img
Họa sĩ Phan Hải Bằng: Đưa giấy thoát khỏi thân phận làm nền - Ảnh 1.

Qua một thập niên hình thành, trúc chỉ dần khẳng định chỗ đứng trong dòng chảy nghệ thuật, ông có thể chia sẻ thêm về ý niệm môn nghệ thuật mới này?

Cách đây hơn 10 năm, đi ra các nước nghiên cứu, tôi nhận thấy ở VN gần như không có cái gọi là nghệ thuật giấy. Khi nghĩ về giấy, người ta chỉ nghĩ về cái gì đó dùng để làm nền, để viết, vẽ, in… Càng nghiên cứu, thực nghiệm, tôi càng muốn "đối xử" với giấy khác đi với ý niệm: làm cho giấy thoát khỏi thân phận làm nền, để giấy trở thành một tác phẩm nghệ thuật tự thân. Đây chính là ý niệm cốt lõi của trúc chỉ.

Một trong những điểm đặc trưng của trúc chỉ là thuật ngữ kỹ thuật chế tác được gọi là "đồ họa trúc chỉ" (trucchigraphy), được xây dựng từ các yếu tố: quy trình chế tác giấy thủ công truyền thống, kỹ thuật tạo áp lực nước và các nguyên lý của nghệ thuật đồ họa.

Đầu tiên, họa sĩ ngâm nguyên liệu thô như tre, rơm, mía, bèo…, sau đó nấu với vôi, nghiền, giã thành bột giấy rồi "seo" thành tấm giấy trên khung. Tiếp đó là kỹ thuật trúc chỉ, được thực hiện ngay trên tấm giấy ướt. Họa sĩ sẽ sử dụng một vòi phun tạo áp lực nước để thay đổi cấu trúc xơ sợi, tạo nên độ dày mỏng khác nhau, với những hình ảnh đã được cắt trổ theo phác thảo, ứng với hệ thống sắc độ khi tương tác với ánh sáng.

Họa sĩ Phan Hải Bằng: Đưa giấy thoát khỏi thân phận làm nền - Ảnh 2.

Một tác phẩm thể hiện khả năng đối thoại giữa nền trúc chỉ với tín hiệu được in, vẽ… tiếp lên trên đó

Hành trình đưa giấy thành tác phẩm nghệ thuật tự thân hẳn đã rất gian nan?

Từ năm 2000, tôi đã làm ra tấm giấy đầu tiên từ những miếng giấy tái chế, giấy vệ sinh… Đến năm 2007 - 2008, tôi nhận được học bổng châu Á học và đến Chiang Mai (Thái Lan) để nghiên cứu về giấy trong 7 tháng ròng. Năm 2011, tôi xây dựng xưởng thực nghiệm trong Trường ĐH Nghệ thuật (ĐH Huế) trong tình cảnh rất khó khăn. Tôi đã tận dụng đủ thứ, nhặt gạch quanh trường để xây lò, mua thùng làm nồi nấu giấy... Tôi chẻ tre, còn mẹ tôi đi xin bã mía quanh phố, rơm thì học trò lấy từ quê lên, chuối thì tôi chặt trong vườn của trường... để thử nghiệm.

Có được nguyên liệu, tôi ngâm, nấu, rồi seo thành giấy, rồi làm tranh..., vừa làm vừa ghi chép. Tôi phải thử nghiệm nhiều lần và tốn rất nhiều thời gian mới đưa ra được một công thức cho từng loại nguyên liệu. Sau khi hoàn thành, khả năng đầu tiên của giấy là làm nền; khả năng thứ hai là giấy thành tác phẩm tự thân, có thể tạo nên các sắc độ sáng tối; khả năng thứ ba là đối thoại giữa nền trúc chỉ với tín hiệu sẽ được in, vẽ… lên trên đó.

Họa sĩ Phan Hải Bằng: Đưa giấy thoát khỏi thân phận làm nền - Ảnh 3.

