Hồ Tây mịt mùng đen. Ven bờ, phía đường Thụy Khuê nhấp nháy ánh đèn. Tôi nhìn về phía chùa Trấn Quốc. Một con thuyền trang trí đèn viền quanh hình lầu rồng vừa xuất hiện sau lùm cây phía đảo. Một thú mừng năm mới khá lãng mạn đây, tôi miên man nghĩ. Tôi nghĩ vòng vèo về một năm xưa, năm 1096, có lẽ cũng vào một đêm tối trời thế này nhưng có sương mù giăng, cũng một chiếc thuyền rồng đưa vua Lý Nhân Tông thưởng ngoạn trên hồ. Kết cục của cuộc ngoạn du ấy là một vụ trọng án. Tội nhân là quan Thái sư đầu triều Lê Văn Thịnh. Tội danh là âm mưu thí quân đoạt ngôi. Mức hình: Cách quan, đày ra trại Thao Giang...
Không hiểu vào thời Lý có lệ bình chọn những sự kiện tiêu biểu trong năm hay không, còn bây giờ nếu được trưng cầu dân ý bình chọn mười vụ án nổi bật trong lịch sử cổ kim thì tôi sẽ đưa vụ án Hồ Dâm Đàm (tên gọi của Hồ Tây thời điểm xảy ra vụ án Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ hại vua) vào danh sách.
***
Mời các bạn nghe đọc toàn bộ tác phẩm |
Hồ Tây. Vẫn chiếc thuyền rồng trang trí đèn từ từ tiến lại bên bờ chỗ tôi đứng. Rồi trong thuyền một người đi ra, giơ tay vẫy tôi. Chưa kịp ngạc nhiên thì tôi thấy một miếng ván được lao sang, bắc vào bờ. Người trên thuyền vẫy tôi và gọi: “Anh sang thuyền có người cần gặp”. Tôi ngó nghiêng xung quanh xem anh ta đang gọi ai. Chừng như biết tôi phân vân, anh ta tiếp tục: “Tôi gọi anh đó”.
Sau một hồi lưỡng lự, tôi đánh bạo bước qua ván, lên thuyền.
Thuyền lầu rồng từ từ rời bờ, đi ra giữa hồ. Người trên thuyền chỉ cho tôi căn buồng giữa thuyền và nói người cần gặp tôi ở trong đó. Qua mấy lần màn gấm, tôi vào phòng. Tôi khá ngạc nhiên khi trước mắt mình là một người đang ngồi quay lưng lại, cổ trang như thể một diễn viên tuồng.
Nghe tiếng tôi, người ấy từ từ xoay người lại, khẽ bảo: “Ngươi ngồi xuống đi”.
Tĩnh lặng. Người mặc cổ trang không nói gì thêm. Tôi lặng lẽ quan sát. Trước mặt tôi là một người đàn ông ước chừng sáu lăm tuổi, gương mặt quắc thước với chòm râu đen đã điểm bạc. Người ấy đầu đội mũ phốc đầu, hoa văn trang trí màu vàng, áo gấm màu tía, cổ bẻ, vạt áo cài sang phải, cổ tay áo rộng, thắt đai da, chân đi hia màu đen.
Bên trái vách buồng treo một tấm bản đồ. Tôi nhìn kỹ dòng chữ và nhận ra đó là chữ Hán: Đại Việt địa đồ. Tức là Bản đồ nước Đại Việt.
Tôi ấp úng:
- Xin hỏi...
Người đàn ông khẽ gật đầu như đã biết điều tôi định hỏi:
- Ta chính là Thái sư mà ngươi đang nghĩ ngợi đấy.
Tôi buột miệng:
- Ngài là... Thái sư Lê Văn Thịnh.
Người đàn ông khẽ chau mày:
- Sao ngươi lại réo cả tên húy của ta.
Tôi lúng túng:
- Dạ… Ngài là… Lê Thái sư.
Người đàn ông khẽ gật đầu.
