Từ năm 1935, để phản ứng hành động của chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam, Trung Hoa Dân Quốc mới bắt đầu dịch hết các tên hải đảo ở biển Đông và gọi Nam Sa là quần đảo Macclessfield. Sau đó Trung Hoa Dân Quốc vẽ bản đồ với biên giới biển xuống tận gần Bornéo. Đến năm 1947, sau khi giải giáp quân đội Nhật ở đảo ITU-ABA (Ba Bình) thuộc quần đảo Trường Sa, chính quyền Tưởng Giới Thạch mới gọi Nam Sa để chỉ Trường Sa của Việt Nam tức quần đảo Spratley. Song năm 1950 quân Tưởng đã rút khỏi các đảo vốn đến giải giáp quân Nhật ở Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 4.1956 quân Pháp rút khỏi Việt Nam, các nước lợi dụng khoảng trống của lực lượng phòng thủ của chính quyền ở miền Nam, trong đó Trung Quốc chiếm đảo Phú Lâm của Hoàng Sa, Đài Loan chiếm đảo ITU - ABA (Ba Bình).
Như thế, từ thập niên 30 đến thập niên 70, ban đầu Trung Quốc chỉ đưa ra luận điểm "Nam Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ lâu đời, bất khả tranh nghị", sau đó, cũng như quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc mới đưa ra luận điểm "Trung Quốc là nước phát hiện sớm nhất", "kinh doanh sớm nhất" và "quản hạt sớm nhất"! Thời gian thì lại bất nhất. Khi thì vào đời Tống, khi thì vào đời Hán.
Từ thập kỷ 80 trở đi, trong văn kiện Bộ Ngoại giao ngày 30.1.1980, cũng như trong Bộ tư liệu của nhóm Hàn Chấn Hoa, Trung Quốc viện dẫn vu vơ mang tính suy diễn. Văn kiện này đã dẫn cuốn Nam Châu Dị Vật Chí của Vạn Chấn và cuốn Phù Nam truyện của Khang Thái đời Tam Quốc. Song nghiên cứu nội dung của Nam Châu Dị Vật Chí của Vạn Chấn và Phù Nam truyện của Khang Thái, chúng ta không thấy có bằng chứng nào về sự phát hiện quần đảo Nam Sa cũng như Tây Sa.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc như nhóm Hàn Chấn Hoa đã tìm kiếm trong sách sử những địa danh như Từ Thạch, Trường Thạch, Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường, Trường Sa, Thạch Đường, ...là những đảo san hô hay cát ven biển hoặc vùng biển ven bờ để chú giải, gán ghép cho Nam Sa, mà chính địa danh Nam Sa này cũng chỉ mới đặt ra và lại di chuyển như đã nêu trên, từ đảo Macclesfield (năm 1935) đến vùng Spratly (năm 1947), một khoảng cách xa hơn 500 cây số về phía Nam. Sự tùy tiện gán ghép của các nhà nghiên cứu Trung Quốc được thể hiện rất rõ khi thì Vạn Lý Thạch Đường lúc chỉ Tây Sa, Trung Sa, lúc thì chỉ Nam Sa.
Văn kiện ngoại giao ngày 30.1.1980 còn dẫn các sách Mộng Lương Lục đời Tống, Đảo Di Chí Lược đời Nguyên, Đông Tây Dương Khảo và Thuận Phong Tương Tống đời Minh, Chỉ Nam Chinh Pháp và Hải Quốc Văn Kiến Lục đời Thanh, cho rằng những sách đó không những đã lần lượt đặt cho 2 quần đảo Tây Sa và Nam Sa những tên "Cửu Nhũ Loa Châu", "Thạch Đường", "Thiên Lý Thạch Đường", "Vạn Lý Thạch Đường", "Trường Sa", "Thiên Lý Trường Sa", "Vạn Lý Trường Sa"... mà còn đặt cho các đảo đá ngầm và bãi cát thuộc 2 quần đảo này nhiều tên gọi hình tượng linh động...
