Trong những ngày vừa qua, tại thành phố Srebrenica ở Bosnia đã có những nghi lễ tưởng niệm nhân dịp 20 năm ngày xảy ra vụ thảm sát người Hồi giáo ở đây.
Người dân Bosnia tưởng niệm tại khu mộ các nạn nhân trong vụ thảm sát cách đây 20 năm
- Ảnh: Reuters |
Ở châu Âu, đó là vụ thảm sát lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai. 20 năm sau, chiến tranh đã chấm dứt và các nước trên bán đảo Balkan đã sắp xếp lại quan hệ với nhau, nhưng bất hòa giữa Serbia và Bosnia liên quan đến vụ việc vẫn chưa được hóa giải.
Hòa giải bất thành trước hết bởi bất đồng quan điểm về sử dụng khái niệm đối với vụ việc - là thảm sát hay diệt chủng? Chấp nhận và sử dụng khái niệm nào thì sẽ đi cùng với trách nhiệm phù hợp với khái niệm ấy đối với Serbia, Bosnia và cả Liên Hiệp Quốc.
Tòa án quốc tế của Liên Hiệp Quốc coi đó là diệt chủng. Bosnia muốn Serbia phải công nhận đó là diệt chủng. Cho tới nay, Serbia chưa sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi ấy. Mới rồi, trong Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết do Anh đưa ra với nội dung coi chuyện xảy ra ở Srebrenica là diệt chủng. Chừng nào chưa có sự đồng thuận quan điểm về thực chất vụ việc thì chắc chắn chưa thể có được hòa giải.
Hòa giải còn bất thành vì phía Bosnia năm nay đã không chấp nhận thiện ý của chính phủ Serbia. Ông Aleksandar Vusic là Thủ tướng Serbia đầu tiên tới dự lễ tưởng niệm nạn nhân ở Srebrenica và đã bị dân Bosnia ném đá, la ó xua đuổi. Người dân Bosnia vẫn còn quá cố chấp, trong khi chính phủ Serbia vẫn còn quá dè dặt và bên nào cũng có lý do chính đáng của họ. Chỉ có điều càng hóa giải chuyện này bao nhiêu thì càng có lợi cho cả hai nước bấy nhiêu trong quan hệ láng giềng cũng như trong hội nhập thực sự vào EU.
Bình luận (0)