(iHay) Cánh hoa hải đường đỏ thắm rung rinh trước gió gợi nhớ những hoài niệm về Tết của một thời gian khó đã qua.
Ông Súy chăm sóc vườn hoa hải đường
Tôi đi nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong ký ức về Tết xưa, đó là nồi bánh chưng bên bếp lửa rực hồng, là hơi ấm ổ rơm và tiếng pháo nổ giòn giã đêm giao thừa. Những năm 90 của thế kỷ trước, dù đói kém tới đâu mẹ tôi cũng cố mua một cành hoa hải đường về cắm trong bình trên bàn thờ gia tiên ngày Tết. Nụ hoa hải đường tròn như hòn bi ve đỏ thắm xen trong đám lá xanh ngắt viền răng cưa. Cuộc sống xoay vần, đã qua bao cái Tết bóng dáng hoa hải đường không còn hiện hữu trong căn nhà nhỏ của tôi. Bất giác nhớ về sắc hoa ấy, dù cuối năm bận bịu nhưng tôi vẫn tranh thủ tìm đến “vương quốc” của loài hoa này để được đắm mình trong miền nhớ Tết xưa.
Với diện tích 35ha, làng Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương là thủ phủ của hoa hải đường ở TP.Hải Phòng. Tôi tìm tới nhà ông Nguyễn Sinh Súy, 83 tuổi, là một trong những hộ trồng hải đường nhiều nhất và có truyền thống của làng Đồng Dụ. Căn nhà cấp 4 của ông ở giữa một vườn hải đường rộng hơn 3 sào. Trong bạt ngàn lá xanh mượt điểm xuyết những nụ, những hoa đỏ tươi, giống như chiếc áo mới sặc sỡ mà mẹ mua cho tôi mặc đi chơi Tết năm nào. Không gian bừng lên sức sống, cảm giác trong lành, thơm tho và bình yên tới lạ.
Với diện tích 35ha, làng Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương là thủ phủ của hoa hải đường ở TP.Hải Phòng. Tôi tìm tới nhà ông Nguyễn Sinh Súy, 83 tuổi, là một trong những hộ trồng hải đường nhiều nhất và có truyền thống của làng Đồng Dụ. Căn nhà cấp 4 của ông ở giữa một vườn hải đường rộng hơn 3 sào. Trong bạt ngàn lá xanh mượt điểm xuyết những nụ, những hoa đỏ tươi, giống như chiếc áo mới sặc sỡ mà mẹ mua cho tôi mặc đi chơi Tết năm nào. Không gian bừng lên sức sống, cảm giác trong lành, thơm tho và bình yên tới lạ.
Hoa hải đường đỏ thắm mang đặc trưng của Tết xưa
Trong vườn nhà ông Súy có cây hải đường hơn 100 tuổi. Ông cho biết đã từng có người tìm đến mua với giá 30 triệu đồng nhưng ông không bán. “Đó là một người bạn tri kỉ từ đời ông bà nên bán làm gì. Mình phải giữ để nhắc nhở con cháu biết tổ tiên đã gây dựng nên thương hiệu cho làng Đồng Dụ này từ chính những đóa hoa hải đường thuần khiết”, ông Súy chia sẻ. Loài hải đường chỉ nở hoa một lần vào độ cuối năm, tuy chỉ có hương thơm thoảng qua nhưng lại rất cuốn hút bởi những cánh hoa đỏ tươi ôm lấy nhụy vàng rung rinh khoe sắc cả tháng trời. Cái màu ấy đặc trưng của Tết, tựa như những trang giấy đỏ viết thư pháp hay xác pháo tả tơi ở góc sân thuở nào.
Vợ chồng ông Súy bên cây hải đường cổ thụ
Ông Súy kể, từ ngày còn nhỏ ông đã theo mẹ mang hải đường đi bộ vào nội thành Hải Phòng bán dọc ven bờ sông Lấp. Cứ mỗi độ cuối năm là dân làng Đồng Dụ rục rịch cắt hải đường thành những cành nhỏ để bán. Dù không làm giàu được nhưng tiền bán hải đường cũng giúp người dân nơi đây sắm Tết tươm tất, ấm cúng. “Tôi còn nhớ năm nào ông nội tôi cũng cắt một cành hoa hải đường cắm bình trước ngày Ông Công Ông Táo.
Cứ như thế, gia đình tôi vẫn giữ cái nếp ấy, thấy hải đường tôi lại nhớ tới các cụ đã khuất!”, ông Súy nhớ lại. Tuy hoa hải đường không được chơi phổ biến như đào, quất, mai nhưng cái vẻ thanh tao, khiêm nhường của nó lại khiến người ta muốn về nhà ngay để quây quần bên mâm cơm chiều cuối năm. Bao năm vật đổi sao dời, cha tôi đã về thiên cổ, còn mẹ tóc bạc mái đầu. Hoa hải đường vẫn thắm đỏ như nhắc nhớ về những người đi ngang qua cuộc đời.
Vườn hải đường trước cửa nhà thờ tổ dòng họ Phạm ở làng Đồng Dụ.
|
Hoa hải đường thắm đỏ như nhắc nhớ về những người đi ngang qua cuộc đời.
|
Bài, ảnh: Vũ Ngọc Khánh
>> Hài hước bộ tranh 'Tết xưa - Tết nay'
>> Hoa đào tô thắm phố phường Hà Nội
Bình luận (0)