img

Bảo tàng Không gian văn hóa Mường tọa lạc nơi triền đồi cách trung tâm TP.Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) độ 7 km. Không gian ấy tái hiện một xã hội người Mường từ hơn trăm năm trước, được chủ nhân là họa sĩ Vũ Đức Hiếu tự chia thành các giai tầng, đứng đầu là nhà Lang, dưới đó là giúp việc cho nhà Lang, gọi là nhà Ậu. Dân thường nhà Nóc, tầng nữa là bần cùng trong xã hội, có lỗi nhà Lang, phạm luật làng, gọi là nhà Nóc Trọi.

Bảo tàng cũng là nơi tái hiện đời sống sinh hoạt của người Mường, gồm vật dụng, không gian sống, nghề thủ công… được trưng bày dựa theo đời sống xã hội người Mường trước đó. Ngoài ra có các phòng trưng bày chuyên đề, nhấn mạnh nghề thủ công như dệt, đánh bắt cá, đến các sinh hoạt văn hóa… Khách tham quan chỉ trong thời gian ngắn đủ hình dung câu chuyện văn hóa Mường thông qua hiện vật cụ thể.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu Đem Mường đi muôn nơi- Ảnh 1.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu Đem Mường đi muôn nơi- Ảnh 2.

Không gian văn hóa Mường của bây giờ có khác gì so với lúc hình thành?

Về cơ bản không khác nhiều, vẫn là câu chuyện tái hiện không gian sống xã hội Mường, nhưng phát triển theo hướng mới, chú trọng vào giáo dục, đem câu chuyện Mường tiếp cận đến trường học, từ mẫu giáo cho đến sinh viên đại học. Từ năm 2011, Bộ GD-ĐT đưa giáo dục di sản vào nhà trường, tôi nhân việc đó phát triển văn hóa Mường qua hình thức giáo dục. Lớp trẻ đến bảo tàng có chương trình riêng theo lứa tuổi. Tôi chuẩn bị việc này từ năm 2008, bắt đầu khởi động giáo dục gắn với di sản, đưa ra các hoạt động, chương trình, kỹ năng sống, kết nối vào câu chuyện văn hóa Mường và giáo dục thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế như đan lát, dựng lều, dựng lán, nhóm lửa, bài học về dao, về vật liệu, dẫn nhập vào chuyện dựng nhà của người Mường, kiến trúc, đời sống sinh hoạt, canh tác, hái lượm, nhờ đó các em có ấn tượng, nhớ về hoạt động, đó là cách bảo tàng lan tỏa câu chuyện văn hóa đến học sinh sinh viên.

Không gian văn hóa Mường, nghe tên gọi dễ gợi về cảm giác cổ xưa, truyền thống, dân gian, nhưng khi tiếp cận lại thấy dấu ấn đương đại cũng rất mạnh?

Thực ra ngay từ đầu hình thành, Không gian văn hóa Mường vẫn có mảng đương đại vì tôi là họa sĩ hoạt động nghệ thuật, muốn kết hợp giữa văn hóa và nghệ thuật. Bảo tàng từng làm nhiều festival nghệ thuật đương đại dành cho nghệ sĩ trong, ngoài nước. Nghệ sĩ là người hỗ trợ giúp lan tỏa văn hóa Mường thông qua cảm nhận của họ và có những sáng tác, trưng bày triển lãm. Đó là cách nhanh nhất, gần nhất để tạo nên kết hợp giữa văn hóa - truyền thống và nghệ thuật - đương đại.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu Đem Mường đi muôn nơi- Ảnh 3.
Họa sĩ Vũ Đức Hiếu Đem Mường đi muôn nơi- Ảnh 4.

Sử dụng toàn bộ nguyên liệu và tinh thần bản địa, gốm Mường định hình một vẻ đẹp khác lạ

Không gian văn hóa Mường diễn ra nhiều sự kiện nghệ thuật mang tầm khu vực và quốc tế, anh học được gì từ những lần tổ chức như vậy?

