img

Người con của phố cổ Hà Nội vừa về lại ngôi nhà thân thuộc của ông và cũng là địa chỉ thân quen với bao "tao nhân mặc khách" ở Hà Nội: Gallery 39A Lý Quốc Sư, cách không xa chỗ cây si cổ thụ vừa đổ xuống trước Nhà thờ Lớn sau cơn bão số 3. Họa sĩ thật ra cũng đang không được khỏe, trong một "cơn bão" vừa xảy đến với ông cách đấy hơn năm. Và đó là một trận ốm dài, mà ông đang điềm tĩnh "tay bo" với nó. Tác giả Nhà và người (cuốn tạp văn đồ sộ mà Lê Thiết Cương vừa ra mắt) nói về một "thành phố bị ốm", khi cùng lúc bao cây xanh đổ xuống, những khung cửa kính không ngăn nổi nước tràn; về những cây cầu đĩnh đạc bỗng trở nên mong manh trong cơn nước lớn; về "lòng nhân" giữa người với người trong cơn hoạn nạn; về nếp đời được - mất song hành…

Họa sĩ Lê Thiết Cương:
'Lòng nhân luôn là rường cột cố kết cộng đồng'- Ảnh 1.

Già nửa đời người gắn bó với con phố cổ thuộc vào vùng lõi của mảnh đất kinh kỳ, cảm giác của ông khi chứng kiến một "nhân chứng" khác vừa đổ xuống ngay cạnh nhà mình và đã in đậm trong ký ức người Hà Nội: cây si cổ thụ trước cửa Nhà thờ Lớn?

Người ta bảo: "Yêu thì mới đau, không yêu thì mới không đau". Phàm những ai ưa thích cái sự sống xanh hay nặng lòng hoài cổ với những thứ tịch mịch, cổ xưa… thì trước cái sự kia, cũng đều là đau cả. Huống hồ, với những cư dân vẫn thường đi qua cái "cây thiêng" đó hằng ngày, có người thậm chí còn đi qua nó nguyên cả cuộc đời. Nó là cái đau riêng của một người đã sinh ra ở đó, trong không gian đặc biệt đó, với những kỷ niệm chỉ có thể diễn ra ở đó…

Chẳng hạn như tôi là ngày mấy cữ cà phê, lúc thì cái quán nằm ngay bên cạnh nó, hoặc đối diện bên kia đường; khi đi bộ, khi đạp xe chầm chậm qua nó, không lúc nào là không nhìn vào. Bạn hãy thử hình dung một buổi sáng nào đó đi qua Nhà thờ Lớn, mà vì trời mù sương không thấy bóng nhà thờ, chỉ cần một thoáng "lạc nhau" đó thôi là đã đủ khiến bạn cảm thấy thiêu thiếu rồi. Huống hồ đây là một thứ từ lâu đã hằn sâu trong đáy mắt mình rồi, mà giờ là mất hẳn. Nhà thờ Lớn đẹp, không chỉ vì kiến trúc của nó đẹp, mà còn cả vì những thứ xung quanh nó, trong đó có cây si như một tấm mành buông trước nó.

Họa sĩ Lê Thiết Cương:
'Lòng nhân luôn là rường cột cố kết cộng đồng'- Ảnh 2.

Tập tản văn vừa ra mắt của họa sĩ Lê Thiết Cương

Cái cây đó, cũng như nhiều "cây thiêng" khác trong thành phố, mà nếu vì một lẽ kỹ thuật nào đó mà không cứu được thì thật là đáng tiếc, một mất mát thật là đáng tiếc…

