Hồ Huy chính là người sáng lập ra trang "Tản văn hay" đồng thời cũng là một tay viết tản văn đầy chất lãng tử, ngẫu hứng với những bài viết bay bổng và lãng mạn, mà ta gặp trong tập sách Tháng mười bẻ nắng sau lưng chiều. Huy cũng là người chuyên thiết kế, dàn dựng video clip cho các tác giả để các bài viết thêm phần sinh động hơn, lung linh kỳ ảo hơn qua giọng đọc của các phát thanh viên.
Là một tác giả trẻ, Hồ Huy đi khỏe, viết khỏe và đầy trách nhiệm, nhiệt huyết, đam mê. Huy cũng từng đi từ rừng xuống biển, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, vốn sống và sự trải nghiệm. Tản văn có lẽ là đề tài phù hợp với Huy, nếu nhìn nhận tản văn là một dạng văn xuôi viết ngắn và Huy luôn dành khoảng thời gian đi biển của mình để viết bất cứ khi nào có thể. Văn của Huy được người đọc đồng cảm bởi lối viết đầy dẫn dụ, lôi cuốn, đẹp cả về ngôn từ lẫn hình ảnh.
Tập tản văn Tháng mười bẻ nắng sau lưng chiều được viết bởi một tâm hồn đầy mơ mộng, nhạy cảm, và dấu ấn khó quên để lại trong lòng bạn đọc - đó là ngôn ngữ. Thứ ngôn ngữ được sử dụng đầy chất thơ và đẹp như thơ. Cách thể hiện đa dạng được khai thác cùng những trải nghiệm sinh động khiến người đọc đôi khi chùng lòng, ngơ ngẩn.
Trong tản văn Cái bóng của hoàng hôn, Huy viết "Có những buổi hoàng hôn Hà Thành, phố cổ lên hương bằng mùi sấu non". Tôi cứ nghĩ giữa cuộc sống xô bồ, vội vã, giữa những âm thanh bụi bặm, còi xe của đường phố, đã bao giờ ta lắng lại để nghe mùi sấu non khi hoàng hôn tắt bóng?
Về những buổi hoàng hôn Vũng Tàu nơi mình sống, Huy viết "có những chiều ngả bóng, anh công nhân giàn khoan cay mắt nhớ bờ". Viết về mình hay viết cho ai đây mà lòng đầy thương cảm? Huy là kẻ lãng du, từng chứng kiến nhiều buổi hoàng hôn tắt bóng. Và thông điệp cuối cùng được Huy đưa ra chính là những giá trị nhân văn, đó là "hoàng hôn bóng mẹ - hình cha" và tôi nghĩ đó mới chính là thứ hoàng hôn quan trọng nhất. Hoàng hôn của đời người.
Tôi cho rằng tản văn là thể loại dễ đọc nhưng khó để viết hay. Đọc Tháng mười bẻ nắng sau lưng chiều, ta thấy một trái tim ấm, một tâm hồn với góc nhìn rộng và thu hút từ cách chọn đề tài.
Trong tản văn Chim Kơ tia vẫn bay, tuy viết về một loài chim, nhưng thực ra là Huy đang viết về đất và người Tây Nguyên. "Người Tây Nguyên sinh ra để tìm nhau, sông Tây Nguyên uống nước phải lòng nhau, tượng gỗ nhà mồ tạc ra để hôn nhau" và khẳng định "Tây Nguyên còn thở, chim Kơ tia còn bay...". Ẩn giấu sau mỗi câu chuyện Huy nói đến thường là khát khao, nặng lòng về những ngày đã cũ. Đôi khi Huy viết như “lên đồng” bằng những cảm xúc trải dài bất tận khiến người đọc miên man trôi theo những câu từ đầy dẫn dụ, ma mị "Con đường em nắng, con đường em mưa, con đường em gió, con đường ban trưa. Này con đường vắng. Nào đâu mù tối. Này con mắt lội, đợi lời thiết tha..." tản văn đẹp như người ta làm thơ bằng một lối viết tài hoa nồng nàn cảm xúc, tâm hồn nhạy cảm với những cảm nhận trực cảm của Huy dễ dàng đi thẳng đến trái tim người đọc.
Trong cuốn tản văn có rất nhiều bài hay, như Người đàn bà của đất, Những buổi chiều quên nắng, Thương nhớ thành Vinh, Trăng treo bóng biển, Những con mắt Hà Giang, Tháng mười bẻ nắng sau lưng chiều... chờ người đọc thả hồn cùng cộng hưởng cảm xúc.
Bình luận (0)