Trong ngôi biệt thự kiểu Pháp ở số 6 Huyền Trân Công Chúa (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), Vi Quốc Hiệp say sưa tỏ bày tình yêu với Đà Lạt, nơi anh có hơn 30 năm gắn bó.
* Mới đầu xuân mà họa sĩ có ngay cuộc triển lãm, đây có phải là một điềm lành cho năm mới?
- (Cười). Chắc chắn là điềm lành rồi, đây là cuộc triển lãm lần thứ 16 của tôi. Được trở lại TP.HCM phục vụ công chúng yêu hội họa trong những ngày đầu xuân mới Kỷ Sửu, tôi rất vui.
Cuối năm 2008, khi Đà Lạt kỷ niệm 115 năm hình thành và phát triển, chị Ý Ngọc lên Đà Lạt, tìm đến phòng tranh của tôi. Chị nhận xét tranh của Vi Quốc Hiệp sôi động và có ấn tượng nên ngỏ lời mời tôi về TP.HCM triển lãm nhân sinh nhật một năm của Ý Ngọc - Sỹ Hoàng Gallery.
Bên cạnh việc triển lãm áo dài, chị Ý Ngọc muốn giới thiệu tranh của tôi với chủ đề Xuân đến công chúng yêu nghệ thuật. Lần này tôi đưa về TP.HCM 40 bức tranh, trong đó 20 bức về hoa, 15 bức chân dung thiếu nữ và 5 bức phố Đà Lạt hoa. Toàn bộ chi phí, việc tổ chức do Ý Ngọc - Sỹ Hoàng đài thọ.
Chị Ý Ngọc chỉ yêu cầu tôi một điều là thường trực tại phòng triển lãm để vẽ chân dung tả thực tặng cho những người yêu hội họa. Tôi đồng ý ngay, vì trong các cuộc triển lãm trước, tôi từng làm điều này để quyên góp tiền giúp đỡ người nghèo.
* Duyên cớ nào anh chọn Đà Lạt làm nơi dừng chân suốt 30 năm qua?
- Năm 1978, tôi được Bộ Văn hóa (cũ) điều động tăng cường vào Đà Lạt (Lâm Đồng) công tác 3 năm. Tôi cùng hai người bạn mang ba-lô lên đường nhận nhiệm vụ. Chỉ sau ba tháng, một người xin về lại miền Bắc, chẳng lâu sau người bạn còn lại cũng từ giã phố núi sương mù. Riêng tôi, ngay lần đầu đặt chân đến, tôi đã yêu say đắm thành phố ngàn thông này. Hết 3 năm, tôi xin Bộ ở lại Đà Lạt công tác luôn đến nay.
Vi Quốc Hiệp sinh năm 1948 tại Lạng Sơn, dân tộc Tày. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1971, sau đó anh lên Hà Giang công tác; đã từng sống và vẽ ở Thái Nguyên, Hà Giang... Năm 1978, anh được “tăng cường” vào Đà Lạt. Trước khi đến Đà Lạt, Vi Quốc Hiệp nổi trội với các tác phẩm ký họa chân dung phụ nữ, nổi tiếng nhất là bức Nữ dân quân Tày Đồng Văn (sơn dầu - 1971); hiện anh có 8 bức tranh được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. |
***
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp xin lỗi cắt ngang câu chuyện, vào kho lục lọi và khoe với chúng tôi bức tranh biệt thự Đà Lạt đầu tiên anh vẽ bằng bột màu vào năm 1983.
* Từ khi nào anh phát hiện “kho báu” biệt thự ở Đà Lạt?
- Như đã nói, ngay khi đặt chân lên Đà Lạt, tôi đã yêu say đắm thành phố ngàn thông chập chùng sương mù lãng đãng, một thành phố có phong cảnh quá tuyệt vời. Không chỉ thế, thấp thoáng trong rừng thông, bên những con đường uốn lượn quanh đồi là những ngôi biệt thự ẩn hiện càng làm phố núi kiêu sa hơn, đẹp hơn trong mắt người nghệ sĩ như tôi.
Tôi đã không cầm được lòng, hằng ngày đạp xe khắp các nẻo đường phố núi để thưởng thức vẻ đẹp độc đáo của hơn 2.000 ngôi biệt thự, điều đặc biệt là không biệt thự nào giống biệt thự nào. Lúc đó tôi tức tốc ký họa trên giấy những biệt thự mình thích và ghi lại địa chỉ để còn tìm đến.
* Ngôi biệt thự đầu tiên anh vẽ là ngôi biệt thự nào?
- Đó là ngôi nhà số 3 Trần Hưng Đạo (Đà Lạt), lúc đó là khu nhà tập thể của cán bộ công nhân viên ngành thể thao, nay đã bị cơi nới phá hết kiến trúc ban đầu. Tôi vẽ bằng bột màu vì lúc đó rất khó kiếm sơn dầu hoặc acrylic như bây giờ. Tiếp đó tôi vẽ hàng trăm biệt thự khác, có những ngôi biệt thự nay không còn nữa, tiếc quá! Theo tôi, quỹ biệt thự Pháp ở Đà Lạt là một “kho báu” kiến trúc cần phải gìn giữ và bảo tồn.