Tôi tham gia nhiều chương trình nghệ thuật các nước, nhận thấy câu chuyện văn hóa nghệ thuật là cách tiếp cận cộng đồng nhanh nhất. Khi người dân xem nghệ sĩ sáng tác, chính họ cũng nâng cao cái nhìn về nghệ thuật, thẩm mỹ, là điều kiện giúp họ tiếp cận các nền văn hóa khác. Nghệ sĩ quốc tế cũng vậy, thông qua người dân, họ hiểu hơn văn hóa bản địa. Một điểm lợi ở các sự kiện nghệ thuật tại Không gian văn hóa Mường là nghệ sĩ trong nước không cần phải đi xa mà vẫn có cơ hội giao lưu, trao đổi nghề nghiệp với nghệ sĩ quốc tế, là cầu nối dẫn đến nhiều hoạt động nghệ thuật khác.

Làm kinh tế đã khó, làm văn hóa mà nuôi được guồng máy, anh em đồng nghiệp, gia đình, khó hơn nhiều. Điều gì khiến Không gian văn hóa Mường vượt qua cả ở những lúc khó khăn nhất?

Hơi khó trả lời, vì xây dựng thật sự tốn rất nhiều tiền, vận hành còn tốn hơn, nhất là chuyện duy tu bảo dưỡng. Nhưng có lẽ nhờ cái duyên của tôi với văn hóa Mường, càng làm có nhiều phần giống như được... trời độ, cứ cần làm gì đấy lại có việc hay nguồn tài chính tìm đến, rồi bạn bè, anh em, các thầy, gia đình… tạo điều kiện tối đa để việc hoàn thiện. Còn khó khăn thì liên tục, chưa bao giờ làm cái gì dễ dàng cả.

Cách anh vận hành một bảo tàng văn hóa thì có gì thách thức, ngoài tài chính?

Khi tôi làm mọi thứ, về luật đều chưa rõ ràng. Đến năm 2011 thì có luật Di sản sửa đổi, ví dụ trước năm 2011 bảo tàng ngoài công lập không được tổ chức hoạt động dịch vụ, sau đó mới được. Bảo tàng công lập thì được tài trợ 100%, hiện vật nhà nước sưu tầm; ở Không gian văn hóa Mường tất cả phải tự thân, không tổ chức dịch vụ là vô cùng hạn chế. Nhờ luật Di sản sửa đổi, câu chuyện bảo tàng tư nhân dễ thở hơn, hoạt động thuận lợi hơn.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu Đem Mường đi muôn nơi- Ảnh 5.
Họa sĩ Vũ Đức Hiếu Đem Mường đi muôn nơi- Ảnh 6.
Họa sĩ Vũ Đức Hiếu Đem Mường đi muôn nơi- Ảnh 7.

Chất “Mường” phảng phất trong kỹ thuật thể hiện trên gốm của Vũ Đức Hiếu

Sáng tác, quản lý, vận hành bảo tàng, rồi gia đình, con cái, bí quyết gì giúp anh cân đối tất cả?

Trước đó gia đình sống ở Hà Nội, các con lớn dần, tôi cứ đi về Hà Nội - Hoà Bình, vất vả quá nên dần chuyển vợ con về Hòa Bình, sống luôn trong bảo tàng. Nhờ vậy việc dạy dỗ con cái, chăm sóc gia đình cũng tiện hơn, hoạt động sáng tác ngay bảo tàng cũng ổn.

Có bao giờ anh thấy nản trong hành trình gần 20 năm chơi với điều nghe thật quen nhưng lại đầy mơ hồ là văn hóa?

Nản lắm chứ, chuyện văn hóa đâu phải ai cũng dễ hiểu, ngay trong gia đình cũng mất nhiều thời gian thuyết phục, vì thời gian, công sức, tiền bạc bỏ ra để lưu giữ văn hóa, nhưng hằng năm thời tiết khắc nghiệt khiến hiện vật, văn vật (toàn tre nứa, gỗ) xuống cấp nhanh, duy tu là bài toán đau đầu. Nhìn mỗi ngày đồ sưu tầm cứ hỏng đi, mối mọt, xuống cấp, nản kinh khủng, cộng thêm nhiều khó khăn khác, từ việc cháy nhà (vụ việc du khách làm cháy ngôi nhà Lang có niên đại hơn 100 năm - PV), dịch bệnh, đóng cửa hoạt động, nhưng nhờ mọi người động viên nên cố gắng cầm cự cho đến giờ.

Bảo lưu văn hóa Mường, có nhiều người làm theo kiểu bảo tồn, bảo tàng, cách anh làm thế nào?

