Hoa đào năm cũ…

05/02/2012 15:49 GMT+7

(TNTS) Con biết con đào thì mẹ la con, Nhưng nếu không đào thì bề trên mong. Năm trước con hẹn vào xuân hết đào, Xe pháo đi lại thông thoáng. Mẹ ơi, xuân nay con vẫn đào. Nếu con không đào chắc mẹ mừng lắm…

(TNTS) Con biết con đào thì mẹ la con,
Nhưng nếu không đào thì bề trên mong.
Năm trước con hẹn vào xuân hết đào,
Xe pháo đi lại thông thoáng.
Mẹ ơi, xuân nay con vẫn đào.
Nếu con không đào chắc mẹ mừng lắm…

Tôi cứ hát đi hát lại mấy dòng ca từ trên đây, cảm thấy vừa quen, lại vừa lạ. Đầu óc chậm tiêu quá rồi. Ban đầu, tôi cứ nghĩ một người nào đó muốn gửi tặng mẹ một cội hoa đào chưng cho nó rực rỡ le lói trong mấy ngày Tết, nên chế ra ca từ ấy. Nhưng cái gì lại có "xe pháo" và "con không đào chắc mẹ mừng lắm" thì hình như không phải là nói về hoa đào. Đem vụ việc hỏi ý mấy anh bạn, họ bảo: "Ông nhầm to rồi. Đào ở đây không phải là danh từ trong khái niệm hoa đào. Đào ở đây là động từ. Câu hát này nói về chuyện đào đường ở thành phố, trời ạ!". Thì ra là như vậy.

"Con biết, con đào thì mẹ la con". "Con" ở đây là những nhân vật chuyên đào đường; "mẹ" ở đây là nhân dân. Các vị ấy dựng mấy tấm tôn lên, đề chữ Công trình đang thi công, mở đất đào đường thì có cái sự đào diễn ra. Rất dễ nhận ra công trình đào đường bởi ta thấy chỗ này một cái hố, chỗ kia một cái hang, dọc vách tôn là một cái hào giao thông sâu hoắm. Xe cơ giới, đất đá, vôi vữa, sắt thép khắp nơi chiếm gần hết con đường. Xe ô tô đùn lại, xe gắn máy leo lên lề, người đi bộ không có chỗ đi nên "mẹ la con" là điều hoàn toàn có thể xảy ra; không la là không phù hợp với thực tế cuộc sống.

 

"Nhưng nếu không đào thì bề trên mong" là một câu phản ánh... đúng thực tế luôn. Bởi bề trên có tham vọng giải quyết nước ứ, nước mưa, nước thoát, nước cường triều. Kế hoạch đã lên rồi, kinh phí đã dự toán rồi, hợp đồng thi công giám sát đã ký xong. Mọi chuyện đã được chuẩn bị sẵn sàng như mũi tên đã lắp vào cây cung giương sẵn, chỉ chờ bắn đi. Nếu nhà thầu mà không đào thì phụ lòng mong mỏi của bề trên quá. Vả chăng, có đào mới có công việc làm, mới có lễ khai trương, lễ hoàn công, mới có... diễn văn để đọc và thành tích để báo cáo. Một quy trình chặt chẽ như vậy yêu cầu nhà thầu phải đào đường. Nhà thầu nào không đào là không sống trong quy trình, là... tụt hậu. Tình hình đào đường phải diễn ra như kịch bản - xin lỗi, kế hoạch. Không đào là không làm hết bổn phận sự và trách nhiệm vụ. Hãy đào đường đi cái đã, còn chuyện đào đó kết thúc hồi nào, hiệu quả kinh tế - xã hội của nó ra sao thì lại là chuyện khác.

"Năm trước, con hẹn vào xuân hết đào; Xe pháo đi lại thông thoáng". Vâng, "mẹ" có nghe các bậc vạch ra kế hoạch, các nhà thầu hứa hẹn như vậy. Nhưng hẹn là chuyện diễn ra ở thời điểm này; mà hết đào lại là chuyện diễn ra ở thời điểm khác. Trai gái yêu nhau hẹn biển thề non, nói lời sống chết mà còn xa nhau ngàn trùng thì chuyện một lời hẹn vào xuân hết đào giữa quý vị và "mẹ" nếu không thực hiện được cũng chẳng có chi là nghiêm trọng.