- Có lẽ phải để ngươi đi một vài nơi rồi quay lại đây thì mới hiểu được lời ta sẽ nói.
Thêm lần nữa, tôi chưa kịp phản ứng thì người mặc cổ trang đã vỗ tay. Một người lính cũng mặc cổ trang xuất hiện:
- Mời anh lên bờ.
Trước khi tôi bước lên cầu, người lính nói:
- Sáng mai, anh đi về thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, tìm đến núi Thiên Thai.
- Để làm gì? - Tôi băn khoăn.
- Cứ đi thì sẽ rõ - Người lính đáp.
***
Lo sợ. Tò mò. Tờ mờ sáng hôm sau, tôi dậy sớm và lên đường đi Bắc Ninh. Tôi qua lăng Bác, ra đường Thanh Niên. Hồ Tây phía trái mịt mờ sương. Không thấy chiếc thuyền hình lầu rồng đâu. Không lẽ có đoàn khách nào đã thuê sớm để đi xa sang tận bờ bên kia.
Tôi xem bản đồ rồi chọn đường ngắn nhất để đến thôn Bảo Tháp. Qua cầu Chương Dương, tôi xuôi đường 5, đến cây cầu cạn thứ hai thì rẽ trái về làng Sủi, Phú Thị. Thẳng đường này, tôi sang huyện Thuận Thành, qua chùa Dâu, qua ngã tư Đông Côi, và cuối cùng, ba ngọn núi Thiên Thai đã ở ngay trước mặt.
Lưng chừng núi là một cổng xây kiểu cổ. Qua cổng ấy tôi thấy một ngôi chùa. Trên nóc chùa có ba chữ Hán đắp nổi: Thiên Thư tự, nghĩa là: Chùa Sách Trời. Thiên Thư, cái tên nghe quá quen. Đúng rồi. Trong bài Nam Quốc Sơn Hà, ở câu thứ hai: “Tiệt nhiên định phận tại Thiên Thư”. Nghĩa là: Rõ ràng định phận nơi sách trời. Hai điều này có gì liên quan chăng?
Vắng lặng. Dáng chùa khá đơn sơ. Cửa chùa đóng. Bên trái có một khu vườn và một lối đi vào trong nếp nhà ba gian đang mở cửa. Tôi lặng lẽ bước vào.
Trước nếp nhà ba gian cũng đơn sơ là một cây hương. Tôi dừng lại, khẽ chắp tay vái.
Hẳn nghe tiếng chân tôi, một ông già ngó ra. Thấy tôi, ông mỉm cười:
- Mời anh vào lễ đức quan trạng.
- Quan trạng? Quan trạng nào, thưa ông?
- Nhà anh cứ vào lễ đền rồi tôi sẽ xin cho hầu chuyện - Ông già đáp.
Tôi cởi giày, bước vào đền. Đền thấp. Bức đại tự đập ngay vào mắt. Tôi lẩm nhẩm đọc: Đỉnh Giáp Khai Khoa. Nghĩa là, đỗ ở bậc cao nhất trong kỳ thi đầu tiên.
Tôi tiếp tục đọc câu hoành phi phía sau: Lê trạng nguyên cố trạch. Nghĩa là: Nhà cũ của Trạng nguyên họ Lê.
Tôi bất giác rùng mình. Một luồng khí chạy lạnh từ đỉnh đầu xuống chân.
- Ông ơi, đây là đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh?
Ông già khẽ gật đầu. Tôi dâng hương, quỳ mọp, dập đầu lạy ba lạy. Lạy xong, tôi để ý thấy phía sau cánh cửa nhỏ bên trái còn có hậu cung. Tôi chắp tay, nói với ông thủ từ:
- Ông có thể cho con vào lễ ở hậu cung?
Ông thủ từ khẽ gật.
- Hãn hữu lắm tôi mới cho người vào hậu cung.