Chúng ta thử lật từng trang các sách dẫn trên hoặc coi những đoạn trích mà các nhà nghiên cứu như nhóm Hàn Chấn Hoa đã dẫn ra để chứng minh cho chủ quyền của Trung Quốc. Sách Mộng Lương Lục của Ngô Tự Thu viết năm 1275 không viết gì ngoài việc đề cập đến địa danh Thất Châu và Thất Châu Dương Côn Lôn, trong một đoạn văn như sau: "Nếu dùng thuyền đi vòng ra nước ngoài buôn bán, thì ra biển từ Tuyền Châu, đi liên tiếp qua Thất Châu Dương, ở thuyền dò nước sâu hơn 70 trượng... Từ xưa người đi thuyền đã nói: "Đi sợ Thất Châu, về sợ Côn Lôn" cũng sâu hơn 50 trượng. Nếu người buôn chỉ đến Đài Ôn, Tuyền Phúc buôn bán, không phải qua biển lớn Thất Châu Dương và Côn Lôn. Nếu có ra biển tất phải từ cảng Tuyền Châu, đến cửa Đại Dũ mới có thể ra biển đi rộng ra nước ngoài". Thế mà nhóm biên tập Hàn Chấn Hoa ghi chú rằng Thất Châu ở đây là quần đảo Nam Sa, còn Thất Châu Dương chỉ vùng biển một dải quần đảo Tây Sa và hàm ý minh chứng chủ quyền thuộc Trung Quốc.
Sách Đảo Di Chí Lược của Uông Đại Uyên đời Nguyên cũng chỉ đề cập đến Côn Lôn, Thạch Đường, Vạn Lý Thạch Đường và cho rằng: "Ngày xưa núi Côn Lôn còn gọi là quần đồn sơn. Núi cao mà vuông, bệ chân núi mấy trăm dặm rành rành giữa biển cả đứng thành thế chân vạc với Chiêm Thành và núi Tây Trúc, dưới có biển Côn Lôn, nhân đó mà có tên ấy. Thuyền buôn đi Tây Dương phải qua (biển đó) cho nhanh, thuận gió thì 7 ngày đêm có thể vượt qua được. Ngạn ngữ nói "Trên có Thất Châu, dưới có Côn Lôn"”. Sách Đảo Di Chí Lược còn chép rằng vỉa đá (xương) Thạch Đường sinh ra từ Thiều Châu liên tiếp như con rắn dài, nằm ngang kéo dài trong biển. Các nước vượt biển có câu: "Vạn Lý Thạch Đường - Thuyền từ cửa Đại Dũ treo 4 buồm, cưỡi gió rẽ sóng trên biển như bay đến Tây Dương, có thể mất hơn 100 ngày, lấy số dặm đi được trong một ngày đêm mà tính thì vạn dặm cũng chưa đủ. Một mạch đến Qua Da, một mạch đến Bột Nê đến Cổ Lý, một mạch đến đất Côn Lôn xa xôi của Tây Dương cho nên Tử Dương Chu Tử nói rằng đất hải ngoại cùng mạch đất Trung Nguyên liên tiếp nhau có phải thế không? Xem biển cả mênh mông không bờ bến, trong ẩn dấu Thạch Đường, ai mà rõ được?”.
Thế mà nhóm Hàn Chấn Hoa ghi chú núi Côn Lôn là quần đảo Nam Sa và biển Côn Lôn cũng chỉ quần đảo Nam Sa và hàm ý minh chứng chủ quyền thuộc Trung Quốc!.
Nhóm Hàn Chấn Hoa ghi chú rằng: "Đăng Điền Phong Bát cho rằng Vạn Lý Thạch Đường là quần đảo Trung Sa. Chúng tôi (nhóm Hàn Chấn Hoa) cho rằng: "Thạch Đường đã phân bố tại các khu vực từ Triều Châu đến Java đến Bột Nê (Calimanlan), Cổ Lý địa muôn (đảo Đế Uẩn) và Côn Lôn. Như vậy Vạn Lý Thạch Đường rõ ràng bao gồm các đảo Nam Hải trong đó có các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa".