Họa sĩ Phan Hải Bằng: Đưa giấy thoát khỏi thân phận làm nền - Ảnh 4.

Là môn nghệ thuật mới, đã có không ít những ngộ nhận về trúc chỉ, điều này có khiến ông buồn lòng?

Với ý niệm của trúc chỉ là đưa giấy trở thành nghệ thuật, nên việc đầu tiên là khai thác tất cả các loại nguyên liệu có được. Nghệ thuật giấy là một nhánh của nghệ thuật xơ sợi (fiber). Với góc độ như vậy thì sẽ có cách ứng xử thoải mái và mở hơn với giấy. Trong trúc chỉ có từ "palette of fiber". Họa sĩ có palette để pha màu thì trúc chỉ có palette của xơ sợi. Mỗi loại xơ sợi sẽ cho những biểu hiện khác nhau về màu, sắc độ cũng như biểu chất hết sức độc đáo mà từ trước đến giờ chưa có.

Tại không gian Vườn trúc chỉ (Huế), chúng tôi còn đặt thêm các thiết chế không gian để góp phần xây dựng giá trị và khái niệm. Chẳng hạn, đó là đền "Quán tẩy" để bỏ sang một bên những tạp niệm, những định kiến... nhằm có thể tiếp xúc với nghệ thuật trúc chỉ một cách thuần khiết. Bởi có nhiều người tiếp xúc trúc chỉ bằng những câu hỏi rằng: có bền, dai không, in lên có đẹp không, khi bị ngấm nước có sao không?... Đại loại, họ hỏi những câu với ý niệm đó là giấy nền, trong khi trúc chỉ đã đưa câu chuyện giấy đi xa hơn rất nhiều.

Họa sĩ Phan Hải Bằng: Đưa giấy thoát khỏi thân phận làm nền - Ảnh 5.

Tranh trúc chỉ thu hút người xem bởi hiệu ứng xuyên sáng

"Bàn thờ" trúc chỉ với slogan "Ruột không tiết thẳng đứng trời hạo nhiên" cùng hình ảnh chiếc đòn gánh hết sức độc đáo, ông có thể cho biết ý nghĩa của không gian này?

Tại Festival Huế vào tháng 4.2012, tôi đã làm một triển lãm với không gian sắp đặt trúc chỉ. Tại đây, thầy Bửu Ý đã đặt tên cho nghệ thuật giấy tự thân là trúc chỉ, với ý nghĩa tre trúc là biểu tượng của văn hóa và tinh thần VN chứ không chỉ là chất liệu. Trúc chỉ có nghĩa là giấy Việt nhưng có tính chất nghệ thuật ở trong đó. Tôi gọi thầy Bửu Ý là người lập danh cho trúc chỉ.

Ruột không tiết thẳng đứng trời hạo nhiên là câu của sư thầy, nhà thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh tặng cho trúc chỉ với ngụ ý nói lên tinh thần cương trực, chánh đạo thông qua hình tượng cây tre. Thầy là người lập ngôn cho trúc chỉ.

Còn hình ảnh đòn gánh là biểu tượng, hình mẫu của người mẹ. Người mẹ tạo ra sự sống, tạo ra sự mới mẻ. Linh vật chiếc đòn gánh ngụ ý là biểu tượng của sự sáng tạo, mà sáng tạo luôn là tinh thần của trúc chỉ. Ở đâu có cơ sở đại diện cho trúc chỉ, việc đầu tiên phải làm đó là đặt linh vật đòn gánh, phải có bức thư pháp của sư, có lư trầm. Đó là một "bàn thờ" mang tính định dạng. Chúng tôi cũng đặt cột mốc trúc chỉ Km 0 ở Vườn trúc chỉ, để xác tín quê hương của trúc chỉ là Huế.

Họa sĩ Phan Hải Bằng: Đưa giấy thoát khỏi thân phận làm nền - Ảnh 6.