Hậu cung chỉ rộng hơn chiếc chiếu đôi một chút. Một bức mành phủ che trước mặt pho tượng vị quan đầu đội phốc để phía ngoài không nhìn được. Phía sau là bài vị. Tôi dụi mắt đọc:
- Lê Thái sư đại vương.
Chết lặng. Thành kính. Linh thiêng. Tôi tiếp tục dâng hương và dập đầu lạy, khấn:
- Con kính lạy vong linh đức Lê Thái sư. Xin người linh ứng cho con được tỏ tường về thân thế của người... nhất là… vụ án Hồ Dâm Đàm năm Bính Tý (1096).
Dập đầu khấn xong, tôi ngẩng lên, kinh hãi: ba nén hương đang hóa từ chân lên. Bên cạnh, mặt ông thủ từ đỏ phừng phừng, tay cũng chắp lại, vái lia lịa...
Ra khỏi hậu cung, ông thủ từ bảo:
- Mời anh ra lễ ngoài này.
Tôi theo ông ra sân. Góc trái đền thờ là một cái am, tường mới xây, rêu phong chưa kịp phủ. Cửa am được che vải hồng đã bạc màu. Ông thủ từ nhẹ nhàng vén rèm. Tôi giật mình, bật thốt:
- Một con rồng đá kỳ quặc!
Ông thủ từ khẽ nhíu mày:
- Phải gọi là Ông Rồng.
Sau khi thắp hương vái lạy, tôi lặng lẽ quan sát. Đó là một pho tượng rồng mình rắn, vảy như vảy cá, bằng đá liền khối, nặng phải tới 3 tấn. Miệng rồng đang quay lại cắn vào thân, móng vuốt cũng tự bấu vào giằng xé cơ thể.
Ông thủ từ vẫy tôi lại gần:
- Anh xem tai Ông Rồng đi.
Tôi ngó kỹ, và đáp:
- Ở giữa tai rồng có đục lỗ.
Ông thủ từ lại nói:
- Anh xem tai bên kia đi.
Tôi quay sang bên kia đầu rồng và rất ngạc nhiên: vành tai rồng bên này không được đục lỗ...
Ông thủ từ ra hiệu mời tôi trở vào đền để nghỉ chân, uống nước. Hôm ấy, câu chuyện ông thủ từ kể đã khai sáng cho tôi rất nhiều điều.
***
Quan trạng họ Lê sinh ra trong một gia đình nhà Nho. Thân phụ là thầy đồ Lê Văn Thành, thân mẫu là bà Trần Thị Tín quê bên kia sông Thiên Đức (sông Đuống). Ông bà lấy nhau đã mấy năm mà vẫn không con. Đêm ấy bà nằm mơ thấy sao sa vào miệng. Từ đó bà có thai. Quan trạng từ lúc sinh ra đã thông minh đĩnh ngộ. Khi còn nhỏ đã học một biết mười. Mười lăm tuổi đã thuộc lòng Tứ thư, Ngũ kinh. Kỳ lạ là, mỗi khi đi học trễ, người lại khoán khiến mặt trời dừng lại để người vẫn đến lớp đúng giờ. Có bận người chong đèn học muộn, thân mẫu người sang nhắc con đi ngủ sớm thì sợ khiếp khi nhìn thấy một con hổ đang ngồi. Bà đâu biết dáng con ngồi học hệt như dáng hổ. Năm 18 tuổi, song thân đều mất. Sau ba năm chịu tang, người mở trường dạy học.
Trường Chi Nhị bên xã Song Giang cùng huyện hãy còn một đền thờ trong có bức đại tự Văn Xiển giáo, nghĩa là: Mở ra nền giáo dục. Khi 25 tuổi thì triều đình thông báo tuyển hiền qua khoa cử. Người lều chõng đi thi và đỗ đầu.