Đông Tây Dương Khảo của Chương Tiếp (đời Minh) quyển 9, Châu Sư Khảo, Tây Dương Châm Lộ, bản có lời tựa năm Mậu Ngọ Vạn Lịch đời Minh (1618) cũng vậy, có đoạn chép rõ vị trí của Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Đường như sau: "Ở Chư Sơn... dùng kim la bàn đến thành Tây Nam, đến khoảng 13 canh đến Thất Châu Sơn, Thất Châu Dương (Quỳnh Châu)", và chỉ nói rằng:
"Trong biển phía Đông huyện Văn Xương 100 hải lý có núi, nhô liền 7 ngọn, trong có suối, nước ngọt ăn được là nơi quân của Lưu Thân nhà Nguyên đánh đuổi Tống Đoạn Tông bắt được người thân của vua Tống là Du Diên Khuê".
"Tục truyền xưa đây là Thất Châu, chìm xuống thành biển, thuyền qua dùng sinh (Lòng trâu hoặc dê), cháo tế vua đi tuần biển nếu không hung thần làm ác, thuyền qua đó rất nguy hiểm. Hơi lấn sang phía Đông là Vạn Lý Thạch Đường tức là cái mà Quỳnh Chi gọi là Thạch Đường Hải. Thuyền phạm vào Thạch Đường, ít cái thoát được. Thất Châu Dương đo độ sâu nước 130 sải".
"... Thuyền đến Thất Châu Dương và Ngoại La gặp mấy ngày này cần nhắc thân thuyền, không được lệch về Tây, Tây không có nước, cần trệch về phía Đông. Phàm đi thuyền, phải xem nước phía Tây sắc xanh, thấy nhiều "bãi lãng ngư" (là lạng sóng), lấn về Đông tất mầu nước đen; mầu xanh, có cây gỗ mục trôi và chim vịt kêu, tiếng như chim trắng đuôi mang đen ấy là hướng đúng (chính chân). Nếu ngại vào mà cho thuyền chạy lệch về phía Đông, chạy trong 7 canh là Vạn Lý Thạch Đường trong có 1 núi đá đỏ không cao. Nếu thân thuyền cạn lại thấy đá phải đề phòng cẩn thận!".
Đến đây, nhóm Hàn Chấn Hoa ghi chú Thất Châu Dương là Tây Sa, Thất Châu, Vạn Lý Thạch Đường... chỉ chung các đảo Nam Hải.
Sách Thuận Phong Tương Tống chép: "Ngày xưa các bậc tiên hiền Thượng Cổ đi trên biển, đều sử dụng phổ biến la bàn 24 vị (ngôi). Đường chính đi Thất Châu Dương trên không rời Cấn (Đông Bắc đến Đông) dưới không rời Khôn (Tây Nam đến Tây)".
Hải Đạo Chân Kinh là hợp biên 2 sách Thuận Phong Tương Tống và Chỉ Nam Chính Pháp (cuối Khang Hy nhà Thanh) có đoạn chép: "Thất Châu Dương nước sâu 120 thác (sải tay). Khi đi và khi về, tế cô (những cô hồn) bằng tam sinh (lợn, trâu, dê) rượu ngọt, cháo. Thuyền lấn sang Đông chim nhiều, lấn sang Tây cá nhiều" .
"Giao Chỉ Dương thấp phía Tây, có đảo cỏ, nước chảy xiết, có lau sậy nhiều củi, các cá bay, lấn sang Tây có bái phong ngư. Đo độ sâu của nước được 45 sải. Lấn sang phía Đông đi thuyền 7 canh có Vạn Lý Thạch Đường" .
