(TNO) Không dễ gì để có một buổi trò chuyện thật đã với HLV tuyển U.19 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn, bởi cái nhịp sống mà như ông tổng kết là 3 tháng về nhà được 3 ngày, nhưng một khi đã ngồi sẽ rất thú vị, bởi góc nhìn và cả những trải nghiệm hay ho từ vị HLV cá tính này.
HLV Hoàng Anh Tuấn trong lần gặp nhà vô địch thế giới Marcelo Lippi - Ảnh do nhân vật cung cấp
|
U.19 Việt Nam phiên bản 2014 và 2015: Không phải con ruột, con ghẻ
* Chào ông, sau chiến thắng tại Myanmar, ông hẳn đã nhẹ nhàng đi nhiều?
HLV Hoàng Anh Tuấn: Thực ra với tôi thành tích của U.19 Việt Nam ở giải vô địch Đông Nam Á (xếp nhì, sau Thái Lan - PV) đã rất thành công. Theo đánh giá chủ quan của tôi, U.19 Việt Nam chất lượng con người là có, nhưng thời gian là không đủ cho công tác chuẩn bị cho một giải tầm cỡ như vậy.
Đây là lứa tuổi trẻ. Tuyển quốc gia không cần nhiều thời gian nhiều như thế, một trận đấu chỉ cần vài ngày; cấp độ U.23 chuẩn bị cho giải đấu như SEA Games thì 1 tháng là đủ nhưng lứa tuổi U.19 thì kỹ năng chưa đạt được mức độ đó.
Tổng hòa các yếu tố chuyên môn nữa, 35 ngày để chuẩn bị cho một tập thể trẻ như thế rất là khó. Nhưng trong cái khó đó, mình cũng tìm được cách khắc phục. Ví dụ như tôi đưa ra quy định chung khắc phục kinh nghiệm còn non kém và tạo sự hòa nhập chung với nhau bằng cách tập nhiều hơn, thời gian nghỉ ít lại.
Sau khi từ Lào tôi muốn có sự chuẩn bị tốt hơn. Có đề xuất rồi, nhằm thay đổi vị trí tập huấn. Khi đó, tôi đề nghị có 1 trận đấu đúng nghĩa, có tính quốc tế với đối tượng nước ngoài, trong tình trạng sân có khàn giả để các em tích lũy thêm kinh nghiệm.
Ông Tuấn "con" trong một chuyến đi chung với HLV Phan Thanh Hùng - Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Thật ra 6 trận đấu tại Lào, các em tiến bộ nhiều lắm. Nhưng tầm vóc Đông Nam Á và ý nghĩa của châu Á hoàn toàn khác nhau. Vào vòng chung kết Châu Á là hết sức vinh dự. Sang năm, chúng ta sẽ gặp những đối thủ rất là lớn. Các em sẽ được va chạm và sẽ tiến bộ. Tiến bộ đó là cho bóng đá Việt Nam.
* Qua 2 giải đấu tại Lào và Myanmar, ông có còn trăn trở hay tiếc nuối nào không?
HLV Hoàng Anh Tuấn: Cũng có rất nhiều cái. Như tôi vẫn nói, trong khó khăn ta phải khắc phục, nhưng nếu như có điều kiện tốt hơn thì... Tôi nói thế không đồng nghĩa chúng ta sẽ vô địch Đông Nam Á, hay thế này thế khác, nhưng rõ ràng về mặt chất lượng sẽ khác hẳn. Ví dụ nếu các em được đi tập huấn, thi đấu quốc tế nhiều hơn sẽ thay đổi lớn về mặt chuyên môn. Ví dụ cũng thắng đối thủ đó nhưng bằng cách chơi, tâm thế hoàn toàn khác chứ không phải hết sức vất vả về chuyên môn lẫn tâm lý.
U.19 Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều. Nơi tập huấn, điều kiện dinh dưỡng cũng chưa hẳn là tốt đâu. So với U.19 năm ngoái thì không bằng. Ăn một ngày một trăm mấy chục ngàn. Tôi cho rằng Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã có những cố gắng, nhưng chưa đủ nếu muốn làm bóng đá thật là tốt..
HLV Hoàng Anh Tuấn trao đổi cùng HLV trường CLB FC Seoul - Ảnh do nhân vật cung cấp
|
* Có nhiều người cho rằng 2 phiên bản của U.19 Việt Nam các năm 2014 và 2015 giống “con ghẻ và con ruột”?
HLV Hoàng Anh Tuấn: Cái đó cũng chưa hẳn. Thật ra trong điều kiện này VFF cũng rất là cố gắng tạo điều kiện. Năm ngoái đương nhiên có nhiều bàn tay chung sức vào, nhưng rõ ràng VFF cũng đã làm rất nhiều việc trong việc đó chứ không phải không.