Vào triều, người được giúp vua Lý Nhân Tông học. Về sau, người làm chánh sứ thương nghị biên giới ở Vĩnh Bình, giành lại được tất cả đất đai đã mất về tay nhà Tống trước chiến tranh. Vì lập công lớn, quan trạng được thăng chức Thái sư. Thế rồi, một hôm do vua mải chơi trên hồ Dâm Đàm nên quan Thái sư mới mặc áo giả hổ để dọa. Vua thấy thế sợ hãi truyền người bắt hổ cứu giá. Bọn gian thần nhân chuyện này buông lời gièm xiểm. Khi luận tội, vua nghĩ đến công lớn nên Thái sư chỉ bị đi đày. Tài sản phải hóa gia vi tự tức là chuyển nhà thành của nhà chùa...
Ông thủ từ bất chợt ngừng lời, mắt hoen lệ:
- Đau xót nhất là đến bây giờ chúng tôi vẫn không rõ dòng họ Lê của quan Thái sư hiện ở đâu. Từ thời Lý, khi xảy ra oan khiên, những người thân trong dòng tộc Lê của Thái sư đã thay tên đổi họ, phiêu dạt những nơi nào không rõ...
Tôi cố kìm lòng nhưng nỗi nghẹn ngào vẫn cuộn dâng. Ông thủ từ đưa tay chấm lệ, tìm cách chuyển câu chuyện sang hướng khác. Ông chỉ tay về phía trước:
- Chùa Thiên Thư ở trước mặt anh đấy.
- Thưa ông, cái tên Thiên Thư có từ bao giờ?
- Từ thời quan trạng, thời Lý - Ông đáp
Chợt nhớ tới Ông Rồng ở am phía trái đền, tôi lại hỏi ông thủ từ. Ông thủng thẳng kể:
- Năm 1991, trong khi dọn cổng đền dưới chân núi, ông thủ từ trước tôi, nay mất rồi, thấy một hòn đá hơn nắm tay nằm gần gốc cây bàng. Ông định nhặt lên nhưng không tài nào nhấc nổi. Ông dùng cuốc cạy. Cuốc mẻ mà hòn đá cơ hồ lại to ra. Ông cứ cạy mãi rồi phát hiện đó là cả một khối đá lớn. Ông gọi con cháu và dân làng ra đào tiếp xung quanh. Ối giời ơi, anh biết không. Cả làng tôi kinh hồn vái lạy khi nhận ra đó là tượng Ông Rồng. Các cụ và chính quyền quyết định rước ông lên trên này rồi xây am thờ. Mấy chục thanh niên phải buộc đòn tre mới khiêng nổi...
Giữa khi ấy, một ông lão vóc dáng hiền từ bước vào. Ông vận áo the khăn xếp rất tề chỉnh. Thắp hương khấn xong, nghe tôi đang tìm hiểu về quan trạng, ông cao giọng ngâm một bài thơ.
Thơ rằng: Nhất phiến can trung thu nguyệt huy/ Xả thân vị quốc thế gian chi/ Gián đoạn Tây Hồ hàm tân khổ/ Phụng triều Bắc sứ thắng hoàn quy/ Khai khoa bảng chiếm danh đệ nhất/ Họa hổ kết thành họa suy vi/ Nghĩa trọng quân thần hà sinh tử/ Ngưỡng vọng cao minh chiếu thị phi.
Ông lại dịch nghĩa rằng: Một tấm lòng trong như trăng thu/ Xả thân vì nước ai cũng biết/ Vụ án ở Tây Hồ nay còn ngậm nỗi oan/ Phụng mệnh Bắc sứ đã giành thắng lợi/ Kỳ thi đầu đã giành vị trí số một/ Chuyện hóa hổ làm tàn sự nghiệp/ Nghĩa vua tôi có sợ gì sống chết/ Trời xanh cao kia có thấu thị phi.