Tôi đưa ra công chúng một xã hội Mường thu nhỏ, khách tham quan được nghe kể chuyện trong không gian mở, tiếp cận hiện vật gốc, qua đó có thể nhìn thấy hiện vật sống động, biết mỗi hiện vật làm từ gì, như thế nào, câu chuyện gắn với nó. Trước tôi có đưa người dân vào sống trong chính ngôi nhà đấy để khách có thể trao đổi trực tiếp. Tôi muốn khách được tiếp cận văn hóa Mường nhanh nhất thông qua lối kể chuyện, phong tục, nghi lễ trong chính không gian tham quan, chứ không thông qua trưng bày đơn lẻ từng hiện vật rồi gắn cái bảng giới thiệu là đủ.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu Đem Mường đi muôn nơi- Ảnh 8.
Họa sĩ Vũ Đức Hiếu Đem Mường đi muôn nơi- Ảnh 9.

Một tạo hình khác lạ trong bộ sưu tập gốm Mường của Vũ Đức Hiếu

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu Đem Mường đi muôn nơi- Ảnh 10.

Nghệ thuật cộng đồng ở Mường là một thế mạnh của bảo tàng, anh có thể chia sẻ về hình thức tổ chức này?

Mục tiêu ban đầu khi hình thành, tôi muốn đưa nghệ sĩ quốc tế về VN để văn hóa Mường lan tỏa. Nghệ sĩ quốc tế sống và làm việc trong không gian văn hóa, khi trở về họ có thể kể bạn bè, người thân, và thông qua tác phẩm của chính họ dựa trên cảm hứng về câu chuyện văn hóa, đấy là cái được ở Không gian văn hóa Mường. Hoạt động cộng đồng đấy tôi vẫn tiếp tục phát huy, vì qua nó nhiều người được lợi, bà con địa phương tham gia hoạt động cùng nghệ sĩ, giúp họ hiểu văn hóa hơn, thẩm mỹ của họ cũng cao lên, hiểu thêm về nghệ thuật, về các nền văn hóa, dân tộc khác; và ngược lại, nghệ sĩ hiểu rõ hơn về người bản địa. Nghệ sĩ đến sáng tác và để lại nhiều tác phẩm, tạo thành bộ sưu tập đa dạng cho Không gian văn hóa Mường, văn hóa - nghệ thuật song hành. Cuối năm 2024 tôi sẽ ra mắt thêm một không gian nghệ thuật gồm những sưu tầm của bảo tàng sau gần 20 năm hoạt động.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu Đem Mường đi muôn nơi- Ảnh 11.

Vũ Đức Hiếu (góc trái) kết hợp cùng người dân Tam Thanh thực hiện tác phẩm nghệ thuật

Từ những dấu ấn bản địa ban đầu, Không gian văn hóa Mường giờ đã là nơi tập hợp nhiều nghệ sĩ đến lưu trú, sáng tác, trình diễn, sắp đặt, trưng bày… Anh có thể chia sẻ câu chuyện tập hợp nghệ sĩ đến với nơi này?

Ban đầu tưởng khó, nhưng không ngờ được anh em nghệ sĩ ủng hộ, khi tôi nói về câu chuyện lưu giữ bảo tồn văn hóa, anh em cả nước, anh em quốc tế đều sẵn sàng hỗ trợ, nhờ vậy các hoạt động trở nên đơn giản. Không gian văn hóa Mường có nhiều hoạt động gắn với nghệ sĩ, ví dụ như chuyện phục dựng nhà Lang, kêu gọi anh em đóng góp tác phẩm, bán đấu giá sau tai nạn gây cháy nhà Lang cổ năm 2013. Hoạt động ấy được ủng hộ nhiều, bởi văn nghệ sĩ đều quan tâm bảo tồn văn hóa.

Những năm gần đây, hình thức nghệ thuật cộng đồng lan tỏa rộng, trở thành hoạt động thường niên như Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh. Ở góc độ nghệ sĩ, anh có nhận định gì về hình thức nghệ thuật cộng đồng?