Tất nhiên, nếu chuyện hết đào diễn ra được như trong lời quý vị hẹn thì đường sá thông thoáng, xe pháo đi lại ngon lành hơn. Nhưng hết đào không có nghĩa là con đường đã trơn tru, nhẵn thín như tấm phản gõ đánh véc ni. Kìa hãy xem, chỗ kia có cái hố tử thần núp dưới lớp nhựa đột ngột bụp ô tô; chỗ nọ có cái... mu rùa làm xe gắn máy nhảy cỡn lên như tuần lộc. Nhà thơ Bùi Giáng đúng là ông thần tiên tri về chuyện đào đường. Cách đây trên 40 năm, ông đã hiểu sẽ có tình hình đơn vị thi công lấp lại mặt đường sơ sịa, làm bụi mù mịt và xe nhảy ì xèo. Ông viết:

Buồn phố thị cũng xa bay như gió;
Cộ xe nhiều cũng nhảy cẫng như hươu

Các quý vị lập lại mặt đường đầy mu rùa hay ổ gà cũng khiến phố xá mờ mịt bụi, xe nhảy cẫng lên như tuần lộc vậy. Tình hình này chưa có khi Bùi tiên sinh còn tại thế.

"Mẹ ơi, xuân nay con vẫn đào". Vâng, các quý vị đang đào dở dang một số tuyến đường trong thành phố như Bùi Thị Xuân, Nguyễn Kiệm, Xô Viết Nghệ Tĩnh... Nói nào ngay, năm nay các nhà thầu cho dọn dẹp khá sạch sẽ, rào chắn lại khá an toàn để bảo đảm cho bà con du xuân vui tết. Phần các quý vị cũng an tâm ăn tết cho vui. Sau tết, mùa xuân vẫn còn; các quý vị làm tiếp công trình thôi. Câu hát dễ thương quá.

Xưa, danh sĩ Thôi Hộ viết "Đào hoa y cựu tiếu đông phong" - Hoa đào năm cũ còn cười gió đông. Nay, các nhà thầu có thể xem những chỗ mình đào dở dang là... hoa đào năm cũ mặc dù ở đó không mọc lên bụi hoa nào mà chỉ toàn là cọc sắt. Cái đó kêu bằng là "Cốc trung y cựu thiết kim phong" - Thép ròng năm cũ còn trong... cái hầm! Mình đổ bê tông cốt sắt năm 2011 thì nó còn y chang đó chứ chẳng gã ăn trộm nào dám mò vào cắt sắt bán ve chai. Tóm lại, hoa đào cũng là hoa đào năm cũ mà đào đường cũng là... hoa đào năm cũ.

"Nếu con không đào chắc mẹ mừng lắm". Vâng, đúng như vậy. Con đường được làm vốn để cho người và xe cộ đi lại. Đi lại trong an toàn, sạch sẽ thì lòng người mới vui; mọi việc mới hanh thông thời vận. Đi lại mà phải chui vào một bên, đụng nhau, né nhau, cãi cọ, kẹt cứng thì chẳng sướng cái bụng chút nào. "Mẹ" hiểu quý vị đào đường là có thiện chí muốn giải quyết chuyện ngập úng. Nhưng tình hình hoa... đào đường nở rộ năm này qua năm khác, mùa này qua mùa khác, chỗ nào cũng kéo dài như dây thun không hiểu ngày nào sẽ xong thì thật là không vui chút nào.

Mùa xuân này, đi qua những nẻo đường thành phố, bà con ta thấy vẫn còn những công trình đào đường dang dở còn đó. Điều tiến bộ là so với nhiều năm trước, những con đường bị đào năm nay không nhiều; công trình được che chắn và cảnh báo thận trọng. Điều chưa tiến bộ là tình hình thi công rầy rà, kéo dây cà lòi ra dây bí vẫn gây ảnh hưởng cho người tham gia giao thông và làm cho môi trường phố xá ô nhiễm khói bụi.

Thành phố đã đạt được nhiều thành công rực rỡ. Đường hầm nối quận 1 với Thủ Thiêm - mơ ước mấy trăm năm qua sông Sài Gòn an toàn, hiện đại là một thành công tiêu biểu. Cái lớn đã làm được và làm cực giỏi, lẽ nào cái nhỏ xíu như chuyện đào con đường xây hố ga thoát nước mà cứ kéo dài để cho "đào hoa y cựu" thì kỳ quá!1

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.