Dịch xong, ông lão uống một ngụm nước chè và đứng dậy:
- Giữa chúng ta vốn có nhân duyên nên tôi mới đọc tặng anh bài thơ này. Trước tôi cũng có đọc cho người trong làng nhưng có lẽ họ đã quên cả rồi. Thôi thì cơ duyên trăm năm, ngàn năm lại đến từ một chuyện xưa. Hôm nay tôi bận, nếu có duyên có thể ta sẽ lại gặp nhau. Mà chắc anh sẽ còn về đây nữa. Quanh ba huyện Gia Bình, Thuận Thành và Quế Võ có đến hàng chục đền thờ quan trạng ấy chứ.
Nói đoạn, ông lão cáo biệt.
Trưa ấy, thụ lộc xong với ông thủ từ, tôi xin phép ra về. Bất chợt, nhìn ra bên sườn núi Thiên Thai phía sau đền tôi thấy một bãi rất rộng do ai đó đã khoét vuông vức vào lòng núi. Thấy tôi nhìn chăm chú, ông thủ từ nói:
- Vết tích lăng mộ quan trạng đấy. Trước đây đã có đoàn khoa học về khai quật. Nhưng lăng không có cốt.
- Thế quan trạng đã được táng ở đâu hở ông? - Tôi hỏi.
Ông thủ từ không đáp mà lại hỏi tôi:
- Sáng nay anh đi đường nào?
Tôi kể lại con đường đã đi. Ông cười, bảo:
- Nhà anh cứ đi theo đường đê. Đến đoạn xã Đình Tổ, chỗ chùa Bút Tháp thì chú ý nhìn về phía tay trái.
- Thưa ông, chú ý để làm gì? - Tôi hỏi, hết sức tò mò.
- Anh cứ đi thì khắc rõ - Ông thủ từ chỉ đáp thế.
***
Con đường đê ven sông Đuống gập ghềnh. Ven sông, chi chít những cột khói đen của các lò gạch, còn xung quanh đầy những thùng vũng, ao chuôm do bị đào bới lấy đất làm gạch.
Chùa Bút Tháp kia rồi. Tôi nhìn thật kỹ về phía tay trái. Bỗng nhiên, một tấm bảng bê tông nhỏ, chữ xanh đập ngay vào mắt: Lăng mộ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh 200m.
Tôi vòng xe xuống đường dốc đê theo mũi tên của bảng chỉ dẫn. Đi gần hết làng, gặp một quán nhỏ trong nhà dân bên đường, tôi ghé vào mua thẻ hương. Chị chủ quán hỏi:
- Chú thắp hương cho quan trạng đấy à?
Tôi gật đầu. Chị chỉ tôi đi
hết dãy nhà cuối làng, ra tới cánh đồng.
Trước mặt tôi là một đầm nước. Những cọng sen khô trụi tua tủa lá đâm lên. Trên gò đất giữa đầm có một nấm mộ đất và một tấm bia mới dựng...
Một ông lão chăn vịt đi ngang. Tôi hỏi:
- Thưa ông, sao quê của quan trạng ở Đông Cứu mà mộ ngài lại ở tận đây?
Ông lão vừa huơ huơ chiếc gậy chăn vịt vừa đáp:
- Trên đường ông đi đày về qua đường sông Đuống này thì ghé lên chợ Điềng, chỗ chợ bây giờ là con đường ở dốc đê ấy, để nghỉ trưa. Có bà lão tưởng quan trạng là lão ăn mày nên cho một khúc cá nướng và bát cháo. Ăn xong, quan trạng nằm nghỉ ở lều chợ rồi bị cảm mà mất. Dân làng sợ vạ, đem để ở gò sen giữa đầm, định bụng đêm tối sẽ đem chôn. Nhưng tối khi họ ra thì đã thấy mối xông. Cho là điềm thiên táng nên dân làng đã để nguyên chỉ đắp thêm đất. Khi lục túi của lão ăn mày ấy ra thì dân làng mới tá hỏa lên: ai ngờ được ông chính là quan trạng.