39A Lý Quốc Sư là một ngôi nhà đặc biệt ở Hà Nội, không chỉ vì nó đồng thời là một gallery mà gia chủ của nó suốt tròn 20 năm qua đã cần mẫn tổ chức hàng chục triển lãm phi lợi nhuận cho các văn nghệ sĩ của Hà thành. Nó đặc biệt còn vì cái sự "chơi" của một người biết rõ thứ mình cần: một khoảng sân/giếng trời dễ chừng rộng bằng một gian nhà ở nơi "tấc đất tấc vàng" được riêng dành cho… "mấy cái cây không có giá trị gì": những dây vạn niên thanh, và một cây chuối chưa từng… ra quả - "nhân vật" từng được họa sĩ nhắc đến trong cuốn Nhà và người, như là sự biết ơn: "Tôi duy trì đều đặn, ngày một cữ, chiều chiều ngồi xuống cạnh cửa sổ, nhìn ra vườn. Vườn tôi chỉ trồng một cây chuối, tàu lá chuối xanh đung đưa khi nắng tắt làm tôi thấy bình yên, "lòng chợt bình yên"…

"Tôi chỉ có nhu cầu được nhìn thấy màu xanh", họa sĩ nói.

Họa sĩ Lê Thiết Cương:
'Lòng nhân luôn là rường cột cố kết cộng đồng'- Ảnh 3.

Họa sĩ Lê Thiết Cương tại Gallery 39A Lý Quốc Sư (Hà Nội)

Tác giả Nhà và người sẽ nói sao về những cái cây vừa bật gốc, phơi bày những thứ lâu nay vẫn lăm le xâm lấn "ngôi nhà" của nó: những đoạn cáp ngầm, những tảng nhựa đường, bê tông, gạch đá…?

Bạn nói đúng, đất chính xác là "nhà của cây", là chỗ để con ve đẻ trứng, cỏ giữ ẩm cho cây… Mất đất có nghĩa là mất nhà, vì những vỉa hè lâu lâu lại bị lật lên để thi công ngầm một thứ gì đó, vì sự thiếu đồng bộ và chồng chéo trong quy hoạch..., chưa kể là còn nạn trồng dối trồng ẩu trên những con phố mới… Hãy nhìn những hàng cây người Pháp trồng từ trước năm 1954 trên những con phố Tây ở Hà Nội, vì sao nhiều cây trong số đó vẫn trụ vững được. Trong khi đó, nhiều khu đô thị mới bị đổ nhiều cây do các cây trưởng thành đó được bứng về từ nơi khác, với những bộ rễ bị cắt bớt khi vận chuyển… Tóm lại là phản tự nhiên, muốn xanh thì cũng vẫn cần thời gian chứ không thể ăn gian được. Chắc hẳn sau đây sẽ có nhiều khu đô thị xanh kiểu "ăn xổi" sẽ rút kinh nghiệm...

Ở thời điểm xảy ra sự cố sập cầu Phong Châu, thêm lần nữa, người ta lại nhắc tới sự trường tồn của cây cầu Long Biên hơn trăm năm nay vẫn trụ vững trên sông Hồng; lại cũng có người bảo: Đang lúc tang thương, lại đi khen một "di sản thuộc địa", liệu có bất nhẫn quá chăng?

Chẳng có gì là bất nhẫn cả, cái gì đúng thì phải nói, cái gì hay của người ta thì phải học. Phải thế thì mới bớt đi được những sự đau lòng chứ! Cây cầu ấy liệu có thể sập không, nếu như cách đó không xa, là những chiếc tàu hút cát… Chuyện đó đúng sai thế nào, mức độ ảnh hưởng tới đâu, tới đây tôi nghĩ đều cần được mổ xẻ đến cùng. Không làm tới cùng, thì đó mới là bất nhẫn, với cả người đi, và người ở.

