Họa sĩ Vũ Anh: Kỷ lục cắt hình bằng kéo

11/01/2006 22:48 GMT+7

30 giây !" là câu nói của dân Sài Gòn để chỉ một sự việc được diễn ra rất nhanh. Thế nhưng, những bức chân dung do họa sĩ Vũ Anh thực hiện theo phương pháp cắt hình trên giấy bằng kéo còn... nhanh hơn cả 30 giây nữa ! - Chuyên mục Chuyện lạ Việt Nam của VTV3 đã ghi nhận: Vũ Anh cắt hình đoạt kỷ lục 23 giây/hình.

Nếu có dịp lang thang vào các khu hội chợ, triển lãm lớn ở Hà Nội, TP.HCM hoặc Cần Thơ, rất có thể bạn sẽ bắt gặp một gian hàng rất độc đáo: Gian hàng của Vua cắt hình Vũ Anh. Chủ nhân của gian hàng là một họa sĩ già 77 tuổi nhưng mắt còn tinh, tay còn khéo léo. "Dụng cụ hành nghề" của ông rất tinh giản, gọn nhẹ: một xấp giấy thủ công màu đen, một cây kéo cùng vài hộp hồ dán. Chỉ có vậy thôi nhưng nếu bạn ngồi vào chiếc ghế đối diện với lão họa sĩ thì chỉ trong nháy mắt, một bức chân dung nhìn nghiêng của bạn đã được chủ nhân thực hiện chỉ với một đường kéo hết sức điêu luyện. Chắc chắn bạn sẽ rất hài lòng với bức chân dung "ngược sáng" của mình khi nghe những lời xuýt xoa tán thưởng "giống quá!" của những người chung quanh. Ông cho biết:

- Ông nội tôi là một địa chủ có tiếng ở Sa Đéc. Hồi đó, các phú nông thường có cái "mốt"â gởi con theo học tại các trường của những tỉnh lớn: Sài Gòn, Huế, Hà Nội, vừa có giá trị trong việc họåc của con mà gia đình cũng "mát mặt" với làng xã. Bố tôi đang học năm thứ 3 trường Bưởi (Hà Nội) thì bị đuổi vì... leo rào đi chơi ả đào ở Khâm Thiên. Sau đó thất nghiệp, ông phải lang thang sang Lào làm thầu đường, rồi làm "thầy thông" ở Sở Bưu điện Hà Nội. Khi được thăng chức làm "ông phán dây thép", ông xin đi nhận nhiệm sở ở các "pốt" (poste) nhỏ như: Lai Châu, Bắc Kạn, Tam Đảo, Cửa Lò, Phước Long... (những "pốt" lớn đều do người Pháp làm sếp). Ông trôi dạt từ Bắc qua Trung vào Nam, thích thăm thú các danh lam thắng cảnh và học ngâm sa mạc, ca Huế, ca vọng cổ... Tôi sinh năm 1929 tại thị xã Lai Châu với tên khai sinh là Nguyễn Quốc Tài. Tôi cũng "nhiễm" máu giang hồ như bố: đi khắp trong nước, qua cả Campuchia và Lào.

 * Cơ duyên nào mà ông đến với nghệ thuật cắt hình ? Có phải ông là người cắt hình đầu tiên ở Việt Nam ?

 - Năm 12 tuổi, tôi theo chị đi chơi trong một hội chợ đấu xảo ở Bảo tàng Maurice (Hà Nội) và trông thấy một nghệ sĩ người u đang cắt hình cho đám đông. Tất cả đầu óc của tôi bị cuốn theo lưỡi kéo thoăn thoắt của ông. Hôm sau, tôi lại trốn ra hội chợ xem "ông Tây" cắt hình một lần nữa rồi về nhà lấy giấy báo bôi nhọ nồi lên và... cắt. Mãi đến năm 1944, tôi mới được theo học một lớp về cơ thể học của Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1948, tại Đồng Tháp Mười, tôi đã cắt hình cho đồng chí Lê Duẩn và các anh em trong Chi hội Văn nghệ khu 9: Phan Vũ, Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Quốc Hương, Nguyễn Bính, Huy Hà, Chi Lăng... Mãi đến năm 1955, tại hội chợ Phú Thọ, tôi mới chính thức vào nghề cắt hình vì sinh kế. Tôi không phải là người cắt hình đầu tiên ở Việt Nam. Người mà tôi gặp đầu tiên nhưng không biết tên là một họa sĩ cắt hình tại rạp chiếu bóng tỉnh Quảng Ngãi. Anh này ở trong Đoàn ca vũ nhạc kịch Anh Vũ do kiến trúc sư Vũ Đức Diên làm trưởng đoàn. Do mến mộ các nghệ sĩ của đoàn này nên tôi đã lấy cái tên Anh Vũ đảo ngược lại làm tên tôi. Người thứ hai là Vũ Văn Thịnh đã cắt hình tại nhà Khai Trí Tiến Đức - Hà Nội (năm 1952). Người thứ ba là Thái Đình Uyển, cắt hình tại hội chợ Nam Vang bên Campuchia năm 1955 và sau đó là tôi. Ngoài ra, còn có một vài người hành nghề tại Thảo cầm viên Sài Gòn nhưng không mấy nổi tiếng. Ở Hà Nội, hiện có sinh viên Tô Hoàng cũng đi theo nghệ thuật này, anh rất chịu khó đi cắt hình ở các chùa chiền, lễ hội ngoài Bắc. Tay kéo của anh rất có triển vọng... Trong một cuộc triển lãm vào năm 1957, tôi đã lập được kỷ lục cắt hình với 38 giây (trước Thái Đình Uyển 2 giây) và trong chuyên mục Chuyện lạ Việt Nam của VTV3 mới đây, tôi đã phá sâu kỷ lục cũ của chính mình đến 15 giây !

 * Hẳn có nhiều người đẹp ngồi làm mẫu cho ông cắt, có... run tay không thưa ông ?

 -  Tôi đã từng cắt hình cho rất nhiều người đẹp, thậm chí có vài cô là hoa hậu Sài Gòn. Cách đây đã rất lâu, chưa bao giờ tôi gặp một phụ nữ đẹp đến thế: đôi mắt, khuôn mặt, dáng vẻ và cả giọng oanh vàng thỏ thẻ: "Trong hai năm nay tôi đều đi hội chợ nhưng không thể chen lấn để xin ông cắt. Chiều nay mới có dịp...". Khi cô ấy cảm ơn và tạm biệt, có cảm tưởng như nếu cô ấy chỉ nhìn tôi thêm một lát nữa thì hình hài tôi sẽ tan biến vào đôi mắt huyền diệu ấy ! Tôi không biết tên nhưng hình ảnh của nàng đến giờ vẫn còn lắng đọng trong lòng tôi. Điều làm tôi nuối tiếc có lẽ là tình yêu.Về sự nghiệp, tôi chỉ ân hận chưa có được một học trò nối nghiệp về khoa cắt hình.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.