Ông lão lại tiếp tục huơ huơ cây gậy:
- Làng tôi đã thờ quan trạng làm thành hoàng đấy. Đình thờ kia kìa. Lúc nào rảnh anh ghé thăm đình. Hôm nay thì sắp tối rồi. Mà ông thủ từ còn bận đi đám giỗ thì phải. Mạn phép anh, tôi phải lùa vịt về đây.
Rồi ông lão tất tả bỏ đi. Tôi gọi với theo:
- Ông ơi, ông tên là gì ạ?
- Thi - Ông lão đáp - Nguyễn Văn Thi.
***
Tối. Trời không trăng, không sao, nhưng đã có đèn đường. Qua cầu Long Biên, tôi lại đi theo đường Yên Phụ rồi rẽ xuống đường Thanh Niên. Hồ Tây sương vẫn giăng mịt mùng. Bất giác tôi lại nhìn thấy chiếc thuyền lầu rồng. Một phản xạ khiến tôi dừng lại, dắt xe lên gần lan can hồ.
Lạ thay, chiếc thuyền lầu rồng lại cập bờ. Vẫn người gọi tôi hôm trước ra hiệu cho tôi lên thuyền sau khi đã lao ván làm cầu. Tôi bạo dạn bước lên.
Quả nhiên, tôi lại được gặp lại đức Lê Thái sư. Đợi tôi ngồi xong, ngài hỏi:
- Ngươi còn hồ nghi điều gì thì nói đi!
Tôi định kể lại hành trình của cả ngày trời thì Thái sư giơ tay ra hiệu không cần. Tôi yên lặng thêm một lúc rồi thưa:
- Con không hiểu sao người có công lớn, làm quan đến chức Thái sư, danh cao tột bậc, vậy mà... sao lại có câu chuyện hóa hổ hại vua?
- Hừm… Ngươi đã nghe bài thơ của ông lão ở Đông Cứu. Ta ngay thẳng mà nói rằng, lòng ta sạch như băng, như trăng thu sáng không gợn chút mây. Chắc ngươi biết dân gian vẫn lưu truyền câu này: Thương dân dân lập đền thờ/ Hại dân dân đái ngập mồ thối xương. Không lẽ bỗng dưng có hơn mười làng lại chọn ta làm thành hoàng. Ngươi là kẻ đã đọc chính sử, lại về tận bản quán của ta, ngươi có thấy ai nói gì tới bè đảng của ta không?
Tôi khẽ lắc đầu:
- Thưa không.
Quan Thái sư nói tiếp:
- Ngươi nên biết: cắt tiết một con gà, kẻ vụng còn cần đến hai người nữa là giết vua. Bấy giờ Quan Thái úy Lý Thường Kiệt ở nơi phiên trấn (Thanh Hóa), cấm quân và bách quan đều ở cả trong tay ta thì ta làm gì mà chẳng được.
Hốt nhiên, quan Thái sư ngửa cổ thở dài, cười như khóc mà rằng:
- Nhờ cha mẹ cho học chữ thánh hiền, lại có Hoàng Thái hậu (Thái hậu Ỷ Lan) và Đức Minh quân (vua Lý Nhân Tông) sáng suốt cho mở kỳ thi Minh Kinh Bác học mà ta có cơ hội tiến vi quan. Hai mươi năm, ta từ một kẻ thường dân trở thành người chỉ đứng dưới Hoàng đế, ở trên muôn quan, đứng đầu Tam thái (Thái sư, Thái phó, Thái bảo), danh cao tột bậc trên cả Phụ Quốc Lý Thái úy (Lý Thường Kiệt) thì lòng chỉ mang ơn sâu nặng với đức kim thượng chứ sao lại dám sinh lòng tà. Ngươi nên biết, Nho gia chúng ta thà chết chứ không thể rời xa hai chữ Trung, Nghĩa.