* Kho tàng tranh biệt thự của anh hiện có bao nhiêu bức?
- Tôi không nhớ rõ, nhưng tôi đã vẽ khoảng 400 ngôi biệt thự rồi. Tôi phân ra 5 chủ đề chính: Ấn tượng biệt thự cổ, lưu lại những ngôi biệt thự có kiến trúc độc đáo lạ mắt; rồi Biệt thự theo mùa, vì thiên nhiên Đà Lạt thay đổi theo từng mùa, ai đó đã từng ví von một ngày ở Đà Lạt có 4 mùa xuân - hạ - thu - đông, bởi vậy tôi đã vẽ những biệt thự ngập tràn màu vàng óng ánh của dã quỳ, có bức đằm thắm quyến rũ bởi màu hồng của anh đào...; tiếp đến là Biệt thự trong sương vẽ những ngôi biệt thự mờ mờ ảo ảo trong sương, ẩn khuất trong mây ngàn lãng đãng; còn với Biệt thự Đà Lạt trên cao, tôi vẽ những mái nhà biệt thự đủ kiểu nhìn từ trên cao; và mảng cuối cùng là Nỗi lo biệt thự Đà Lạt với những bức tranh vẽ biệt thự Đà Lạt sau năm 2000 nhằm mục đích cảnh báo về sự xuống cấp của kiến trúc Đà Lạt với những tòa nhà cao tầng chen chúc nhau vươn lên phá vỡ đi vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên.
Sẽ ra sao nếu một ngày nào đó những ngôi biệt thự biến mất? Đã có nhiều bài học từ các địa phương khác về kiến trúc mà Đà Lạt phải rút kinh nghiệm.
* Rất cảm thông với những trăn trở của anh. Phải chăng vì thế mà mỗi dịp Đà Lạt có lễ hội anh lại mở triển lãm tranh?
- Vâng, năm 2003, Đà Lạt kỷ niệm 110 năm, tôi có phòng tranh với 110 tác phẩm với chủ đề Tình yêu Đà Lạt; dịp Festival hoa 2007 tôi triển lãm phòng tranh Hoa và người đẹp, và gần đây nhất khi Đà Lạt kỷ niệm 115 năm, tôi trình làng 90 bức tranh với chủ đề Ấn tượng biệt thự cổ Đà Lạt; một lần nữa tôi muốn nhắc nhở mọi người hãy biết quý trọng và gìn giữ quỹ kiến trúc biệt thự Đà Lạt đang ngày càng hao mòn.
Một tác phẩm của họa sĩ Vi Quốc Hiệp về biệt thự cổ Đà Lạt |
* Trước khi anh “bị” biệt thự Đà Lạt “thôi miên”, anh được ví như chàng lãng tử chuyên săn tìm vẻ đẹp của phụ nữ?
- Vâng! Trước và sau khi đến Đà Lạt tôi vẫn bôn ba khắp núi rừng Tây Bắc, Tây Nguyên để vẽ chân dung các thiếu nữ miền sơn cước; chân dung phụ nữ là thế mạnh của tôi. Tôi nghĩ phụ nữ nói chung là niềm hy vọng, là chỗ dựa của... đàn ông.
Tôi vẽ để tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ, để ca ngợi họ. Một mảng khác tôi vẫn thường vẽ đó là hoa, tôi có diễm phúc sống tại thành phố ngàn hoa nên tôi tha hồ tung hoành. Tôi biết ơn Đà Lạt vì đã nuôi dưỡng tôi, cho tôi chất liệu, cảm hứng để sáng tác.
* Được biết anh vẫn vẽ tranh để bán, anh quan niệm thế nào về việc này?
- Trước hết tôi khẳng định tôi sống để vẽ, chứ không phải vẽ để sống. Thực tâm, khi sáng tác được một tác phẩm, không nghệ sĩ nào muốn bán nó cả, nhưng thực tế để có điều kiện sáng tạo tôi phải bán tranh. Có lúc vì quá túng phải bấm bụng bán tranh, như bức Nữ dân quân Tày Đồng Văn (1971) tôi bán cho Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM vào năm 1990 được 400 USD, tương đương một cây vàng, quý lắm, hãnh diện lắm. Nhưng bây giờ nghĩ lại vẫn tiếc.
Ở một khía cạnh khác, một họa sĩ vẽ tranh mà có người mua là một thành công, chứng tỏ họ có thương hiệu, tôi nghĩ điều đó đáng tự hào. Riêng tôi, hiện có khoảng 100 bức tôi sẽ không bao giờ bán. Nhưng có những bức khách trả được giá là tôi chuyển giao ngay vì đó là một phần cuộc sống.
* Anh có hài lòng với cuộc sống hiện tại và có ước vọng nào cho năm Kỷ Sửu?
- Tạm hài lòng. Tôi ước mơ có một phòng triển lãm, một bảo tàng tranh về biệt thự Đà Lạt để du khách thưởng lãm. Cũng mong sao các vị lãnh đạo thành phố cũng như người dân biết gìn giữ, bảo tồn kiến trúc biệt thự Pháp đang còn lại, vì đó là tài sản văn hóa vô giá của Đà Lạt.
Lâm Viên (thực hiện)
Bình luận (0)