Người Pháp, với những di sản đến từ nền văn minh của họ, trong đó có xây dựng, kiến trúc, có những điều quả thực họ đã "tính hộ" mình cả rồi, cho xứ nhiệt đới gió mùa này. Cứ nhìn những khung cửa sổ của những ngôi nhà Pháp đi, bao năm rồi bão gió liệu có thể làm gì được nó. Khi không phải ngẫu nhiên mà họ cho chia nhỏ từng ô cửa, rồi thì có cửa chớp, cửa kính (cũng chia làm nhiều ô nhỏ), và cả thanh chốt cửa clemon chạy dọc theo thân cửa, điệu đà mà cũng lại chắc chắn vô cùng… Hay vì sao thay vì hàn (làm thay đổi kết cấu vật liệu), họ lại chọn bắt ốc, bắt vít… Những tính toán tinh tế đó, nó không chỉ là "vị nghệ thuật", nó là "vị nhân sinh" cả đấy!

Họa sĩ Lê Thiết Cương:
'Lòng nhân luôn là rường cột cố kết cộng đồng'- Ảnh 4.

Họa sĩ Lê Thiết Cương:
'Lòng nhân luôn là rường cột cố kết cộng đồng'- Ảnh 5.

Tôi nhắc đến những lời buồn này trong bài Nhà an thuộc cuốn Nhà và người: "Tôi luôn tiếc nuối sao lại đến nông nỗi này? Thời chiến tranh sinh tử, thời bao cấp vất vả nghèo đói thì lòng người lại an, thời loạn nhưng lòng người lại an. Bây giờ thì ngược lại, hầu như tất cả đều "năng động", khôn ngoan, mưu mô, lọc lõi, toan tính… Bạn hãy để ý trên đoạn đường từ nhà đến cơ quan mỗi buổi sáng mà xem. Chen lấn xô đẩy không ai chịu nhường ai, còi bóp, khói xả, bụi bặm, rác đổ, nước thải tràn lan, kênh rạch ô nhiễm, đường sá xuống cấp, tình trạng đào bới công trình ngầm vô tổ chức, các loại dây điện, điện thoại chằng chịt, các loại biển quảng cáo dọc ngang lộn xộn, kẹt xe, chửi bới, đánh lộn..., rồi thì bằng giả, thuốc giả và còn nhiều thứ tưởng rằng không thể giả được cũng là đồ giả, trinh tiết giả, tiến sĩ - giáo sư giả, chùa giả, đám cưới giả, mộ (liệt sĩ) giả…". Hay như vừa qua, trong lúc cả nước đang chung lòng chung tay hướng về miền Bắc bão lũ tang thương, thì cũng vẫn có đất cho những cái giả được dịp len vào: từ thiện giả (với đủ loại "phông bạt"), kêu cứu giả (bởi những "trò mèo" của các "thợ vườn" TikToker, YouTuber…), và cả "trận chiến" ồn ào trên mạng bởi các "thánh soi", quen "làm quan tòa bên bàn phím"…

Họa sĩ Lê Thiết Cương:
'Lòng nhân luôn là rường cột cố kết cộng đồng'- Ảnh 6.

Nhưng trên hết và hơn lúc nào hết, thêm lần nữa chúng ta lại được nhìn thấy cái gọi là "tinh thần Việt", "dòng máu Việt" trong cách người với người, quân và dân bao bọc lấy nhau: những chuyến xe cứu trợ từ miền Nam, miền Trung ra ứng cứu miền Bắc; những chiếc ô tô tình nguyện đi chậm lại trên cầu để chắn gió cho những chiếc xe máy, những món tiền dành dụm được dùng vào nghĩa cử, những người lính không quản phong sương trên hành trình cứu nạn, cứu hộ…

Người mình lạ thế đấy, lúc bình thường thì có thể chen lấn xô đẩy nhau, dằn vặt nhau đủ kiểu, ngoài đời hay trên mạng…; nhưng khi "nhà gặp chuyện" thì tự khắc không cần ai bảo ai, hầu hết đều cố gắng làm một việc tốt nào đó để có thể giúp người, cứu người. Nó là một thứ "lòng nhân" luôn nằm sẵn trong huyết quản của dân tộc Việt, không thường xuyên bộc lộ, nhưng sẽ phát lộ và bừng sáng hơn bao giờ, trong những hoàn cảnh gian nan, cần đến nó nhất. Lòng nhân, nó như một thứ rường cột cố kết cộng đồng, xích chúng ta lại gần nhau và rộng hơn, là cái mỏ neo giữ cho cái cõi nhân gian này, vũ trụ này tồn tại, cũng như luân chuyển không ngừng mà không đi chệch khỏi cái cốt lõi, nhân tâm của nó…

Họa sĩ Lê Thiết Cương:
'Lòng nhân luôn là rường cột cố kết cộng đồng'- Ảnh 7.

