Hoàn Cầu xuyên tạc về Biển Đông, Singapore nổi giận

28/09/2016 07:30 GMT+7

Singapore đã yêu cầu tờ Hoàn Cầu thời báo cải chính thông tin bịa đặt liên quan tới Biển Đông và Hội nghị cấp cao Phong trào không liên kết.

Hội nghị cấp cao Phong trào không liên kết lần thứ 17 (NAM 17) diễn ra tại đảo Margarita, miền bắc Venezuela trong hai ngày 17 và 18.9. Tham dự hội nghị có khoảng 1.000 đại biểu đến từ 120 nước thành viên, cùng 17 quốc gia và 10 tổ chức quan sát viên, theo báo The Straits Times. Toàn bộ các nước ASEAN đều là thành viên của NAM còn Trung Quốc là quan sát viên và được cho là có quan hệ hợp tác đầu tư khắng khít với Venezuela.
Xuyên tạc và hăm dọa
Trong một bài xã luận bằng tiếng Hoa mới đây, Hoàn Cầu thời báo cáo buộc Singapore muốn đưa tình hình Biển Đông vào tuyên bố chung của NAM 17 vào phút chót “khiến nhiều nước dự hội nghị bất bình”. Tờ này thậm chí còn tường thuật: “Đại diện của Singapore bị kích động và đã đưa ra những phát biểu mỉa mai về lập trường của các nước phản đối động thái trên. Vị đại diện thậm chí sử dụng những ngôn từ xúc phạm trong quá trình tranh luận, và tung những đòn công kích hiểm độc nhằm vào đại diện các nước có quan điểm công bằng”.
Đã có nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ đoạn này vì lâu nay chính các quan chức Trung Quốc mới thường có thái độ và lời lẽ không đúng mực trong các sự kiện ngoại giao quốc tế.
Cũng theo Hoàn Cầu thời báo, Singapore còn “làm phức tạp thêm vấn đề” bằng cách công khai thách thức vai trò Chủ tịch luân phiên NAM của Venezuela, và điều này cũng “vấp phải sự phản đối dứt khoát của nhiều nước”.
Tờ báo viết tiếp: “Nhiều đại biểu bày tỏ sự không hài lòng với Singapore vì đã phớt lờ tinh thần đoàn kết của NAM và công khai thách thức quy trình ra quyết định và quy ước của tổ chức này. Singapore đã hành động một cách vụ lợi và gây ra nhiều cuộc tranh luận kéo dài đến tận nửa đêm khiến nhiều nước bất bình”.
Hoàn Cầu thời báo còn chê trách phản ứng của Singapore sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) thuộc LHQ về vụ kiện Biển Đông là “đáng thất vọng”. Phụ san của Nhân Dân nhật báo thậm chí dẫn các nguồn tin dọa nạt rằng quan hệ Trung Quốc và Singapore chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng “nếu Singapore tiếp tục can thiệp không phù hợp vào cuộc tranh chấp”.
Hội nghị cấp cao Phong trào không liên kết lần thứ 17 (NAM 17) diễn ra tại đảo Margarita, miền bắc Venezuela trong hai ngày 17 và 18.9 AFP
Singapore đáp trả mạnh mẽ
Đáp lại sự vu khống của tờ báo Trung Quốc, Đại sứ Singapore tại Bắc Kinh Stanley Loh khẳng định tất cả thông tin về hoạt động của Singapore tại NAM 17 mà Hoàn Cầu thời báo đã đăng tải là “sai trái và vô căn cứ”.
Theo The Straits Times ngày 27.9, trong thư gửi Tổng biên tập Hồ Tích Tiến, ông Loh khẳng định phái đoàn Singapore tham dự hội nghị tại Venezuela không đơn phương nêu vấn đề Biển Đông mà tất cả thành viên ASEAN đã thống nhất yêu cầu cập nhật tình hình khu vực vào tuyên bố chung của hội nghị.
Cụ thể, ông Loh cho biết kể từ năm 1992, tuyên bố chung của các kỳ hội nghị NAM luôn cập nhật tình hình Đông Nam Á và Biển Đông. Tuy nhiên, năm nay, nước chủ nhà Venezuela cương quyết từ chối đưa các diễn biến mới trong khu vực vào tuyên bố. Vì thế, Lào với tư cách Chủ tịch luân phiên ASEAN đã đại diện khối gửi thư phản đối.
Để làm bằng chứng, Đại sứ Singapore gửi kèm theo bức thư của Trưởng phái đoàn Lào tại NAM 17 Kham-Inh Khitchadeth yêu cầu bảo lưu quan điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung. Theo đó, các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời tránh sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Ông Loh còn khẳng định nguyên tắc không liên kết của NAM là không để bất cứ thế lực bên ngoài nào ảnh hưởng đến hoạt động của khối. “Nếu trong tương lai, các đối tượng bên ngoài có thể áp đặt quan điểm lên vấn đề khu vực của các thành viên NAM thì sẽ không có lợi cho cả phong trào lẫn từng thành viên”, Đại sứ Singapore viết đồng thời cho biết nhiều nước tham dự hội nghị cũng đã phản đối tình trạng này.
Cuối cùng ông viết: “Chúng tôi (Singapore - NV) rất thất vọng khi tờ báo chính thống của Trung Quốc đưa tin một cách vô trách nhiệm với đầy rẫy những cáo buộc sai trái và vô căn cứ. Tôi yêu cầu vì tính chuyên nghiệp, sự khách quan và minh bạch, Hoàn Cầu thời báo phải công bố bức thư của tôi bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, để độc giả có thể tiếp nhận thông tin một cách chính xác. Điều này sẽ giúp mối quan hệ thân thiết giữa 2 quốc gia không vô tình bị ảnh hưởng”.
Tàu cá Philippines bị quấy rối ở Scarborough
Ngày 27.9, Philippines cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rối ngư dân nước này hoạt động tại bãi cạn Scarborough. Tờ The Straits Times dẫn thông báo của Lực lượng tuần duyên Philippines cho biết trong vụ đầu tiên vào ngày 6.9, ít nhất 3 tàu hải cảnh Trung Quốc đã rượt đuổi 3 tàu cá Philippines. Đến ngày 10.9, thêm 1 tàu cá Philippines bị hăm dọa, đẩy đuổi khỏi khu vực. Phản ứng trước thông tin trên, Ngoại trưởng Philippines Perfector Yasay hôm qua cho biết nước này sẽ tiếp tục vận dụng chính sách “ngoại giao tích cực và thầm lặng” để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.
Cũng ngày 27.9, tờ Mainichi Shimbun đưa tin Nhật Bản và Mỹ đã ký Thỏa thuận Thu nhận và dịch vụ tương hỗ (ACSA) sửa đổi nhằm thúc đẩy hợp tác hậu cần giữa các lực lượng hai nước. Theo đó, Lực lượng phòng vệ Nhật sẽ có thể hỗ trợ cung cấp đạn dược cho Mỹ một cách linh hoạt hơn trong các chiến dịch tại khu vực.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.