Để xây dựng giá trị cho trúc chỉ, tiêu chí ông đặt ra là gì?

Giá trị trúc chỉ đến từ 4 yếu tố. Thứ nhất từ quan niệm, ý niệm tạo ra giấy thoát khỏi thân phận làm nền. Yếu tố thứ hai là lịch sử. Yếu tố thứ ba là kỹ thuật, kỹ năng dựa trên yếu tố truyền thống để làm mới. Yếu tố thứ tư là khả năng đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Với trúc chỉ, tôi thêm một yêu cầu nữa, đó là khả năng đáp ứng nhu cầu sáng tạo, bởi đây là bộ môn nghệ thuật. Khi vận hành trúc chỉ, ngoài 4 yếu tố và 1 yêu cầu, tôi còn đặt 3 tiêu chí, đó là thẩm mỹ - giáo dục - xã hội. Nếu thiếu một trong các tiêu chí thì không thể tạo giá trị thực mà đó là "phiên bản lỗi".

Thời điểm năm 2017 nở rộ phong trào chơi trúc chỉ ở các không gian tâm linh và đã xuất hiện các phiên bản lỗi. Tuy vậy, những phiên bản lỗi cũng chỉ đi được vào các không gian nhỏ lẻ và một số nhóm khán giả do tính thẩm mỹ và giáo dục chưa được đáp ứng.

Họa sĩ Phan Hải Bằng: Đưa giấy thoát khỏi thân phận làm nền - Ảnh 7.

Triển lãm nghệ thuật trúc chỉ với tên gọi Năng tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thu hút đông đảo công chúng yêu mỹ thuật, vừa bế mạc vào cuối tháng 7.2023

Họa sĩ Phan Hải Bằng: Đưa giấy thoát khỏi thân phận làm nền - Ảnh 8.

Năm 2017, với việc được tỉnh Thừa Thiên-Huế chọn làm quốc phẩm tặng Nhật hoàng Akihito đến thăm, có phải đây là dấu mốc lớn nhất mà trúc chỉ đạt được?

Việc tác phẩm trúc chỉ được chọn để tặng Nhật hoàng khi đến thăm tỉnh Thừa Thiên-Huế là niềm hạnh phúc lớn lao đối với chúng tôi. Tôi coi đó là dấu mốc cực kỳ ý nghĩa trong sự phát triển của trúc chỉ đến thời điểm đó.

Để có quốc phẩm nói trên, tôi đã cùng các cộng sự miệt mài nghiên cứu và mất rất nhiều công sức. Ngày hoàn thành, bức trúc chỉ với hình ảnh Ngọ môn kích thước 40 x 50 cm đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Tôi cho rằng tác phẩm trúc chỉ tặng Nhật hoàng là một câu chuyện ngoại giao hết sức ý nhị. Bởi Nhật Bản là đất nước có washi - giấy thủ công thuộc hàng đỉnh cao trên thế giới.

Đến nay, sau 10 năm, trúc chỉ đã đi vào đời sống một cách rất ngọt ngào, trong đó không chỉ đi vào nghệ thuật tạo hình, thị giác mà còn ở lĩnh vực nghệ thuật ứng dụng: thiết kế nội thất, sản phẩm, trưng bày... Trúc chỉ đã hiện tồn trong xã hội như vậy và được mọi người ghi nhận từng bước một.

Họa sĩ Phan Hải Bằng: Đưa giấy thoát khỏi thân phận làm nền - Ảnh 9.

Với kỹ thuật trình chiếu tạo tương tác với khán giả, tác phẩm trúc chỉ được công chúng yêu thích bởi những hiệu ứng ánh sáng đẹp mắt

Ông mong muốn điều gì cho tương lai trúc chỉ?