Rồi Thái sư tiếp, giọng bùi ngùi:
- Ta lấy làm cảm phục tấm lòng của người thợ đá hậu sinh vì hiểu ta chịu nỗi oan khiên mà tạc nên tượng rồng không sợ triều đình bắt tội. Ta cũng biết ơn tấm lòng của người dân dù không tỏ tường chuyện cung đình nhưng vì tin tưởng ở lòng trung của ta mà dựng nên chuyện ta giống hổ để minh oan. Năm Bính Tý, Hoàng thượng đã ở tuổi tam thập nhi lập rồi thì sao ta phải dọa người như con nít.
Tôi chết lặng, lắng nghe như uống từng chữ, lòng càng hoang mang:
- Thưa, như vậy con càng không thể hiểu vì sao lại có vụ trọng án đó.
Thái sư giọng đanh lại:
- Chính ta đã tâu xin việc tuyển hiền tháng tám năm Bính Dần (1086) chọn được Mạc Hiển Tích. Cũng chính ta vì thấy trong nước dân thường lãn việc bỏ ruộng, trốn lính xuất gia, công của dồn cho chùa chiền nên đã quy định lại ba hạng: Đại, Trung và Tiểu danh lam. Ta lại bổ cho các quan văn Nho học kiêm chức đề cử trông coi thay các nhà sư. Tháng giêng năm Mậu Thìn (1088), giới tăng quan vì bực ta đã dâng biểu xin hoàng đế gia phong cho sư Khô Đầu làm Quốc sư. Đức vua không những y thuận mà còn phong thêm cho Quốc sư Tiết Việt.
- Tiết Việt là gì xin Thái sư... - Tôi tò mò cắt ngang.
- Đó như cái thẻ của bọn ngươi. Thẻ này cho phép Quốc sư Khô Đầu được cùng ta xét đoán công việc. Cả đời ta cũng chỉ cố gắng tổ chức được một kỳ thi Nho học năm Bính Dần ấy thôi.
- Kỳ thi thứ ba tổ chức năm... - Tôi lẩm bẩm.
- … Mậu Thìn (1152), đời vua Lý Anh Tông. Tức là sáu mươi hai năm sau mới có khoa thi lần thứ ba - Quan Thái sư ngậm ngùi.
Tôi ngạc nhiên đến thảng thốt. Sáu mươi hai năm đất nước thanh bình mà triều đình không tổ chức được kỳ thi nào sao.
- Vậy nguyên nhân là... - Tôi buột miệng thành lời suy nghĩ trong đầu.
Thái sư giơ tay ngăn lại, ôn tồn:
- Đừng nói nữa. Chừng ấy đã quá đủ để luận về vụ án 1.000 năm qua.
- Nhưng con còn muốn biết thêm nữa, thưa quan Thái sư - Tôi cố nài.
- Tùy duyên - Thái sư đáp - Thôi, ngươi lên bờ đi.
***
Tôi dụi mắt tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài hơn mọi ngày. Mọi chuyện vẫn hằn rõ trong đầu. Chẳng lẽ mọi chuyện trong đầu tôi chỉ là do tưởng tượng?
Mấy ngày sau, thu xếp công việc, tôi lại về Đông Cứu. Thật kỳ lạ, mọi chuyện diễn ra như trong mơ. Có điều khi hỏi đến ông lão đọc thơ ở Đông Cứu mà tôi chưa kịp hỏi tên và ông Nguyễn Văn Thi thì được biết hai ông đã mất.
Lăng mộ ở Đình Tổ đã được xây dựng khang trang. Tiếc rằng chữ trên lăng mộ lại là chữ quốc ngữ ngày nay, viết nguệch ngoạc giả chữ Hán.
Những sự việc, sự vật tận mắt chứng kiến khiến tôi kinh sợ và quyết định sẽ về nhà ngay để ghi lại. Thế nhưng, khi về qua cầu Long Biên, tôi lại rẽ xe xuống đường Yên Phụ, tới đường Thanh Niên để nhìn xem Hồ Tây có còn sương mù giăng...
Từ Khôi
Bình luận (0)