Hàng trăm đoàn viên tỉnh Yên Bái tham gia dọn dẹp nhiều tuyến đường tại TP.Yên Bái

Nguyễn Anh

Trước cửa nhà tôi là chùa Lý Quốc Sư, đầu phố là Nhà thờ Lớn, con phố đến là lành: cùng lúc có cả nhà chùa lẫn nhà thờ. Hằng ngày, đi xuyên qua con phố cổ cùng những con ngõ chật hẹp vốn không thiếu những lời qua tiếng lại thường vẫn thấy nơi đất chật người đông, vậy mà chỉ cần bước chân qua cánh cửa nhà thờ, hay rảo bước vào sân chùa, lại đã kịp thuộc về một không gian khác hẳn, trong lành tĩnh tại. Như thể bằng ấy ồn ào ngoài kia là thuộc về một chốn nào xa lắc, không liên quan, không lệ thuộc.

Tôi đồ là trong mỗi chúng ta, giữa những ồn - lắng, đục - trong, hẳn cũng luôn có một "ngôi chùa" như vậy. Dù bình thường chúng ta ít bước chân vào, nhưng vào những "giây thiêng" nào đó trong đời, thì đó luôn là nơi để tâm hồn ta được gột rửa một cách thanh sạch nhất, hướng thiện nhất và "người" nhất.

Họa sĩ Lê Thiết Cương:
'Lòng nhân luôn là rường cột cố kết cộng đồng'- Ảnh 8.

Ngắm nhà ông, xem tranh và đọc những trang viết của ông, có thể cảm nhận rất rõ tâm thế của một người hoài cổ, lụy cũ, như thể bị "mắc kẹt" đâu đó vào cái bản lề giữa quá khứ và hiện tại, một sự "mắc kẹt" thú vị! Còn những ngày vừa qua, với nhiều người trong chúng ta, là một trạng thái "mắc kẹt" giữa những bản tin buồn, nào cây đổ, cầu sập, nào lũ quét, sạt lở…

Thôi thì âu cũng là thêm lần nữa chúng ta nhận được lời nhắc nhở từ thiên địa, khi một đời sống tốt đẹp là cần phải hài hòa ba yếu tố Thiên - Địa - Nhân. Tận cùng của nỗi đau này, cũng chính là chúng ta đã để mất Xanh, đã để lại quá nhiều trên mảnh đất này những "dấu chân Carbon", đã chưa giải quyết tốt bài toán bảo tồn và phát triển... Lúc này càng phải yêu thiên nhiên nhiều hơn nữa, phải hòa đồng với nó, chứ đừng mong cải tạo và chế ngự nó. Càng lúc "thành phố bị ốm", càng cần ứng xử với nó như một sinh thể, phải chăm sóc nó, phải yêu nó như yêu chính cơ thể mình, mỗi ngày…

Đối diện với bạo bệnh ở tuổi xế chiều, đâu là cách ông đi xuyên qua "tâm bão" của đời mình?

Kinh Dịch dạy rằng: Trong được có mất. Không có gì mất hẳn hay được hẳn. Sau tất cả, thì hai chữ "cân bằng" vẫn là điều tối cần hơn cả, trong tâm thế sống ở mỗi con người, một vùng đất hay rộng ra, là cả cõi người này…

Họa sĩ Lê Thiết Cương:
'Lòng nhân luôn là rường cột cố kết cộng đồng'- Ảnh 9.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.