Hô biến rác thành thực phẩm sạch - Kỳ 2: Chiêu trò rác rau củ, quả được "lột xác"

01/11/2024 11:19 GMT+7

Nhiều ngày có mặt tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (chợ Hóc Môn, H.Hóc Môn, TP.HCM), chúng tôi quan sát và ghi nhận ngoài những người nhặt rau củ phế phẩm về chăn nuôi, không ít người của các sạp rau cũng tham gia nhặt thực phẩm tại bãi rác thải này về bán lại cho người khác.

Dọc theo đường số 4 cặp bên hông chợ Hóc Môn, hằng ngày, có đông người buôn bán (chợ tự phát), kèm theo đó là rác thải vứt bừa bãi. Rau củ, quả hư hỏng không bán được, tiểu thương vứt bừa ra đường. Các phế phẩm động vật, thủy hải sản, nước thải cũng được người bán đổ ra đây. Những đống rác lớn hình thành dọc theo tuyến đường bốc mùi hôi thối với đầy ruồi nhặng bu bám.

"Nhặt rau về cho heo ăn"?

Khoảng 8 giờ ngày 29.8, người đàn ông trung niên chạy xe máy biển số tỉnh Long An dừng lại trên đường số 4 gần cổng ra vào B3 chợ Hóc Môn. Thấy đống rác có nhiều bắp cải trắng, người đàn ông đi đến nhặt bỏ đầy hai bao tải.

Hô biến rác thành thực phẩm sạch - Kỳ 2: Chiêu trò rác rau củ, quả được "lột xác"- Ảnh 1.

Chiếc xe máy người phụ nữ lỉnh kỉnh rau củ, quả vừa nhặt tại các đống rác trong chợ Hóc Môn. Số rau củ, quả phế phẩm này được người phụ nữ chở về tận Bình Dương để bán

ẢNH: TRẦN KHA

Người đàn ông định rời đi thì một người chạy xe máy đến, đổ số bắp cải phế phẩm khác xuống đống rác đầy nước bẩn. Người đàn ông tìm lượm được một bao tải ở đống rác, rồi đến nhặt số bắp cải trên. Khi được hỏi, người đàn ông cho biết, nhặt số bắp cải này về cho gia súc ăn và làm thực phẩm cho gia đình ăn.

Lúc này, bên trong lối đi của chợ Hóc Môn gần cổng B1 có khoảng 5 đến 7 người tranh nhau nhặt rau củ, quả phế phẩm tại đống rác lớn. Đây là số rau củ, quả đã bị hư hỏng, không thể bán được, các tiểu thương tại sạp trong chợ mang ra đây đổ bỏ. Xe cộ ra vào chợ liên tục cán qua khiến chúng dập nát trộn lẫn với bùn đất làm khu vực cáu bẩn và được xe ủi, thu gom lại thành một đống rác lớn.

Thấy nhóm người nhặt rau củ, quả, PV cũng cầm một túi ni lông đến đống rác nhặt cùng. Điều cảm nhận đầu tiên đó là mùi hôi từ rác thải bốc lên, xộc thẳng vào mũi dù chúng tôi đã đeo khẩu trang. Trên nền xi măng nhếch nhác nước bẩn và bùn đất nhóm người vẫn tranh nhau bới móc trong rác tìm kiếm rau củ, quả để mang về.

Chúng tôi nhặt một trái dưa hấu từ đống rác lên quan sát, thấy trái dưa mềm, chảy nước nên bỏ xuống. Người phụ nữ ngồi cạnh bên cũng nhặt một trái dưa hấu lên, cầm dao gõ vào trái dưa, rồi cắt phần vỏ nứt bỏ đi, cho vào túi ni lông.

"Không có trái ngon 100% hết đâu. Trái nào hư thì mình cắt bỏ phần đó thôi", người phụ nữ nói và cho biết thường xuyên đến đây lượm trái cây. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi lượm về để làm gì thì người này lơ đi và nhặt tiếp.

Sau nhiều ngày có mặt tại chợ Hóc Môn (H.Hóc Môn), chúng tôi ghi nhận có rất nhiều người đến đây nhặt rau củ, quả phế phẩm mang về. Trong đó, người đàn ông ngoài 60 tuổi, chạy xe máy biển số 54 Y9 - 30.xx hầu như mỗi buổi sáng đều có mặt tại chợ Hóc Môn để tìm nhặt rau củ, quả.

Hô biến rác thành thực phẩm sạch - Kỳ 2: Chiêu trò rác rau củ, quả được "lột xác"- Ảnh 2.

Người đàn ông nhặt rau củ, quả phế phẩm trong chợ đem về bán

ẢNH: TRẦN KHA

Hơn 7 giờ ngày 17.9, PV có mặt tại chợ Hóc Môn lúc trời vừa đổ mưa. Cơn mưa tuy không lớn nhưng càng làm cho khu vực lối đi trong chợ thêm nhầy nhụa.

Vừa dứt mưa, trong vai người đến nhặt rau, chúng tôi tiếp cận người đàn ông đi xe máy 54 Y9 - 30.xx để bắt chuyện. Biết chúng tôi tìm hành lá, người đàn ông bươi đống rác lên, moi ra một nắm hành đưa cho chúng tôi. Tuy nhiên, phần lớn số hành lá này ngả màu vàng, mềm nhũn nên PV bỏ lại đống rác.

Đi đến chỗ chiếc xe máy của người đàn ông, chúng tôi thấy trên xe treo đủ các loại rau củ, quả như: khoai lang, củ hành, củ cải, rau muống, cà rốt, khoai tây, cà tím, bí đỏ... Người đàn ông cho hay, toàn bộ số hàng trên nhặt trong chợ trong sáng nay. Khi chúng tôi hỏi lấy nhiều vậy ăn sao hết, người đàn ông cười và đáp "nhặt về cho heo ăn" (?).

