“Tệ nạn mại dâm là một trong những nguyên nhân dẫn tới các loại tội phạm khác như sử dụng trái phép chất ma túy, xâm hại trẻ em, hiếp dâm, cưỡng dâm, đặc biệt là tội phạm mua bán người. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống mại dâm là tổ chức, thực hiện các hoạt động can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.
Người bán dâm sẽ được cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội |
T.N |
Triển khai Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH đã hướng dẫn xây dựng thí điểm các mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội và các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện”.
Thông qua lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm; xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm ở 21 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, triển khai và duy trì 113 điểm thực hiện can thiệp theo 3 mô hình của Chương trình Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 bao gồm: Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội; mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực,câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới.
Đáng chú ý, có 12 địa phương tổ chức xây dựng mô hình tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực của người bán dâm trong tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; 9 địa phương triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng và trung tâm công tác xã hội; 17 địa phương triển khai mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm với tổng số người bán dâm tham gia ban chủ nhiệm câu lạc bộ, nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng trên là 4.463 người. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, trở thành cầu nối giúp người bán dâm hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng.
Tại Hà Nội, trong giai đoạn 2019-2020, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB-XH Hà Nội) phối hợp với Q.Hoàng Mai triển khai thí điểm mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” tại P.Giáp Bát và P.Thịnh Liệt. Với sự ra đời của nhóm đồng đẳng mang tên Sao đêm gồm các thành viên là những người từng bán dâm đã hoàn lương. Mỗi tháng, nhóm Sao đêm đã tiếp cận và hỗ trợ hàng trăm gái mại dâm đến các dịch vụ hỗ trợ xã hội, đồng thời, tổ chức kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ xã hội trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ cho 100 người bán dâm.
Song song đó, mô hình “Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội” đã giúp 300 người bán dâm tiếp cận truyền thông nâng cao nhận thức. Trong đó, chuyển gửi hỗ trợ cung cấp dịch vụ y tế cho 150 người, hỗ trợ thay đổi hoặc giảm mức độ công việc hoạt động mại dâm thông qua việc học nghề ngắn hạn cho 20 người và cung cấp hỗ trợ dịch vụ pháp lý cho 20 người.
Ông Nguyễn Tiết Cương, Phó trưởng phòng LĐ-TB-XH Q.Hoàng Mai, cho hay: “Việc triển khai các mô hình hỗ trợ người bán dâm trên địa bàn quận đã mang lại những kết quả tích cực. Hàng trăm lượt người bán dâm được cung cấp các kiến thức về chăm sóc sức khỏe, tư vấn, học nghề để thay đổi nghề nghiệp, tạo cơ hội cho họ hòa nhập cộng đồng bền vững. Mô hình cũng giúp giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội, góp phần đảm bảo an ninh xã hội trên địa bàn ”.
Còn tại TP.HCM, giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM đã tiếp cận 287.604 lượt người có nguy cơ cao và phụ nữ bán dâm (đạt 80% tỷ lệ phụ nữ bán dâm, 70% người quan hệ đồng giới nam có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận chương trình phòng, chống HIV/AIDS), cấp phát 12,8 triệu bao cao su, 11,8 triệu bơm kim tiêm (khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong nhóm phụ nữ bán dâm ở mức 5%), 2,17 triệu người sử dụng dịch vụ tư vấn, xét nghiệm tại các điểm tư vấn tự nguyện nhằm phát hiện sớm và điều trị HIV, các bệnh lây qua đường tình dục khác.
Để làm tốt công tác phòng, chống mại dâm, từ nay đến năm 2025, Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình thí điểm có hiệu quả của giai đoạn 2016-2020 theo hướng hỗ trợ trao quyền, tăng cường sự tham gia của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan; hình thành mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ giảm hại. Chương trình phấn đấu ít nhất 10% địa bàn cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư xây dựng, triển khai mô hình thí điểm về phòng ngừa mại dâm, hỗ trợ can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, cung cấp dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm…
Bình luận (0)