Hoành tráng

Ý kiến đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 19.4 không ngại tấn công thẳng chuyện năm 2016 nhiều địa phương tổ chức các lễ kỷ niệm gây lãng phí tốn kém.

Nhất là những dịp kỷ niệm “năm chẵn”, kiểu 10 năm, 20 năm. Cái cụm từ “năm chẵn” ấy dường như đã được mặc nhiên chấp nhận như một “định luật của sự lãng phí” trên đất nước mình.
Chuyện Vĩnh Phúc bỏ 65 tỉ đồng mua ấm chén làm quà tặng nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh được bêu danh. Nhưng Vĩnh Phúc chẳng phải ngoại lệ gì. Có đơn vị từng bỏ hàng chục tỉ đồng sắm kỷ niệm chương cho dịp cũng là kỷ niệm. Có đơn vị từng dự định xây tượng đài hàng trăm tỉ để kỷ niệm một công trình quốc gia.
Vậy những nơi ấy, mà thật ra là rất nhiều nơi trên đất nước mình, tìm những giá trị gì trong những dịp lễ kỷ niệm có tính chất địa phương mình, ngành mình, cơ quan công sở mình?
Đi tìm một truyền thống chăng? Là không thể có. Bởi truyền thống mà chúng ta luôn nhìn thấy qua lịch sử ngàn đời của cha ông mình trên từng mảnh đất quê hương chỉ có thể là truyền thống hay lam hay làm, chịu thương chịu khó, ăn chắc mặc bền, năng nhặt chặt bị. Đất nước còn khó, người dân còn nghèo, vậy nên truyền thống đã gọi tên ra một tinh thần tiết kiệm rất có trách nhiệm với tương lai, kiểu kiến tha lâu đầy tổ, tích tiểu thành đại, ăn phải dành - có phải kiệm.
Hay đi tìm một niềm tự hào? Là chẳng thể có. Bởi niềm tự hào về quê hương phải là niềm tự hào về những cái tên danh nhân và anh hùng gắn với công trạng lừng danh sử sách, phải là tên những công trình làm thay đổi số phận của cả một vùng đất và con người ở đó, phải là tên của những áng văn chương nghệ thuật để đời trong lòng công chúng. Chứ chẳng bao giờ là một thứ niềm tự hào theo kiểu cứ chờ cho năm tháng đến hẹn lại lên. Những năm tháng rồi sẽ đi qua trên mảnh đất nào đó nên được kỷ niệm bằng những giá trị hữu ích, nhân văn mà chúng ta có thể bắt tay vào để thay đổi quê hương, thay đổi xã hội.
Sự hoành tráng hình thức của buổi lễ hay những món đồ kỷ niệm số lượng lớn hàng chục tỉ đồng, hoặc những thứ biểu trưng pha lê, men gốm được tặng rất phổ biến hiện nay hỏi thử có mấy ai đủ chỗ chưng cho hết, dù là tiền từ ngân sách hay tiền từ nguồn xã hội hóa, xét cho cùng đều là tiền mồ hôi nước mắt từ sức dân. Những đồng tiền lớn nhỏ đều là nguồn lực quý giá.
Sao không nghĩ cách đặt đồng tiền ấy vào những công trình hữu ích, dù chỉ là một ngôi trường bé nhỏ đặt đâu đó giữa vùng cao để kỷ niệm? Sao không nghĩ cách đặt đồng tiền ấy vào việc tu bổ những cây cầu, những con đường còn đang vắt vẻo, cheo leo, gập ghềnh trên khắp quê hương mình để hoành tráng? Sao không tự kỷ niệm bằng những chương trình hành động tình nguyện, xây trường, hiến máu, làm vệ sinh môi trường, trồng rừng, làm sạch biển, gây quỹ học bổng cho trẻ nghèo đến trường?
Đã có nhiều cơ quan xin không nhận hoa chúc mừng để thay bằng đóng góp cho quỹ học bổng, bỏ bản báo cáo đọc chay bằng những thước video sinh động thì cũng đến lúc thay những nghi thức kỷ niệm hoành tráng bằng tấm chân tình vì dân, lòng thiện nguyện xã hội và truyền thống sống giản dị được lên ngôi trong không khí của những dịp kỷ niệm “năm chẵn” nào đó. Đừng để sự lãng phí và thói vô tâm chiếm đoạt của chúng ta những ngày kỷ niệm lẽ ra đáng phải tự hào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.