Sau gần 2 tiếng, người đàn ông lượm nhặt được rất nhiều rau củ, quả phế phẩm ở các đống rác, thùng rác trong chợ và trên đường số 4 chất lên xe rời đi.

Hô biến rác thành thực phẩm sạch - Kỳ 2: Chiêu trò rác rau củ, quả được "lột xác"- Ảnh 3.

Sau khi nhặt rau củ, quả phế phẩm ở chợ đầu mối, người đàn ông đem về tập kết ở nhà trên đường Tân Thới Nhì 21 (H.Hóc Môn)

ẢNH: TRẦN KHA

Bám theo xe máy của người này, chúng tôi phát hiện rau củ, quả sau khi nhặt được đưa về căn nhà 1 trệt, 1 lầu trên đường Tân Thới Nhì 21 (xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn) - nơi người này và vợ đang ở. Tại căn nhà này, rau củ, quả để bừa bãi trên nền gạch đầy bùn đất từ hành lang đến tận phòng khách. Tránh sự nhòm ngó từ mọi người xung quanh, căn nhà thường xuyên đóng cửa.

Trước đó, người đàn ông này cho hay nhặt rau củ, quả phế phẩm về cho "heo ăn", nhưng khi đến căn nhà này, chúng tôi không thấy nhà có nuôi heo, xung quanh cũng không có chuồng trại. "Đây là khu dân cư nên ở đây không có chuồng trại, chăn nuôi gia súc", người dân tại khu vực khẳng định.

Rau bán rẻ như cho

Để biết được số rau củ, quả phế phẩm này đi về đâu, sử dụng vào mục đích gì, chúng tôi đã nhiều giờ đeo bám và hơn 15 giờ cùng ngày, người đàn ông nói trên bắt đầu chuyển số rau củ, quả nhặt ở chợ Hóc Môn từ căn nhà nói trên, đưa lên xe máy biển số 59 Y1 - 436.xx, đang dựng trước cửa nhà.

Lúc này, bà D. (là vợ người đàn ông nói trên) chở số rau củ, quả đến đường Nguyễn Văn Bứa (xã Xuân Thới Sơn, H.Hóc Môn) bày ra trước cổng một công ty may mặc để bán cho các công nhân.

Hô biến rác thành thực phẩm sạch - Kỳ 2: Chiêu trò rác rau củ, quả được "lột xác"- Ảnh 4.

Bà D., đem rau củ, quả do chồng nhặt ở chợ Hóc Môn ra đường Nguyễn Văn Bứa bán cho công nhân với giá 5.000 đồng bịch mọi loại rau

ẢNH: TRẦN KHA

Trong vai người mua rau củ, cầm bịch cà tím trên tay, chúng tôi thấy phần lớn chúng bị cắt bỏ phần đầu và đuôi. Chúng tôi thắc mắc sao không để nguyên trái cà bán thì bà D. giải thích, lúc lấy về cà được bỏ trong bịch quá lâu dẫn đến hầm hơi, những quả hư buộc phải cắt bỏ (?).

Sau nửa tháng điều tra, không chỉ riêng bà D., chúng tôi còn ghi nhận nhiều trường hợp buôn bán hàng rong nhỏ lẻ khác cũng đến chợ đầu mối Hóc Môn nhặt rau củ, quả phế phẩm về bán lại kiếm lời. Có trường hợp chủ sạp rau ở tận tỉnh Bình Dương chạy xe máy vượt quãng đường hơn 20 km xuống chợ đầu mối Hóc Môn để nhặt rau củ, quả phế phẩm về bán. Đáng chú ý, những trường hợp này, chúng tôi tiếp cận hỏi về nguồn gốc số rau củ, quả thì người bán đều khẳng định mua ở chợ đầu mối.

Không chỉ cà tím, nhiều rau củ quả khác như cà rốt, củ cải trắng, bí đỏ, khoai lang, đu đủ cũng đã được người bán cắt, gọt bỏ vỏ. Thấy chúng tôi phân vân vì rau củ, quả "quá xấu", bà D. khẳng định, chúng vẫn "ăn được" và trấn an hàng hóa được bà lấy ở chợ đầu mối về bán. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi sao không lấy "hàng tươi" thì bà D. tỏ vẻ bực mình đáp lại, ở chợ cũng có loại giá cao, giá rẻ. Lấy hàng đẹp thì giá cao khó bán, hàng xấu thì bán giá "mềm" hơn.

"Khi lấy về tôi rửa lại hết, chia ra từng phần cho vào bịch để dễ bán. Bịch rau có 5.000 đồng/bịch, giá quá rẻ. Tiền nào của đó", bà D. nói.

Trước đó, trung tuần tháng 9.2024, chúng tôi ghi nhận chồng bà D. chạy xe máy đến chợ Hóc Môn để nhặt rau củ, quả phế phẩm ở các đống rác thải, chở về tại góc đường Xuân Thới Sơn 29 - Nguyễn Văn Bứa (H.Hóc Môn) đổ trực tiếp ra sạp rau bán. Nơi này bà D. bày sạp rau bán nhiều năm nay. Tuy nhiên, vừa qua việc buôn bán lấn chiếm lòng lề đường tại đây đã bị lực lượng chức năng xử lý. Không còn chỗ bán cố định, hiện bà D. bán theo kiểu "chạy chợ" khắp các tuyến đường trên địa bàn H.Hóc Môn.

Đa phần những người mua hàng tại các sạp rau hoặc đến quán ăn mà chúng tôi đề cập ở trên khi biết được nguồn gốc số rau củ, quả được người bán nhặt ở bãi rác, thùng rác trong chợ người mua rất hoang mang, không dám sử dụng... (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.