với mục tiêu lâu dài, bóng đá Việt Nam và ông Troussier cần đầu tư dài hạn cho U.17 và U.20 Việt Nam bởi đây là nòng cốt đá vòng loại World Cup 2030", chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ.
Bình luận (0)