TNO

Hồ sơ: Khẩu siêu súng 1.200 nòng của Mỹ phá sản ở Việt Nam

11/02/2015 08:34 GMT+7

(Tin Nóng) Một dự án của quân đội Mỹ thiết kế một loại "siêu súng shotgun" gồm 1.200 nòng gắn trên trực thăng trong chiến tranh tại Việt Nam với tham vọng tạo ra hỏa lực khủng khiếp cho đối phương đã phá sản sau 2,5 năm nghiên cứu. Lý do là loại súng này có thể triệt hạ luôn cả phe địch lẫn phe ta!

(Tin Nóng) Một dự án của quân đội Mỹ thiết kế một loại "siêu súng shotgun" gồm 1.200 nòng gắn trên trực thăng trong chiến tranh tại Việt Nam với tham vọng tạo ra hỏa lực khủng khiếp cho đối phương đã phá sản sau 2,5 năm nghiên cứu. Lý do là loại súng này có thể triệt hạ luôn cả phe địch lẫn phe ta!


Hệ thống hoàn chỉnh của 1 khẩu siêu súng shotgun XM-215 gồm 4 cụm với hơn 1.200 nòng - Ảnh: Quân đội Mỹ

Trực thăng là loại vũ khí lợi hại khi bay thấp trên mặt đất và thả bộ binh. Trong gần 60 năm, quân đội Mỹ cùng các lực lượng khác cố gắng tạo nên các vũ khí để bảo vệ trực thăng trước hỏa lực đối phương khi chúng đáp xuống và bay lên lại, theo War is Boring ngày 9.2.2015.

Vào tháng 11.1968, Phòng thí nghiệm chiến tranh hạn chế của Lục quân Mỹ bắt đầu dự án chế tạo một loại súng shotgun siêu nòng gắn phía trước trực thăng, với quảng bá là tạo ra một bức tường đạn trút xuống đối phương trên mặt đất. Shotgun là loại súng nòng trơn, bắn đạn mảnh, sát thương hiệu quả ở tầm gần.

Theo dự án, chỉ cần bấm một cái nút, phi hành đoàn trên trực thăng sẽ tạo ra một trận bão đạn với hơn 1 ngàn viên trong 10 giây ở một góc rộng 40 độ phía trước trực thăng.

Tuy nhiên khẩu siêu súng này đã không làm việc. Các chỉ huy của lính Mỹ tại miền Nam Việt Nam, nơi du kích Việt Nam thường xuyên phục kích trực thăng khi chúng đáp xuống, thì không quan tâm đến một loại vũ khí có thể giết cả đối phương lẫn quân mình.

Trong khi đó Phòng thí nghiệm báo cáo rằng "Hệ thống này sẽ cung cấp cho các trực thăng chở quân một loại hoả lực tức thì, cận chiến trong khi hạ cánh và cất cánh trong chiến đấu".

Cốt lõi của khẩu siêu súng này là có bốn cụm súng cỡ nòng loại 5,56 mm, mỗi nòng được nạp sẵn một băng đạn. Mỗi cụm của loại siêu súng XM-215 "đa nòng" này có hơn 300 nòng. Như vậy khẩu siêu súng này có hơn 1.200 nòng! Toàn bộ hệ thống giống như một tổ ong. Nhưng khẩu siêu súng này có thể bắn ra rất đáng sợ với tốc độ chậm hơn, khạc đạn liên tục 40 giây.

Bốn cụm súng này gắn vào phía trước của một chiếc trực thăng. Trong thời gian thử nghiệm, một trực thăng UH-1D Huey được sử dụng để bắn thí điểm. Vào thời điểm đó, trực thăng vẫn là loại máy bay tương đối mới.


Bốn cụm súng shotgun với hơn 1.200 nòng gắn trước một chiếc UH-1D - Ảnh: Quân đội Mỹ


Nỗi ám ảnh lớn nhất của quân Mỹ trong chiến tranh tại Việt Nam là bị phục kích khi đổ bộ từ trực thăng xuống - Ảnh: Quân đội Mỹ

Năm năm trước khi dự án bắt đầu, lục quân Mỹ đã tranh luận về vai trò thích hợp của trực thăng quân sự. Trực thăng tấn công thì đương nhiên phải mang theo vũ khí. Nhưng còn trực thăng vận tải, chở quân thì có mang vũ khí không, nếu có thì mang bao nhiêu?

Nhiều cố vấn Mỹ cho rằng chỉ trực thăng vũ trang mới nên trang bị vũ khí. Trong cuộc thăm dò ý kiến 11 cố vấn quân sự Mỹ ở Sài Gòn năm 1964, chỉ có 4 người muốn gắn súng trên trực thăng vận tải. Các sĩ quan này tin rằng gắn thêm vũ khí sẽ làm tăng trọng lượng của trực thăng vận tải, khiến chúng dễ bị tổn thương, trở thành con mồi dễ dàng cho đối phương hơn, và hạn chế số lượng binh lính được chuyên chở.