Vấn đề không phải là cứ cho ăn nhiều, đầu tư cho tốt để đá cái giải này giải kia đâu. Về tầm nhìn, bóng đá trẻ là cho tương lai, là tương lai bóng đá Việt Nam chứ không phải 1 CLB nào đó, như Viettel, HAGL hay B.BD…
* Quá trình tuyển quân luôn có tính quyết định rất lớn đến thành công của các đội tuyển trẻ. Ông và U.19 Việt Nam phiên bản 2015 thì sao?
HLV Hoàng Anh Tuấn: Tôi đi tuyển quân từ đầu năm từ vòng loại đến vòng chung kết U.19 quốc gia, đi rất nhiều từ Nghệ An đến TP.HCM… để xem các bạn thi đấu. Ban đầu tôi cứ nghĩ rất là khó khăn. Nhưng sau này khi đi xem rồi thấy chất lượng các em rất tốt, đặc biệt là thể hình. Trớ trêu ở chỗ người mình cần, muốn lấy lại quá tuổi hoặc như các anh xem U.19 Việt Nam hình thể rất tốt nhưng… tìm hậu vệ biên không có. Bởi vậy nên mới có 1 em đá tiền đạo lùi xuống đá hậu vệ biên, đá suốt giải, hoặc, 1 trung vệ khác ra đá biên vì bản thân hậu vệ biên chỉ lấy cho đủ, không bảo đảm chơi trong sân chơi như thế.
Xem xong vòng chung kết U.19 xong, tôi xem tiếp U.17 chọn được 1 em sinh năm 1999, em đó cũng dự bị thôi nhưng chơi rất là tốt. Mấy trận xem đều ghi bàn hết kể cả giải trên đất Lào. Đó là em Dương Tiến Anh, mới 16 tuổi. Đó là những trải nghiệm hết sức thú vị.
"Thắng Thái Lan chỉ thỏa mãn mặt tâm lý mà tôi gọi là ích kỷ"
HLV Hoàng Anh Tuấn trong lúc đang thực hiện yêu cầu của một khóa học - Ảnh do nhân vật cung cấp
|
* Tôi nghe đồn rằng ông tính bán ô tô?
HLV Hoàng Anh Tuấn: Đi nhiều như vậy xe để đó làm gì? 1 năm mấy qua tôi toàn đi: từ đi học, đi làm, mọi thứ... Đi biền biện, có những lúc nhớ con cái da diết. May là ở nhà có gia đình lo nên còn đỡ bất an. Các năm trước tôi có đi có về, đặc thù công việc đi nhiều lắm là nửa tháng hoặc 3 tuần. Năm nay đi nhiều, thời gian đi kéo dài. Như vừa rồi chuẩn bị cho giải Đông Nam Á và vòng loại châu Á là 3 tháng, từ 14.7 đến 14.10 tôi chỉ về nhà được 3 ngày.
Có những lúc con gái nói “Ba ơi con nhớ ba quá”, nghe mà nao lòng. Cũng may, bây giờ phương tiện truyền thông phát triển nên cũng đỡ, giúp mấy cha con vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. May là các con ở nhà được chăm sóc tốt, rất ngoan.
* Xin hỏi như thắc mắc chung của các độc giả, là tổng số tiền ông đã sử dụng từ khi học nâng cao bằng FIFA Pro là bao nhiêu?
HLV Hoàng Anh Tuấn: Ngồi đây tính cũng không chính xác lắm. Anh biết đấy, những chi phí, tốn kém của mình về mặt vật chất không đáng kể. Tốn kém về thời gian và sự đầu tư suy nghĩ là rất nhiều. Ví dụ là gián đoạn công tác huấn luyện. Đã có những CLB mời tôi đi làm, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy thời gian, khối lượng vừa làm vừa học học e làm không nổi nên từ chối.
Làm HLV trưởng một đội bóng tại V-League tốn rất nhiều thời gian. Đặc thù HLV tại Việt Nam làm đủ mọi thứ, thậm chí là bác sĩ! Nếu đi học tôi sẽ không có thời gian tiếp thu được. Đầu tư tốn kém là tốn kém chỗ đó, về thời gian, về đầu tư.
Đó là ly do từ đầu năm ngoái tôi quyết định không đi làm. Cỡ một hai trăm triệu là chi phí đi lại vì FIFA và AFC tài trợ tiền học, tiền ăn ở mình chỉ tốn tiền di chuyển nước ngoài, trong nước. Rồi một số khoản tiền lặt vặt khác nữa… nhưng tôi cho rằng không quá đắt như vẫn nghĩ.