Tôi mong ước đến một ngày nào đó, tính phổ quát của trúc chỉ sẽ vươn ra trên toàn thế giới. Sẽ có những họa sĩ ở châu Phi, châu Mỹ... sáng tạo nghệ thuật giấy, mà hồ sơ tác phẩm ở mục kỹ thuật chất liệu được sẽ được ghi là trucchigraphy. Với tính phổ quát đó, trúc chỉ sẽ là đóng góp của VN vào dòng chảy nghệ thuật thế giới. Đó là cách trả ơn, như chúng tôi học hỏi từ bạn nhiều thứ để hình thành nên trucchigraphy, trúc chỉ và nhiều thứ khác nữa. Đó cũng là cách ứng xử mở rộng ra với truyền thống nhân loại chứ không riêng gì VN.

Tôi từng có mong muốn xây dựng trúc chỉ thành một môn học (paper art) trong Trường ĐH Nghệ thuật (ĐH Huế). Tuy nhiên đến giờ vẫn còn là ước mong.

Họa sĩ Phan Hải Bằng: Đưa giấy thoát khỏi thân phận làm nền - Ảnh 10.

Như ông nói, tính phổ quát của trúc chỉ ngày càng mở rộng, ông có lo trúc chỉ giả lấn át?

Ngay từ đầu tôi không có ý định giữ gì cho mình mà mong muốn biến nó thành giá trị của Huế, của VN và sau cùng là tính phổ quát. Tôi chia sẻ cho nhiều người về nghệ thuật trúc chỉ ngay từ thời đoạn đầu tiên và từ đó cũng đã sinh ra những "phiên bản lỗi". Mọi người hay nói: có sao họ mới bắt chước. Tôi không buồn vì mất bản quyền, mà buồn vì ý thức kém của một bộ phận bắt chước trúc chỉ.

Dù vậy, tôi vẫn không ngừng chia sẻ những câu chuyện giá trị trúc chỉ, để ngay cả những phiên bản lỗi cũng có thể ý thức được tính thẩm mỹ và giáo dục. Bởi dẫu gì đi nữa, trúc chỉ đã mang tinh thần VN. Nếu vẫn "lỗi" về thẩm mỹ và giáo dục, thì vô hình trung sẽ làm xấu đi hình ảnh của VN.

Họa sĩ Phan Hải Bằng: Đưa giấy thoát khỏi thân phận làm nền - Ảnh 11.

Các nghệ phẩm ứng dụng độc bản, riêng biệt với những đặc điểm sáng tạo mới, tinh tế từ trúc chỉ

Để trúc chỉ phát triển bền vững, kế hoạch của ông là gì?

Điều may mắn là, hiện có rất nhiều người và tổ chức đang nỗ lực gìn giữ giá trị trúc chỉ. Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có những động thái để bảo vệ thành quả trúc chỉ cho địa phương. Chúng tôi đang tiến hành đề tài cấp tỉnh Khai thác phụ phẩm nông nghiệp và thực vật không mong muốn để sáng tạo trúc chỉ nhằm giúp bà con hiểu, thu gom thân chuối, bắp, rơm để bán lại, phục vụ chế tác trúc chỉ. Đó cũng công việc để gìn giữ và phát huy bền bỉ giá trị trúc chỉ.

Với tôi, trúc chỉ vẫn cần sức nặng từ bên trong để duy trì nên phải tiếp tục nghiên cứu các loại giấy ở VN. Tôi viết sách và cố gắng mở rộng trúc chỉ, để một ngày chữ trucchigraphy phải đi vào từ điển nghệ thuật và sẽ được ghi dưới tác phẩm. Đội ngũ anh chị em trúc chỉ trưởng thành và tiếp tục vận hành, xây dựng trúc chỉ thành một giá trị mới, xứng đáng với với nền tảng văn hóa của vùng đất cố đô - nơi đã tiếp cho trúc chỉ rất nhiều năng lượng tích cực.

Họa sĩ Phan Hải Bằng: Đưa giấy thoát khỏi thân phận làm nền - Ảnh 12.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.