Những ai về thăm hồ Lắk ở huyện Lắk (Đắk Lắk) cách đây khoảng chục năm nay trở lại đều giật mình trước những sa sút của thắng cảnh nổi tiếng vùng Tây Nguyên này. Vào mùa khô, hồ Lắk phơi ra những vết thương do con người tạo nên. Nước hồ có màu đục nhờ, nhiều chỗ ven hồ rác rưởi tấp vào gây ô nhiễm, mặt hồ chằng chịt các loại đăng bắt cá, phần lớn đồi núi bao xung quanh đều trụi cây rừng; nhiều vũng cạn quanh hồ đã biến thành ruộng... Ông Ama Khê, một cư dân buôn Lê ở cạnh hồ đang chăn vịt, bảo với chúng tôi: “Trước kia, bơi thuyền ra hồ cách bờ chừng 50 mét chọc cây sào không đụng đáy, nay ra cách xa vài trăm mét mà nước hồ cũng chỉ sâu ngang thắt lưng. Nhờ hồ cạn nên có thể thoải mái chăn vịt, bắt cá trên hồ, nhưng cá cũng còn ít lắm, toàn cá nhỏ”.
Ông Bùi Văn Đức, Chủ nhiệm HTX du lịch Buôn Jun, huyện Lắk, cho biết hồ Lắk từ lâu được tỉnh Đắk Lắk quy hoạch là một trong những điểm du lịch trọng điểm nhưng bản thân thắng cảnh này đang ngày càng kém hấp dẫn. Nhiều du khách đến đây phàn nàn cảnh quan mặt hồ bị băm nát bởi đăng, đó bắt cá cắm dày đặc. Du khách muốn bơi thuyền độc mộc hoặc cưỡi voi băng qua hồ đều sợ vướng lưới đánh cá. Nhiều điểm quanh hồ bị người dân đổ đất lấn chiếm, dựng nhà, sinh hoạt chen chúc đã làm mất đi vẻ thơ mộng, hoang dã của hồ... Theo ông Đức, những hình ảnh xấu xí này đã khiến việc thu hút khách du lịch càng hạn chế, phần lớn khách đến tham quan hồ Lắk một lần rồi thôi.
Từ lâu, hồ Lắk còn nổi tiếng về nguồn thủy sản dồi dào, trong đó có những loài được xem đặc sản có vị ngon khác biệt như cá thát lát, cá chép, ốc bươu đen... Giờ đây, các loại cá, ốc này trở thành của hiếm. Bà Hoàng Thị Hảo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lắk, cho biết ở chợ huyện, người ta đã chở cá nơi khác về chế biến thành món chả cá mạo danh cá thát lát hồ Lắk. Theo bà Hảo, việc người dân dùng đăng, lưới mắt nhỏ đánh bắt tràn lan đã khiến việc bảo vệ các loài cá ở đây sinh trưởng gặp khó khăn. Năm ngoái, Phòng NN-PTNT huyện Lắk thả hơn 150 triệu con cá giống xuống hồ nhưng không chắc đàn cá này sống sót bao lâu trước kiểu đánh bắt tận diệt của người dân ven hồ.
Việc hồ Lắk bị bồi lấp, lấn chiếm ngày càng được thấy rõ. Ông Võ Văn Tụ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lắk, nhận xét: trước đây vào mùa khô, diện tích mặt hồ Lắk rộng hơn 500 ha, nay còn khoảng 300 ha. Nguyên nhân do rừng quanh hồ và thượng nguồn núi Yang Sin ngày càng thưa thớt khiến nguồn sinh thủy giảm thấp, nước chảy về hồ không còn nhiều vào mùa khô. Trong khi đó, bờ hồ bị khai phá biến thành đất trồng lúa đã làm diện tích mặt hồ ngày càng bị thu hẹp. Trước đây, quanh hồ Lắk có gần 14.000 ha rừng, nay chỉ còn khoảng 10.000 ha, nhưng chất lượng rừng rất kém. Mất rừng đã làm mặt đất trơ trụi, mùa mưa đất đá bị xói mòn, cuốn trôi xuống lòng hồ.
Ông Tụ cũng cho biết, năm ngoái huyện Lắk đã đề ra phương án trồng lại rừng quanh hồ nhưng đến nay chưa triển khai được vì không có kinh phí.
Trần Ngọc Quyền
Bình luận (0)