HLV Hoàng Anh Tuấn và HLV Carlos Queiroz (cựu HLV tuyển Bồ Đào Nha) - Ảnh do nhân vật cung cấp
|
* Là một trong số ít HLV từng đi xa “du học” ở đẳng cấp FIFA Pro, ông học được gì hay?
HLV Hoàng Anh Tuấn: Tôi nhớ nhất là lần gặp ông Andy Roxburgh, một người cực kỳ giàu kinh nghiệm, từng làm giám đốc kỹ thuật của UEFA từ 1994 đến tận năm 2012 và nay là giám đốc kỹ thuật của AFC. Thực ra, lúc tôi gặp ông là trong một chương trình của một giảng viên khác. Nhưng với tư cách người đứng đầu mặt chuyên môn của AFC, ông có ra sân và đứng lớp. Bài giảng chỉ đơn giản là cách làm việc thôi nhưng qua đó mình thấy rất nhiều cái đáng học, kể cả văn hóa làm việc.
Tiếp xúc với những chuyên gia hàng đầu như ông Andy Roxburgh, mới thấy diện mạo, phong thái người ta khác người Á Đông mình. Thực tế, điều đó rất cần thiết cho công việc. Và đặc biệt, dù kiêm nhiệm rất nhiều chức vụ nổi tiếng nhưng ông rất giản dị.
Trong quá trình học chứng chỉ FIFA Pro, tôi đã đi Malaysia, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tôi được đến gặp một số HLV nổi tiếng, đến các CLB lớn của châu Á xem họ tập, thi đấu, xem cách tổ chức của họ. Như tại Trung Quốc, tôi đã có dịp thỉnh giáo huyền thoại Marcelo Lippi, xem đội bóng của ông huấn luyện, thi đấu.
Ấn tượng rất nhiều, nhưng trên hết là chuyên nghiệp. Mà càng nhìn, mình lại càng ức.
* Ức là ức thế nào?
HLV Hoàng Anh Tuấn: Nếu xem vùng trũng Đông Nam Á giống như một lớp học thì Việt Nam mình luôn có những lứa học sinh có xuất phát điểm rất tốt. Nhưng so trong lớp học mình không bao giờ đứng đầu cả.
Bóng đá, xét về xuất phát điểm, tố chất mình không thua kém so với Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia.. Cái mình thua là phương pháp phát triển, đào tạo, định hướng. Bởi vậy, mình mãi không thể làm ông chủ Đông Nam Á giống như Thái Lan được. Đương nhiên còn nhiều yếu tố khác, nhưng xuất phát điểm, về mặt chuyên môn tôi khẳng định Việt Nam mình trội hơn người ta.
Ông Tuấn "con" trong kỷ niệm nghe giảng từ GĐKT AFC Andy Roxburgh - Ành do nhân vật cung cấp
|
* Nhắc đến Thái Lan, lại đau lòng vì thất bại 0-3 trước họ. Bao giờ ta sẽ thắng Thái Lan đây?
HLV Hoàng Anh Tuấn: Tại sao vậy? Nói về Thái Lan, đa số đều nói phải thắng họ. Quan điểm cá nhân tôi cho đó là ích kỷ. Đó là một sự ích kỷ.
Mình đâu nhất thiết phải thắng Thái Lan? Mình nên học họ cách định hướng, rồi đến một lúc nào đó Thái Lan cũng chả là cái gì đó với mình.Giống như ngày xưa họ chấp nhận bỏ 10 năm thua kém ở vùng trũng Đông Nam Á, chấp nhận từ AFF Cup đến SEA Games để Singapore, Malaysia hoành hành. Để rồi khi người Thái trở lại, những đội kia không ra cái gì với họ nữa cả.
Đừng nhìn Thái Lan theo kiểu một hai phải thắng họ. Hãy nhìn họ, học họ cách làm với tầm nhìn ra châu lục. Rồi đến một lúc nào đó Thái Lan cũng không là cái gì của mình cả. Tôi tin thế. Tự động điều đó sẽ đến chứ nó sẽ không đến bằng những suy nghĩ phải quyết đá thắng họ.
Xét cho cùng, giá trị của 1 trận đấu thắng Thái Lan và Iran, Iraq cái nào quan trọng hơn? Thắng Thái Lan chỉ thỏa mãn mặt tâm lý mà tôi gọi là ích kỷ. Kiểu ghét nó nên phải thắng. Chứ 1 chiến thắng trước Iran, Iraq giá trị hơn chứ vì đó là tầm vóc châu lục khác hoàn toàn.
* Cảm ơn ông!
Bình luận (0)