Quân đội Mỹ đi đến kết luận tương tự và nhanh chóng từ bỏ kế hoạch đưa khẩu siêu súng đa nòng gắn vào phía trước của trực thăng vận tải.

Còn các phi công cho biết việc gắn thêm giàn súng shotgun siêu nòng này sẽ làm trực thăng thêm nặng và gây mất cân bằng cho máy bay. Nếu các khẩu súng này bắn ra, có khả năng đạn sẽ đi lạc vào binh lính khi nhảy từ trực thăng ra.

Trong khi đó du kích miền Nam Việt Nam thành thạo trong việc phục kích trực thăng vốn có sự phòng vệ rất kém khi hạ cánh, thường xuyên ra khỏi tầm bảo vệ của các trực thăng vũ trang hộ tống. Các xạ thủ Mỹ trên trực thăng đôi khi không dám bắn nếu các du kích đã ở quá gần với lính Mỹ.

Bên cạnh các cuộc phục kích, du kích Việt Nam cũng biến bãi đáp trực thăng thành những cái bẫy chết người. Trực thăng Mỹ cần bãi đáp rộng rãi để đáp xuống và dễ bị mắc kẹt trong những khu rừng rậm rạp. Khu vực bãi đáp trực thăng có thể thường bị cài chông tre,  hoặc có khi bị gài mìn.

Quân đội Mỹ sau đó đã gắn đại liên M-60 ở hai bên cửa hông trực thăng UH-1 Huey và CH-47 Chinook. Các chiếc trực thăng vận tải Chinook cũng có một khẩu súng thứ ba ở cửa khoang phía sau.

Nhưng trực thăng vũ trang vẫn là phương tiện chính để tấn công đối phương từ các bãi đổ bộ. Đại liên M-60 thì bắn chậm và không bao quát được khu vực rộng.

Về lý thuyết, phòng thí nghiệm của quân đội Mỹ cung cấp một giải pháp tiềm năng để cân bằng giữa tính an toàn và trọng lượng của một trực thăng vận tải. Với loại siêu súng được gắn vào, phi hành đoàn trực thăng có thể tấn công đối phương, đổ quân và hàng hóa, và sau đó bay lên lại trước khi bị thiệt hại.

Nhưng hệ thống vũ khí mới lại tạo ra một loạt vấn đề mới. Sức gió từ cánh quạt trực thăng sẽ làm thay đổi đặc tính khí động học của những viên đạn cỡ 5,56 mm khi bắn ra khỏi nòng. Và trong khi binh lính trên máy bay không thể chạy qua phía các nòng súng, thì độ tản rộng của hoả lực từ khẩu siêu súng này vẫn gây nguy hiểm cho họ trong một khu vực hạ cánh rất chật hẹp.

Có lẽ điều đáng chỉ trích nhất, là khẩu siêu súng này là một vũ khí bắn ra rất nhiều đạn cùng một lúc. Sau đó, vũ khí này chỉ còn là trọng lượng chết, vô dụng.

Đến tháng 5.1971, lục quân Mỹ huỷ bỏ dự án siêu súng shotgun. Vào thời điểm đó, các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại Aberdeen đã chế ra bốn khẩu súng độc đáo này. Các kỹ thuật viên khẳng định các vũ khí trên đã có sẵn, nếu có ai quan tâm. Tuy nhiên người ta không biết chuyện gì cuối cùng đã xảy ra với các nguyên mẫu súng này.

Cho đến ngày nay, trực thăng vận tải của quân đội Mỹ vẫn phải dựa vào loại súng máy gắn bên hông đã từng hoạt động từ thời chiến tranh Việt Nam, tuy hỏa lực có mạnh hơn và ít nòng hơn so với khẩu siêu súng shotgun chết yểu thời đó.


Một khẩu minigun ở cửa hông trực thăng UH-1 của không lực Mỹ - Ảnh: Không lực Mỹ


Trực thăng hiện đại ngày nay của Mỹ vẫn phải dựa vào khẩu đại liên XM-214 minigun 6 nòng - Ảnh: Không lực Mỹ

Anh Sơn

>> Không lực Mỹ muốn loại bỏ trực thăng UH-1
>> Trực thăng UH-1 rơi ở Bình Chánh, TP.HCM
>> Philippines sắp nhận trực thăng tấn công đêm
>> Malaysia xem xét mua trực thăng chống tàu ngầm
>> Xem súng laser Hải quân Mỹ hạ mục tiêu trên không, trên biển
>> Uy lực súng điện từ của Mỹ
>> Những loại súng cận chiến trứ danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.