Hồ Xuân Hương lại bốc mùi

24/10/2011 23:04 GMT+7

Nhiều ngày qua, người dân và du khách lại cảm thấy khó chịu khi đi dạo bên bờ hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) bởi mùi hôi tanh của tảo lam. Hầu như khắp mặt hồ đều có tảo lam xuất hiện nhưng nhiều nhất vẫn là khu vực từ nhà hàng Thanh Thủy (đường Nguyễn Thái Học) đến đường Yersin, làm cho nước mặt hồ có màu xanh khác lạ và bốc mùi.

Suốt cả chục năm qua, năm nào thắng cảnh hồ Xuân Hương cũng bị bốc mùi như vậy. Mới đây, hồ Xuân Hương được tháo cạn nước, nạo vét, phơi hồ tốn hàng chục tỉ đồng, nhưng khi tích nước được một thời gian thì tảo lam lại tái xuất.

 
Hồ Xuân Hương sẽ còn ô nhiễm dài dài nếu như nguồn nước đổ vào hồ không được xử lý triệt để - Ảnh: G.B 

PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Lâm Đồng, cho biết hồ Xuân Hương bị ô nhiễm như hiện nay là do ảnh hưởng bởi các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt dân sinh. Những hoạt động trồng rau, hoa nơi đầu nguồn vẫn sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chất kích thích sinh trưởng… và dư lượng của chúng sẽ ngấm vào đất hoặc theo nước mưa đổ vào hồ Xuân Hương; phế thải nông nghiệp, nước thải sinh hoạt chưa được xử lý cũng đổ vào hồ. Những nguyên nhân này là “thủ phạm” gây ra hiện tượng phú dưỡng ở hồ Xuân Hương (do quá dư thừa chất dinh dưỡng như ni-tơ, phốt-pho và một số chất vi lượng khác) khiến cho hồ đổi màu và bốc mùi khó chịu.

Cũng theo PGS-TS Sinh, việc xử lý phần lớn chỉ là những giải pháp tình thế. Ngay cả việc nạo vét hồ cũng chưa đạt yêu cầu bởi còn gần nửa hồ chưa được nạo vét. “Chừng nào nguồn nước đổ vào hồ không được xử lý triệt để thì chừng đó hồ Xuân Hương vẫn còn ô nhiễm”, TS Sinh nói.

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.