Sách Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh cũng chép vị trí của Vạn Lý Trường Sa: "Phía Nam ngấn cát nối tiếp đến Việt Hải là Vạn Lý Trường Sa. Phía nam cách một biển gọi là Trường Sa Môn. Lại từ đầu phía nam cũng sinh ngấn cát đến Vạn Châu ở Quỳnh Hải gọi là Vạn Lý Trường Sa. Phía nam bãi cát ấy lại mọc đá rạng đến biển Thất Châu, gọi là Thiên Lý Thạch Đường. Trường Sa Môn ấy với Nam Ao ở phía tây bắc và với đảo Đại Tinh ở Bình Hải đứng đối nhau như ba chân vạc. Trường Sa Môn từ nam đến bắc rộng ước 5 canh đường. Những thuyền Phiên, tàu Tây qua lại với các nước Nam Dương, Lữ Tông, Văn Lai, Tô Lộc đều do Trường Sa Môn mà ra. Gió bấc thì lấy Nam Ao làm chuẩn, gió nồm thì lấy Đại Tinh làm chuẩn. Duy từ các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến đi sang Đông Nam Dương thì qua Sa Mã Ki Đầu Môn ở Đài Loan mà đến các nước Lữ Tống. Thuyền Tây Dương đi phía Đông biển Côn Lôn Thất Châu ở phía ngoài Vạn Lý Trường Sa, qua Sa Mã Kì Đầu Môn mà đến Phúc Kiến và Chiết Giang. Thuyền Nhật Bản thì lấy thẳng đường dây cung mà đến Trung Quốc, đến Nam Dương thì đi phía ngoài Vạn Lý Trường Sa, mênh mông không lấy gì làm chuẩn được, đều từ Việt dương trong khoảng các đảo ấy mà đến Thất Châu".
Đến đây sách Hải Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh (đời nhà Thanh) đã bắt đầu viết rõ về vị trí của Vạn Lý Trường Sa song không có cơ sở để nói rằng Vạn Lý Trường Sa chỉ Nam Sa hay Trường Sa của Việt Nam. Càng không thể là bằng chứng về sự xác lập chủ quyền của Trung Quốc trên quan điểm này. Thật rối mù và tùy tiện! Khi thì các học giả Trung Quốc cho Vạn Lý Thạch Đường chỉ quần đảo Trung Sa, có khi là Vạn Lý Thạch Đường lại là quần đảo Tây Sa (đảo "Đá Đỏ" Hồng Thạch Dữ), lúc là "Thạch đảo" (đảo đá) trong cụm đảo Thượng Thất Đảo thuộc quần đảo Nam Sa, khi Thạch Đường chỉ quần đảo Đông Sa. Đông Sa đã di chuyển đầu tiên từ chỗ gần bờ biển Quảng Đông tới vị trí hiện nay. Khi Thiên Lý Thạch Đường chỉ quần đảo Nam Sa. Trong phần chú của Hải Quốc Văn Kiến Lục, khi ghi chú Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường chỉ chung các đảo Nam Hải. Trong phần chú các sử sách đời Thanh như trong dẫn chứng Tổng đồ vẽ phủ châu huyện sách đời Thanh năm 1800, trong Thanh Hội Phủ Châu Huyện sách Tổng đồ do Hiền Phong vẽ năm 1800, lại chỉ Thất Châu Dương là quần đảo Tây Sa. Có chỗ ghi Vạn Lý Thạch Đường chỉ quần đảo Trung Sa và Nam Sa như ghi chú Đại Thanh Trung Ngoại Thiên Hạ Toàn Đồ năm 1709 hay Thanh Trực Tỉnh Phân Đồ năm 1724, Hoàng Thanh Các Trực Tỉnh Phân Đồ trước 1755, hoặc Trường Sa chỉ quần đảo Tây Sa, Nam Sa trong ghi chú Đông Nam Hải Di đồ trong sách Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi năm 1621 và nhiều bản đồ khác!
Như chúng ta đã biết, với những dẫn chứng rất mơ hồ và rối mù trên, các học giả Trung Quốc cố gán ghép tùy tiện cho Tây Sa hay Nam Sa. Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ thì những sự kiện xảy ra chỉ loanh quanh ở vùng biển gần Phúc Kiến, Quảng Đông, không xa về phía Nam, rồi dần dần sau 1907 các địa danh Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa mới bắt đầu xuất hiện. Chính Nam Sa cũng thay đổi di chuyển từ Trung Sa hiện giờ xuống Nam Sa hiện nay cách hơn 500, 600 km! (Còn tiếp)
H.N.N.N
Bình luận (0)