Họa mi xuống phố

13/12/2020 11:15 GMT+7

Có ông bạn đi công tác Hà Nội, bà vợ dặn dò như nhắc một đứa trẻ hay quên: “Hai bó họa mi đấy nhé. Còn không thì cũng phải một. Nhớ đấy!”.

Loài hoa mong manh dễ vỡ!

Mà cũng mới vài ba năm trở lại đây chứ những năm trước, đi Hà Nội, bà ấy có bao giờ đề cập đến chuyện hoa hoét như thế này đâu. Sao không ra chợ mà mua có phải đỡ phiền phức không? Bà vợ hay vặc lại mỗi khi nghe chồng lý sự như vậy: “Họa mi chứ có phải… rau lang đâu mà bán tràn lan ở chợ? Nó mỏng manh dễ vỡ thế, nên phải nâng niu ôm trên tay cơ!”.
Bà này dân Hà Nội, lấy ông chồng người miền Nam mấy chục năm nay mà cái sự “dịu dàng” vẫn chưa nhạt là mấy. Lý sự vậy nhưng ông chồng vẫn ngoan như một chú cún con. Không những một mà đến hai bó họa mi sau chuyến Hà Nội trở về.
Thực ra, trọng lượng cũng như “diện tích” mà hai bó hoa chiếm lĩnh không gian không đáng mấy, song để “nâng niu” chúng như lời vợ dặn, quả là một cực hình. Vì là “họa mi” nên không thể gửi theo khoang hành lý dù được gói buộc cẩn thận, cũng không thể ôm hoa như ôm một… chú gấu bông mà phải đúng tinh thần “nâng niu” như vợ dặn. Ông kể mình rất đau tim khi cho hai bó hoa qua máy soi an ninh. Nhìn mấy cái sợi dây tua tủa nó “quẹt” qua bó hoa chả khác gì muối xát lòng ông.
Tôi cứ thắc mắc, sao gọi loài hoa cúc ấy là “họa mi”, thì được một chị “Hà Nội rin” giải thích là cánh hoa mỏng manh, mang màu trắng tinh khiết, nhụy hoa xanh pha chút vàng, giống mắt con chim họa mi, hiểu chửa? Giải thích như vậy rất khó thuyết phục tôi, song tôi rất nể người nào đó đã lấy tên của một loài chim đáng yêu để đặt tên cho một loài hoa dại mà lũ trẻ con thôn quê vẫn hay dùng để tặng cho các cô dâu trong những đám cưới giả. Và bây giờ, họa mi đã “hót” tràn trên các trang mạng và Facebook của các quý bà, quý cô.

Kinh tế họa mi

Cứ mỗi dịp cuối thu - chớm đông, Hà Nội chuẩn bị đón những cơn gió lạnh đầu mùa thì loài hoa này cũng kịp bừng sáng trên khắp… phố phường. Người ta ví cúc họa mi là cái máy dự báo thời tiết chính xác nhất về mùa, quả không sai. Hà Nội bây giờ, mỗi tấc đất là một tấc… kim cương nên chả ai dại lấy số diện tích đất ít ỏi của mình để trồng hoa họa mi cả. Phần hoa, người nội thành hình như đã nhường cho dân ngoại thành và vùng phụ cận.
Dân các tỉnh quanh Hà Nội đã tỏ ra khá năng động mà theo cách nói của dân mạng bây giờ là “đu trend” rất nhanh khi biến nhiều vườn rau vẫn thường nồng nặc thuốc sâu thành những vườn cúc họa mi. Hoa này được cái là nó chỉ nở rộ trong khoảng cuối thu đầu đông, chừng một tháng. Vì vậy, người trồng hoa cũng chẳng cần phải canh chừng ngày giờ để nó nở đúng dịp như cách chơi hoa mai hoặc hoa đào phải nở đúng tết. Có cảm giác như gieo hạt xuống là ắt có cúc họa mi vậy. Trồng loài hoa này, công sức không nhiều mà hiệu quả kinh tế lại cao.
Thường thì các chủ vườn tự cắt, bó lại thành bó rồi dùng xe máy chở lên Hà Nội để bán cho khách.
Bên cạnh việc “tràn xuống phố”, họa mi cũng đậu lại nơi bãi đá sông Hồng vùng Nhật Tân thịt chó - hoa đào dạo nào. Khoảng chừng 10 ha ở bãi đá giữa sông Hồng này tràn ngập cúc họa mi những ngày đầu đông. Tại đây người ta đã hình thành cả một “tập đoàn chăm sóc khách hàng” cho những ai muốn đến đây thưởng lãm cúc họa mi và lưu hình làm kỷ niệm.
Các dịch vụ ở đây đáp ứng tất cả nhu cầu của khách, từ cho thuê trang phục đến dịch vụ làm đẹp chẳng khác trang điểm cô dâu và có cả một đội quân hướng dẫn bạn selfie “không đẹp không lấy tiền”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.