Khái niệm nghệ thuật cộng đồng rất rộng, mô hình này ở các nước đã khá quen thuộc. Ở VN tôi thường tổ chức hoạt động gắn kết nghệ sĩ với người dân, bằng nhiều hình thức, câu chuyện Tam Thanh là ví dụ. Năm 2016, tôi được mời vào tham gia nhóm phát triển kinh tế địa phương ở Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam), tiến hành khảo sát không gian làng chài. Tam Thanh khi ấy là nơi không ai biết. Để làm nghệ thuật cộng đồng, cách thức là tận dụng các điều kiện có thể của địa phương, xin bà con vật liệu bỏ đi và sử dụng chất liệu ấy cho nghệ sĩ sáng tác nghệ thuật. Khởi đầu Tam Thanh được gọi là làng bích họa, sau gọi là làng nghệ thuật, hội tụ nhiều mảng như điêu khắc, hội họa…, thu hút nghệ sĩ tên tuổi từ mọi miền đến hoạt động thường niên, biến Tam Thanh thành điểm đến cho nghệ sĩ và cả khách tham quan, người dân hưởng lợi từ đó.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu Đem Mường đi muôn nơi- Ảnh 12.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu trong chuyến sáng tác ở Tam Thanh tháng 5.2024

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu Đem Mường đi muôn nơi- Ảnh 13.

Trở lại câu chuyện bản địa, anh từng lọ mọ với gốm, và gọi là gốm Mường, vì sao?

Câu chuyện đến với gốm khá là tình cờ. Năm 2014 tôi gặp nghệ sĩ gốm Bảo Toàn và được rủ rê vào chơi gốm. Ban đầu tôi hình dung gốm phức tạp vì cơ bản môn này không như tranh vẽ hay điêu khắc, bởi liên quan đến đất, men, lò nung, rồi các dụng cụ chế tác phức tạp. Khi bắt tay vào thực hiện, không ngờ lại thấy có duyên với gốm, chỉ sau 2 tháng tôi làm một triển lãm gốm ở Module 7, tính đến giờ đã là 10 năm chơi - học - làm với gốm. Gọi gốm Mường là cách định danh, vì dùng vật liệu chính trên xứ Mường, từ men tro, cây cối, đá, đất, không gian Mường, nên gọi gốm Mường, nhưng người Mường không làm gốm.

Là họa sĩ, chơi với văn hóa Mường, khi chuyển qua gốm Mường, anh mong tìm trong đó điều gì?

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu Đem Mường đi muôn nơi- Ảnh 14.

Và đến nay, thành quả của gốm với anh thế nào?

Gốm là thứ đa dạng lắm, không biết thế nào là đủ, càng tìm càng thấy nó xa, càng làm lại thấy gần nhưng khó nắm bắt. Tôi cần nhiều thời gian hơn nữa để hiểu về gốm và cũng muốn phát triển nhiều hướng, nhiều dạng trên tinh thần này.

Nếu tả về gốm Mường, dễ hình dung nó là thứ gì đó cổ xưa lắm, giải thích theo kiểu của Hiếu Mường sẽ thế nào?

Cách ngắn nhất là gốm Mường thôi, có người bảo dùng luôn tên mọi người thường gọi tôi là gốm Hiếu Mường.

Loạt tác phẩm gần nhất của anh thấy ở đó tạo hình khác lạ, men thuốc biến ảo đầy mê hoặc, anh có thể giới thiệu đôi nét về nó?

Gốm nói chung thường bị gò vào một thứ công năng sử dụng, làm gốm để làm gì đó, khi định hình như vậy thì ngay trong đầu đã có câu trả lời gốm là bát đĩa, lọ cắm hoa…, những thứ gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày. Tôi muốn câu chuyện khác hơn, ngoài kiểu dáng phổ thông, những cái đã mặc định, tôi đem chất liệu gốm thể nghiệm sang ngôn ngữ đa dạng, phong phú hơn, kỹ thuật men cũng thế. Có thể thấy trong gốm nhiều kết cấu phá bỏ các dáng tròn, trụ. Gốm phụ thuộc vào khối, độ co ngót vật liệu nên phần nào hạn chế sáng tác. Tôi sử dụng nhiều biểu hiện hình thể, kiểu dáng, cho gốm đa dạng hơn, phù hợp đời sống hiện đại, vượt qua công năng thông thường là đồ đựng. Tôi muốn chế tác loại hình gốm có thể đi xa hơn trong nghệ thuật.

"Mường" của anh ở Hòa Bình, anh có ý định đem nó rong chơi xa hơn?

Có đấy, nhất là với gốm, tôi coi nó như một trong những chất liệu, hình thức dùng giới thiệu câu chuyện văn hóa Mường. Loạt tác phẩm gốm Mường mới nhất tôi đã mang về Hà Nội, đang hoàn thiện trưng bày, dự kiến ra mắt vào tháng 8 tới.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu Đem Mường đi muôn nơi- Ảnh 15.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.